Đường dẫn truy cập

Gần 40 công dân Việt Nam bị trục xuất khỏi Úc vì vi phạm visa


Truyền thông Úc đưa tin về vụ trục xuất nhóm người Việt vi phạm về visa.
Truyền thông Úc đưa tin về vụ trục xuất nhóm người Việt vi phạm về visa.

38 công dân Việt Nam vừa bị áp giải ra khỏi nước Úc để lên chuyến bay trở về thành phố Hồ Chí Minh vì lưu trú quá hạn và vi phạm các quy định về thị thực, lực lượng biên phòng Úc cho biết hôm 14/9. Thông tin về vụ trục xuất đang gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Úc, giữa lúc một số người bản xứ bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của chính phủ trong việc hạn chế vấn nạn di trú bất hợp pháp đã kéo dài nhiều năm.

Thông báo của giới hữu trách Úc cho hay các công dân Việt Nam bị bắt giữ và trục xuất từ Sydney, Melbourne, Perth và được đưa lên chuyến bay trở về TPHCM vào ngày 8/9.

Trong số 38 người bị trục xuất khỏi Úc, có 24 người bị hủy visa và 14 người lưu trú quá hạn.

Hình ảnh video trên truyền thông Úc cho thấy đa số trong nhóm bị trục xuất là thanh niên. Một số người bị còng tay, một số đeo khẩu trang trong lúc bị áp giải lên máy bay.

“Họ đến đây bằng nhiều loại visa: visa học sinh, visa làm việc tay nghề hay làm việc theo mùa như hái trái cây và họ ở lại”, ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do Úc châu, nói với VOA.

Ông Bon cho biết một tình trạng khá phổ biến là nhiều du học sinh Việt Nam qua Úc với ý định ngay ban đầu là tìm cách ở lại. Vì vậy, các du học sinh này thường cố tính kéo dài thời gian lưu trú bằng cách chuyển qua học bán thời gian.

“Trong lúc ở lại như vậy, họ không đi học mà đi làm”, ông Bon cho biết thêm.

“Với giáo dục Úc, bạn không cần phải có mặt ở đó (trường) mà chỉ cần tên bạn được điểm danh và họ ký tên là được. Theo chỗ tôi biết, họ có cả hệ thống để nhờ bạn bè điểm danh. Khi hết thời hạn bán thời gian, họ có thể đổi qua ngành nghề khác. Đến khi không đổi được nữa thì họ trốn ở lại luôn”.

Bản tin về nhóm công dân Việt Nam bị trục xuất nhận được khá nhiều phản hồi từ người bản xứ. Một người tên Glenn nói chiến dịch trấn áp người lưu trú bất hợp pháp là “một khởi đầu tốt”, trong khi một người khác lấy tên “Old Surfie” cho rằng 38 người không thấm tháp gì so với cả trăm ngàn trường hợp khác ở xứ sở Kanguroo. Người này kể lại việc chứng kiến những chiếc xe tải bí ẩn, không được đăng ký mỗi ngày đưa đón hàng chục người “trông giống Ấn Độ” đến dọn dẹp tại một khu chung cư mới. Một người khác tỏ ra lo ngại về khả năng dịch bệnh gia tăng vì tình trạng lưu trú bất hợp pháp này.

Chủ tịch Cộng đồng Nguyễn Văn Bon cho biết “Thông thường những người này đến đây làm việc họ làm cực khổ lắm, cố gắng để dành tiền để mang về Việt Nam sống khi họ bị trả về. Nhưng cũng có một số người vì cái lợi trước mắt nên đi làm những việc làm phạm pháp. Thành phần này tạo ra một hình ảnh xấu cho cộng đồng người Việt Nam của mình”.

Mặc dù bất bình trước tình trạng vi phạm pháp luật của nhiều công dân Việt Nam tại Úc, nhưng ông Bon cho rằng chính những tiêu cực, “bất công” trong xã hội tại Việt Nam là nguyên nhân đẩy nhiều người dân đi tìm đường sống ở các nước khác.

“Đối với người dân trong nước, họ là đồng bào ruột thịt của tôi. Chị chắc cũng đang theo dõi phiên toà Đồng Tâm, sự bất công ở ngay trước mặt của mình như vậy, thử hỏi ai mà không muốn rời khỏi một nơi bất công để đến nơi tốt hơn”, ông Bon nói thêm với VOA.

Thống kê của Liên Hiệp Quốc và của Mỹ cho thấy người Việt Nam luôn nằm trong nhóm danh sách các nước có số lượng công dân đứng đầu tìm cách đến đến châu Âu và Mỹ để “tị nạn kinh tế” bằng nhiều phương cách, kể cả qua các đường dây buôn người núp bóng dưới dạng “xuất khẩu lao động” và được tiếp tay bởi các quan chức tham nhũng và công ty môi giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG