Đường dẫn truy cập

Gia tài của mẹ


Trịnh Công Sơn từng được chọn làm biểu tượng trên Google. Sáng tác "Gia Tài Của Mẹ" vẫn còn bị cấm tại Việt Nam.
Trịnh Công Sơn từng được chọn làm biểu tượng trên Google. Sáng tác "Gia Tài Của Mẹ" vẫn còn bị cấm tại Việt Nam.

Ngoài bài “Gia Tài Của Mẹ” nhiều Ca Khúc Da Vàng khác của ông vẫn còn bị cấm. Chiến tranh chấm dứt gần một nửa thế kỷ, vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm, hòa bình thực sự vẫn chưa có, chia rẽ trong nước và hải ngoại vẫn tồn tại.

Nguyễn Quốc Khải

Trong chuyến lưu diễn ca nhạc tại Việt Nam gần đây, Ca Sĩ Khánh Ly đã hát bài “Gia Tài Của Mẹ” của Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt vào ngày 25-6-2022 trước số cử tọa gần 1,000 người. Theo Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch (VH-TT-DL), bài này nằm ngoài danh sách 24 bài đã đăng ký để xin phép trình diễn. Danh sách này bao gồm Tình Xa; Như Cánh Vạc Bay; Dấu Chân Địa Đàng; Như Một Lời Chia Tay; Rơi Lệ; Ru Người; Lời Buồn Thánh; Ngủ Đi Con; Người Con Gái Việt Nam Da Vàng; Kinh Khổ; Mây Hại Bên Ni Bên Nớ; Chờ; Tiếng Sáo Thiên Thai; Xin Cho Tôi; Và Con Tim Đã Vui Trở Lại; Ca Dao Mẹ; Xin Còn Gọi Tên Nhau; Bài Tình Ca Cho Em; Xa Em Kỷ Niệm; Còn Mãi Tìm Nhau; Xin Trả Nợ Người; Hẹn Hò; Cỏ Hồng; Thiên Thai.

Hơn thế nữa bài “Gia Tài Của Mẹ” còn bao gồm trong danh sách bị cấm bởi chính quyền Hà Nội nên ban tổ chức là công ty Mây Lang Thang đã bị Sở Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch tỉnh Lâm Đồng điều tra. Tại thời điểm này, không rõ cơ sở trung ương có quyết định nào khác không.

Chính quyền Hà Nội không cho phép hát bài “Gia Tài Của Mẹ” của Nhạc Sĩ Trịnh Cộng Sơn là một điều dễ hiểu, mặc dù trong thời đại kỹ thuật số, với Internet, Facebook, Youtube, Instagram sự cấm đoán thông tin nói chung không còn hiệu quả nữa.

Trong ca khúc “Gia Tài Của Mẹ”, Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn bốn lần "chửi" Tầu, chửi Tây mà không hề chửi Mỹ xâm lược đến một chữ. Trịnh Công Sơn cũng không hề ca ngợi cuộc chiến “giải phóng miền Nam” của cộng sản. Lê Duẩn từng nói không úp mở “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.”

Trái lại, Trịnh Công Sơn coi chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến khốc liệt, dại dột, làm đất nước tan hoang. Đối với cộng sản, chiến tranh tại Việt Nam là một cuộc chiến chống xâm lăng.

Hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ.

Trịnh Công Sơn kêu gọi chấm dứt chiến tranh, quên hận thù.

Mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, CSVN quyết tâm trả thù quân dân miền Nam, thực hiện chế độ vô sản chuyên chính trên toàn cõi Việt Nam với tin tưởng tuyệt đối rằng "Chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu. Chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của nhân loại." Rồi chỉ 17 năm sau chế độ cộng sản trên toàn thế giới xụp đổ không tốn một viên đạn. Việt Nam chính thức từ bỏ chế độ XHCN cộng sản vào năm 1986 và trở thành một nước tư bản sau khi đã hi sinh hàng triệu sinh mạng để tiêu diệt nó.

Báo nhà nước đã lên tiếng chỉ trích việc Khánh Ly hát bài “Gia Tài Của Mẹ” như sau:

“Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung của các tác phẩm nghệ thuật trước khi phát hành cũng như trình diễn trước công chúng cũng như có chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi sử dụng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.”

“Về phía ca sỹ Khánh Ly, một người từng đứng giữa “Little Sài Gòn” tuyên bố “không bao giờ về Việt Nam kiếm tiền rồi lương tâm chống cộng luôn chảy trong máu tôi”… Giờ ở cái tuổi trên bảy mươi, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện trở về quê hương nên tập trung hát những ca khúc đúng nghĩa nghệ thuật và đừng đụng chạm gì đến lịch sử theo kiểu phiến diện vì đây là Việt Nam, là nơi lịch sử được giữ gìn, là nơi mà người Việt Nam đoàn kết đánh ngoại bang chứ không bao giờ là nội chiến.”

Theo bản tin ngày 30-6-2022 của Đài Á Châu Tự Do (RFA), Nghị Định số 144/2020/NĐ-CP của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, thay thế Nghị Định số 79/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị Định số 15/2016/NĐ-CP, đã không còn đòi hỏi giấy phép phổ biến những ca khúc sáng tác ở miền Nam trước 1975. Việc ngăn cấm trình diễn bài “Gia Tài Của Mẹ” là vi phạm tinh thần của nghị định nói trên và ảnh hưởng đến việc hòa giải dân tộc gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Tuy nhiên, theo điều 10 của Nghị Định 144/2020/NĐ-CP, tổ chức biểu diễn nghệ thuật vẫn phải cần giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Đơn xin bao gồm kích bản, danh mục các tác phẩm và tác giả. Ca khúc “Gia Tài Của Mẹ” không có trong danh sách được cấp phép là trái với quy luật. Trong trường hợp này, hình phạt đối với cá nhân là 10 – 15 triệu đồng VN, và đối với tổ chức là 20 - 30 triệu đồng VN.

Nếu nội dung của chương trình biểu diễn xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phủ nhận thành tựu cách mạng, … số tiền phạt sẽ là 25 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và 50 – 60 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời những người vi phạm sẽ bị cấm hoạt động biểu diễn 6 – 12 tháng. Theo truyền thông quốc doanh, nội dung bài “Gia Tài Của Mẹ” xuyên tạc lịch sử dân tộc. Hiện nay Khánh Ly vẫn còn ở Việt Nam qua đến tháng 8 để trình diễn tiếp tại Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tin giờ chót của báo Tiền Phong vào ngày hôm nay, 1-7-2022, cho hay sau hai lần làm việc với Sở Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, công ty Mây Lang Thang đã nhận sai lầm trong việc tổ chức cuộc trình diễn ca nhạc cho Ca Sĩ Khánh Ly tại Đà Lạt và cam kết sẽ rút kinh nghiệm không để trường hợp tương tự xẩy ra trong tương lai. Công ty Mây Lang Thang chỉ bị cảnh cáo.

Ngoài “Gia Tài Của Mẹ”, Trịnh Công Sơn còn có một số bản nhạc gây ít nhiều tranh cãi tùy theo bạn ở phe nào trong cuộc chiến Việt Nam. “Hát Cho Người Nằm Xuống” là một trong những bản nhạc này. Trịnh Công Sơn sáng tác bài này vào tháng 5, 1968 để khóc cho người bạn văn nghệ vừa nằm xuống là Đại Tá Không Quân Lưu Kim Cương, chỉ huy trưởng yếu khu Tân Sân Nhất, bị tử trận trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân đợt II của cộng sản vào phi trường Tân Sân Nhất.

“Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên,
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn,
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn,
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh,
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình,
Nơi đây một lần, nhìn anh đến,
những xót xa đành nói cùng hư không!”

“Xin cho một người vừa nằm xuống,
thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.”

Sau 30 tháng 4, 1975 thay vì phải đi học tập cải tạo, Trịnh Công Sơn bị đẩy đi nông trường lao động. Ngoài bài “Gia Tài Của Mẹ” nhiều Ca Khúc Da Vàng khác của ông vẫn còn bị cấm. Chiến tranh chấm dứt gần một nửa thế kỷ, vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm, hòa bình thực sự vẫn chưa có, chia rẽ trong nước và hải ngoại vẫn tồn tại.

GIA TÀI CỦA MẸ

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn.

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ.

Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng.

Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG