Đường dẫn truy cập

Giải quyết hậu quả chiến tranh: Mỹ giúp Việt Nam truy tập hài cốt để củng cố thêm lòng tin


Một phi công của quân đội Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Tim Raumussen, thắp hương tại một ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị. Mỹ sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm và truy tập hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ theo một thoả thuận mới được ký kết.
Một phi công của quân đội Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Tim Raumussen, thắp hương tại một ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị. Mỹ sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm và truy tập hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ theo một thoả thuận mới được ký kết.

Một sáng kiến mới của Mỹ nhằm giúp Việt Nam tăng năng lực truy tập hài cốt liệt sỹ sẽ làm sâu sắc hơn lòng tin giữa Hà Nội và Washington như thế nào

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết với các lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam khi thăm Hà Nội hôm 25/8 rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp giải quyết hậu quả chiến tranh, một vấn đề mà cả hai phía coi là then chốt trong việc tạo dựng lòng tin giữa hai cựu thù.

Trước đó 1 tháng, chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Hà Nội đã “đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước,” theo như lời của chính ông, về hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh.

Một Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ Việt Nam đã được ký kết khi Bộ trưởng Austin gặp người đồng cấp phía Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, tại Hà Nội hôm 29/7.

Sự hợp tác này, theo Thượng nghị sỹ liên bang Hoa Kỳ Patrick Leahy, “thể hiện lần đầu tiên Mỹ đã thực hiện một cách chính thức và nỗ lực trong nhiều năm để giúp chính phủ Việt Nam tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam trong chiến tranh.”

TNS Leahy, người được coi là tiên phong trong các nỗ lực của Mỹ để giúp giải quyết hậu quả cuộc chiến tranh, nói tại một buổi thảo luận do Viện Hoà bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức trực tuyến gần đây rằng trong hơn 40 năm qua Việt Nam đã giúp Mỹ tìm kiếm hàng trăm quân nhân mất tích trong chiến tranh, thậm chí trong cả thời gian bị cấm vận của Hoa Kỳ.

Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích (VNOSMP) được thành lập năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ rằng Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa để giúp tìm kiếm những người Mỹ mất tích trước khi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc xem xét viện trợ khắc phục hậu quả chiến tranh.

Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của Việt Nam, đã tìm kiếm và hồi hương hơn 700 hài cốt trong số 1.973 binh sỹ Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Sáng kiến mới, theo TNS Leahy cho biết, là việc làm đầu tiên của Mỹ “để đáp lại sau bao nhiêu năm Việt Nam đã hợp tác tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam.”

Hiện có hơn 200.000 bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh chưa tìm được thông tin, theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết trong buổi hội thảo của USIP, một cơ quan do Quốc hội Mỹ thành lập năm 1984 nhằm phối hợp với các đối tác trên thế giới để phòng ngừa và giải quyết các cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài.

Đại sứ Ngọc cho biết Việt Nam đối diện với thách thức lớn của việc thiếu thông tin, sự thay đổi liên quan đến công nghệ, địa bàn và địa lý, gây cản trở trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ. Theo người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Việt Nam tại Washington, thoả thuận hợp tác mới sẽ giúp Việt Nam thực hiện được việc này.

Công nghệ cao từ Mỹ

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, thoả thuận mới được ký kết cho phép người Việt Nam truy cập được vào hàng triệu hồ sơ để tìm kiếm người mất tích hoặc đã chết trong chiến tranh. Trọng tâm của bản ghi nhớ này là sự hợp tác với Đại học Harvard và Đại học Texas Tech nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu chứa hàng triệu hồ sơ có thể truy cập được cho việc tìm kiếm.

Đại học Texas Tech là nơi có kho dữ liệu lớn nhất về Việt Nam trên toàn nước Mỹ trong khi Đại học Harvard có một trung tâm lưu trữ kỹ thuật số về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Tiếp cận thông tin lưu trữ là một trong 6 trụ cột của sáng kiến này, theo Đại tá Thomas Stevenson, tuỳ viên quốc phòng của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, cho biết tại buổi thảo luận của USIP hôm 3/8.

“Thông tin lưu trữ có vai trò hết sức quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu, phân tích giúp cho các nhóm tìm kiếm ở Việt Nam để có thể xử lý các hồ sơ, kỷ vật và các báo cáo tình báo trong chiến tranh cũng như các hồ sơ lưu trữ,” Đại tá Stevenson cho biết.

Một trụ cột khác là ứng dụng công nghệ. Theo Đại tá Stevenson, kỹ thuật và các công cụ sẽ giúp tải lên, lưu trữ, tích hợp thông tin theo yêu cầu của các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Nâng cao năng lực để đẩy mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ bằng cách đào tạo và cung cấp trang thiết bị để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, khai quật và phân tích xác định pháp y là một trụ cột khác của sáng kiến mới này. Theo Đại tá Stevenson, Đại học Harvard và các đại học khác của Mỹ cũng sẽ tham gia chia sẻ thông tin và công nghệ trong hợp tác này.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hiện đang dẫn đầu các nỗ lực tiếp cận tổng thể toàn chính phủ để nâng cao năng lực cho Việt Nam tìm kiếm, truy tập hài cốt liệt sỹ với các kỹ thuật phân tích ADN. Cơ quan này vào tháng 7 năm ngoái đã ký một bản thoả thuận với VNOSMP để cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại và tốt nhất cho việc phân tích và tách chiết ADN. Hợp tác của USAID giúp tăng cường hiệu quả và hiệu suất của các phòng xét nghiệm ở Việt Nam với mục tiêu cuối cùng là tăng số lượng hài cốt được đoàn tụ chính xác với các gia đình của họ.

Giám đốc USAID, Ann Marie Yastishok, cho biết tại buổi hội thảo của USIP rằng Mỹ sẽ chuyển giao công nghệ này cho các phòng xét nghiệm ở Việt Nam để nâng cao năng lực phân tích ADN của quốc gia Đông Nam Á. Theo bà, USAID cũng hợp tác với các cơ quan của Việt Nam tìm kiếm người mất tích để đánh giá nhu cầu tìm kiếm và bàn giao hài cốt liệt sỹ Việt Nam trong chiến tranh cho gia đình của họ.

Sáng kiến mới này cũng sẽ liên kết các nhóm tìm kiếm độc lập, trong đó có các cựu chiến binh và các nhà nghiên cứu, để có thể kết nối các nỗ lực với nhau trong công tác tìm kiếm, theo Đại tá Stevenson.

Để thực hiện hiệu quả thoả thuận này, Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, hiện đang là chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 – người cũng tham gia cuộc hội thảo của USIP – đưa ra đề nghị rằng phía Mỹ “cung cấp thông tin, tài liệu, kỷ vật có liên quan đến quân nhân Việt Nam đã hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh từ nhiều nguồn mà phía Hoa Kỳ đang có, ví dụ như nhật ký các trận đánh, tài liệu tác chiến, sơ đồ, toạ độ, vị trí chôn cất các liệt sỹ.”

Ông Dũng còn đề nghị phía Mỹ vận động các tổ chức, cá nhân, và nhất là những cựu chiến binh tham gia chiến tranh ở Việt Nam cung cấp và chia sẻ thông tin phục vụ công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ của Việt Nam. Thượng tướng của Bộ Quốc phòng Việt Nam còn đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhất trong công tác tìm kiếm và truy tập hài cốt.

‘Khó khăn nhất nhưng ý nghĩa nhất’

“Có thể nhiều gia đình sẽ không bao giờ tìm thấy hài cốt người thân của họ,” TNS Leahy nói nhưng cam kết rằng phía Mỹ “sẽ làm tất cả những gì có thể để cung cấp thông tin và chuyên môn nhằm giúp chính phủ Việt Nam tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ.”

Theo TNS Leahy, việc tìm kiếm hài cố quân nhân là công việc khó khăn nhất nhưng cũng “đầy ý nghĩa nhất” trong hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Việt Nam là thảm hoạ cho cả hai nước nhưng giờ đây, theo vị thượng nghị sỹ từng nhiều lần tới Việt Nam và lãnh đạo cuộc vận động ở Quốc hội Mỹ cho các nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh, sự hợp tác trong mối quan hệ giữa hai nước đang là là hình mẫu về lòng tin và sự hoà giải cho các cựu thù khác.

Những hậu quả chiến tranh khác mà Mỹ đang giúp Việt Nam khắc phục còn gồm có tẩy độc dioxin, trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn chưa nổ. Kể từ năm 2007, Quốc hội Mỹ dành 382 triệu USD cho chất độc da cam ở Việt Nam, trong đó 3/4 dành cho các nỗ lực làm sạch và phần còn lại cho việc hỗ trợ người khuyết tật. Bên cạnh đó kể từ 1993, Chính phủ Mỹ cung cấp 166 triệu USD cho Việt Nam trong việc loại bỏ vật liệu chưa nổ và hỗ trợ các nạn nhân cũng như đào tạo để đối phó với vấn đề này.

Quan chức của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều cho rằng thoả thuận mới về việc Washington giúp Hà Nội tìm kiếm và truy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước và tạo dựng được thêm sự tin tưởng giữa hai cựu thù.

ĐS Ngọc gọi đây là “dấu mốc quan trọng tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác tiếp theo giữ Hoa Kỳ và Việt Nam.”

“Những thành tựu này giúp chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh đồng thời đẩy mạnh hơn nữa quá trình hoà giải và tin tưởng giữa hai quốc gia, tạo ra một nền tảng vững chắc lâu dài để làm sâu sắc hơn mối quan hệ trong những thập niên tới đây,” ĐS Ngọc nói.

Còn Bộ trưởng Austin nói với Bộ trưởng Giang rằng thoả thuận này “đặt nền tảng cho lòng tin, hiểu biết lẫn nhau” cho quan hệ giữa hai nước.

Với sự tin tưởng hơn vào Mỹ, Việt Nam trong 3 năm gần đây đã cho phép hai hàng không mẫu hạm của Mỹ cập cảng Đà Nẵng kể từ khi chiến tranh kết thúc. Phó Tổng thống Harris trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua đã đề nghị với lãnh đạo Việt Nam nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm chiến lược, 26 năm sau khi hai cựu thù bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

VOA Express

XS
SM
MD
LG