Đường dẫn truy cập

Pháp yêu cầu các đại học hàng đầu nhận thêm sinh viên nghèo


Các trường đại học hàng đầu nước Pháp mới đây đã đồng ý nhận thêm sinh viên nghèo, sau khi bị áp lực nặng nề từ chính phủ. Tuy nhiên, theo lời tường thuật của thông tín viên Lisa Bryant từ Paris, thì cuộc tranh luận về việc cung cấp cơ hội đồng đều để giới trẻ thuộc thành phần kém ưu đãi có cơ hội vươn lên, vẫn chưa kết thúc.

Các trường đại học có uy tín nhất nước Pháp thường được gọi là “grandes ecoles”, dịch sát nghĩa là “các trường lớn”. Đây là một số ít định chế giáo dục cao đẳng ưu tú, chỉ có ở nước Pháp. Đa số các chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Pháp đều xuất thân từ các trường lớn này.

Giới ủng hộ nói rằng các trường lớn được dựa trên khả năng mà thôi, bởi vì muốn theo học tại các trường này, tất cả mọi sinh viên đều phải trải qua một cuộc thi tuyển được tổ chức trên toàn quốc.

Tuy nhiên cho tới nay, đa số sinh viên theo học tại các trường lớn đều thuộc thành phần được ưu đãi trong xã hội. Giới chỉ trích nói rằng các cuộc thi toàn quốc tỏ ra thiên vị, bởi vì bài thi được đặt trên căn bản một trình độ kiến thức và văn hóa mà giới sinh viên thuộc thành phần lao động khó có thể thủ đắc.

Sự kiện đó đã dẫn đến lời kêu gọi của chính phủ Pháp yêu cầu các trường đại học hàng đầu hãy áp dụng các thủ tục tuyển sinh mới, thuận lợi hơn cho các sinh viên thuộc thành phần bị thua thiệt.

Tổng Thống Thống Pháp Nicolas Sarkozy, một người không xuất thân từ một trường lớn, đã vạch ra yêu cầu của ông trong một bài diễn văn hồi tháng Giêng

Tổng thống Pháp nói: “30% sinh viên được nhận vào các trường lớn phải đến từ các thành phần nghèo.”

Chính phủ Pháp nói rằng đây là một “mục tiêu”, chứ không phải là một quota, một khái niệm đi ngược với các hệ thống tại Pháp.

Lúc ban đầu, các trường lớn cưỡng lại áp lực của chính phủ, nhưng giờ đây họ tuyên bố sẽ tìm cách thực hiện mục tiêu do Tổng Thống Sarkozy đề ra trong vòng 3 năm.

Cho tới nay, chỉ có Trường đại học Chính Trị Paris, thường được gọi tắt là Science Po, là trường lớn duy nhất tích cực thâu nhận một thành phần sinh viên đa dạng, xuất thân từ nhiều giai cấp xã hội.

Giám đốc Richard Descoings của Trường Science Po nói với đài VOA rằng các nỗ lực của nhà trường đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ông xác định rằng về phương diện khoa bảng cũng như về chuyên môn, không thể nào phân biệt giữa các sinh viên thuộc các nấc thang xã hội cao nhất với các sinh viên thuộc thành phần nghèo.

Hút một điếu thuốc bên ngoài thư viện của trường Science Po vào một buổi chiều, cô Sofie Bonnard, một sinh viên 22 tuổi, nói với VOA cô ủng hộ nỗ lực của chính phủ Pháp để các trường lớn khác phải mở cửa đón nhận sinh viên nghèo.

Cô Bonnard xuất thân từ một học khu có nhiều gia đình nghèo tại vùng ngoại ô, nơi có nhiều dân lao động. Cô sinh viên này đã được hưởng lợi nhờ chính sách đa dạng hóa thành phần sinh viên của Trường Science Po.

Khi còn ở bậc trung học, cô và các bạn không bao giờ dám mơ tưởng sẽ có ngày được nhận vào một trường đại học lớn, có uy tín nhất nước.

Nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm đa dạng hóa các trường lớn, đã dẫn đến lời kêu gọi của một số nhà khoa bảng, yêu cầu chính phủ hãy tạo sân chơi bình đẳng trong các lĩnh vực khác, như cung cấp thêm nơi trú ngụ, và học bổng cho các sinh viên nghèo đang theo học tại các trường lớn.

Ông Etienne Boisserie là người dẫn đầu nhóm vận động này, được đặt tên là “Hãy cứu Trường Đại Học”.

Ông Boisserie nói: “Chính phủ của Tổng Thống Nicolas Sarkozy tập trung một cách quá hạn chế vào các trường lớn có uy tín, vốn chỉ bao gồm một tỷ lệ nhỏ các sinh viên tốt nghiệp đại học Pháp. Có rất nhiều sinh viên giỏi theo học tại các trường kém nổi tiếng hơn, nhưng bị buộc phải bỏ học, vì lý do đơn giản là các em không có đủ khả năng tài chánh.”

Các nhân vật hoạt động tích cực chống nạn kỳ thị, như ông Mouloud Aounit, tin rằng đa dạng hóa thành phần sinh viên tại các trường đại học Pháp chỉ là bước đầu tiên. Ông Aounit là người cầm đầu Phong Trào chống Kỳ thị, và cổ vũ Tình Hữu nghị giữa các Dân Tộc, gọi tắt là MRAP, một nhóm hoạt động chống kỳ thị đặt trụ sở tại Paris.

Ông Aounit nói: “Tôi hy vọng lời kêu gọi của Tổng Thống Sarkozy sẽ đưa đến việc giảm bớt các khu ghetto trong xã hội Pháp, và tiến trình này phải bao gồm cơ hội đồng đều để tìm kiếm công việc. Cần phải có một số biện pháp để giới thanh niên thuộc thành phần nghèo có thể đuổi kịp các bạn thuộc các thành phần khá giả hơn.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG