Đường dẫn truy cập

G20 cảnh báo các biến thể virus đe dọa sự hồi phục toàn cầu


TƯ LIỆU: Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân giữa các xe cứu thương bên ngoài Bệnh viện Hoàng gia London, Vương quốcc Anh.
TƯ LIỆU: Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân giữa các xe cứu thương bên ngoài Bệnh viện Hoàng gia London, Vương quốcc Anh.

Sự tăng vọt các biến thể virus corona mới và khả năng tiếp cận vaccine kém ở các nước đang phát triển đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu, các bộ trưởng tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cảnh báo ngày thứ Bảy.

Hội nghị G20 tại thành phố Venice của Ý là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các bộ trưởng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các quyết định bao gồm tán thành các quy tắc mới nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nơi thuế suất thấp.

Điều này mở đường cho các nhà lãnh đạo G20 chung quyết mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mới là 15% tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào tháng 10, một bước đi mà có thể thu lại hàng trăm tỉ đôla cho công quỹ vốn đang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Một thông cáo cuối cùng cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã cải thiện kể từ hội nghị G20 vào tháng 4 nhờ triển khai tiêm ngừa vaccine và các gói hỗ trợ kinh tế, nhưng thừa nhận sự mong manh của nó khi đối mặt với các biến thể lây lan nhanh như Delta.

“Sự phục hồi được thể hiện bởi các khác biệt lớn giữa các nước và bên trong các nước và vẫn đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới của virus COVID-19 và tốc độ tiêm chủng khác nhau,” thông cáo nói.

Trong khi các quốc gia G20 hứa sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách để chống lại COVID-19, Ý, nước chủ trì cuộc họp, cho biết cũng đã có thỏa thuận để tránh áp đặt các hạn chế mới đối với người dân.

Thông cáo, dù nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc “chia sẻ bình đẳng toàn cầu,” không đề xuất các biện pháp cụ thể, mà chỉ ghi nhận khuyến nghị tài trợ vaccine mới trị giá 50 tỉ đôla của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới.

Sự khác biệt về mức độ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới vẫn còn rất lớn. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi sự khác biệt này là một “sự phẫn nộ về mặt đạo đức” vốn đang làm suy yếu những nỗ lực rộng lớn hơn để chế ngự sự lây lan của virus.

Trong khi một số quốc gia giàu có nhất hiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho hơn hai phần ba dân chúng, con số này giảm xuống dưới 5% đối với nhiều quốc gia châu Phi.

Ý cho biết G20 sẽ quay lại vấn đề tài trợ vaccine cho các nước nghèo trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào tháng 10 và rằng các biến thể mới là một lĩnh vực cần được xem xét.

VOA Express

XS
SM
MD
LG