Đường dẫn truy cập

EU từng tính cấm cả than đá của Nga, nhưng Đức không ủng hộ


Một mỏ than Nga ở gần thị trấn Beryozovsky, vùng Kemerovo, Siberia (ảnh tư liệu, 2016).
Một mỏ than Nga ở gần thị trấn Beryozovsky, vùng Kemerovo, Siberia (ảnh tư liệu, 2016).

Trong giai đoạn đầu soạn thảo các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, có một ý tưởng đã được ủng hộ khá nhiều ở Brussels – đó là cần cấm nhập khẩu than đá của Nga – nhưng Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Liên hiệp châu Âu, đã dập tắt ý định này, hai nguồn tin nói với Reuters trong một bản tin hôm 25/3.

Trước khi Nga xâm lược nhưng đang tập trung quân áp sát Ukraine, ngay từ tháng 12/2021, các nhà hoạch định chính sách của EU đã bắt đầu soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới và gửi đến các nước EU bản danh sách ban đầu gồm các biện pháp khả dĩ vào tháng 1.

Danh sách này không bao gồm phần lớn các mặt hàng năng lượng nhập khẩu, do EU phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ.

Nhưng nó bao gồm một lệnh cấm đối với than đá, hai nhà ngoại giao châu Âu nắm về kế hoạch này nói với Reuters và đề nghị giấu tên.

Mục đích là để cho Moscow thấy EU nghiêm chỉnh về các lệnh trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng, vốn là vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất vì có ảnh hưởng trực tiếp đến cả nền kinh tế EU lẫn Điện Kremlin, một trong hai quan chức cho biết.

Biện pháp này cũng sẽ phù hợp với chính sách khí hậu của EU, vốn từ lâu đã nhắm vào than đá, xem đó là một trong những nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất cần phải loại bỏ dần.

Nhưng Đức, quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào than nhập khẩu từ Nga, đã phản đối, các quan chức cho biết.

Phái bộ đại diện thường trực của Đức tại EU, đã trực tiếp tham gia đàm phán về các lệnh trừng phạt của EU, từ chối bình luận về vấn đề này.

Khi vòng trừng phạt đầu tiên được thông qua vào ngày 24/2, ngày mà Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine, đã không hề có lệnh cấm than đá.

Trong ba vòng trừng phạt liên tiếp sau đó của EU nhằm vào các ngân hàng, giới tài phiệt, thép và quốc phòng Nga, cũng không có lệnh cấm than đá.

Giờ đây, khi EU có động thái tiến đến đảm bảo các nguồn cung cấp năng lượng thay thế, bao gồm cả thông qua thỏa thuận về khí đốt với Mỹ, Đức có lẽ sẽ thay đổi quan điểm của mình.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm thứ Sáu 25/3 cho biết Berlin đã giảm sự phụ thuộc vào than của Nga và hy vọng sẽ ngừng nhập khẩu than vào mùa thu năm nay.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG