Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc cần cấm hai nước châu Phi bán kho ngà voi


Voi bị săn để lấy ngà khiến loài vật này có nguy cơ tuyệt chủng
Voi bị săn để lấy ngà khiến loài vật này có nguy cơ tuyệt chủng

Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đang họp tại Qatar để xét lời yêu cầu của Tanzania và Zambia, xin phép bán số ngà voi mà họ đang tồn kho ngày càng chất đống. Các nhà bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc ngăn cấm vụ buôn bán này

Mặc dù hai nước Tanzania và Zambia nói rằng lời yêu cầu này chỉ là lần xin phép duy nhất, cho họ được miễn thi hành công ước quốc tế cấm buôn bán các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng gọi tắt là CITES, ra lệnh đình hoãn tất cả các vụ mua bán ngà voi, các nhà bảo vệ động vật nói rằng chấp thuận vụ buôn bán này sẽ làm suy yếu các nỗ lực của quốc tế nhằm bảo vệ loài voi có nguy cơ tuyệt chủng, và mở đường cho thêm nhiều vụ săn trộm voi để lấy ngà trên khắp châu Phi.

Trong một lá thư đăng trên tập san Khoa học, 27 nhà bảo vệ động vật kêu gọi Ủy ban Liên Hiệp Quốc đặc trách các chủng loại có nguy cơ tuyệt chủng, bác bỏ yêu cầu của hai nước châu Phi đó.

Số ngà voi tồn kho gồm một số lượng hợp pháp lấy từ những con voi chết do những lý do tự nhiên như bệnh tật hay quá già, và một số lượng tịch thu của những người săn bắt hoặc buôn bán bất hợp pháp. Theo lời những nhà bảo vệ ký tên trong lá thư, vấn đề ở đây là hai nước đó không thể chứng minh xuất xứ của các ngà voi bị tịch thu.

Ông Samuel Wasser, chuyên viên bảo tồn của trường đại học Washington ở Seattle, nói rằng Tanzania và Zambia nằm trong số những nước có nhiều ngà voi bất hợp pháp nhất. Bằng chứng là các xét nghiệm DNA và truy tầm gốc gác của các ngà voi tịch thu được ở Đài Loan và Hong Kong năm 2002 và 2006 cho thấy số hàng này đến từ hai nước vừa kể. Và điều trớ trêu là các cố gắng của quốc tế nhằm cấm buôn bán ngà voi trái phép lại có những hậu quả tai hại cho loài voi

Ông Wasser nói: “Khoảng 8% đến 10% số voi bị những người đi săn trái phép giết mỗi năm. Tỷ lệ này khá cao và gây khó khăn cho số voi ở châu Phi vì mỗi năm chúng chỉ tăng trưởng tối đa là 6%, nếu được sinh sản tự do.”

Vào năm 1989, quốc tế ký được thỏa thuận tạm hoãn lại tất cả các vụ mua bán ngà voi, giảm bớt rất nhiều các vụ săn trộm. Ông Wasser nói rằng vào lúc ký thỏa thuận, các vụ săn bắt bất hợp pháp đã làm đàn voi châu Phi giảm hơn 60%, từ 1,3 triệu con xuống chưa đầy 600.000 con. Nhưng ông nói thỏa thuận đó cũng làm cho việc theo dõi những vụ săn bắt trái phép bị lơ là, và hậu quả là nạn săn trộm lại bắt đầu tăng lên.

Ông Wasser ghi nhận cho đến năm 2007, nạn săn trộm trở nên trầm trọng tại Zimbabwe, Namibia, Botswana và Nam Phi, đến độ các nước thành viên của công ước CITES phải ra lệnh cấm toàn bộ các vụ bán ngà voi trở lại trong 9 năm. Để có thể ký được lệnh cấm này, Liên Hiệp Quốc phải nhượng bộ hai nước Tanzania và Zambia bằng cách cho hai nước này được giảm bớt quy chế bảo vệ xuống thành canh chừng và giữ gìn đàn voi.

Giờ đây có khoảng hơn 20 nước, trong đó có Kenya, đang vận động để thỏa thuận tạm hoãn lại tất cả các vụ mua bán ngà voi có hiệu lực đến 20 năm; nhưng ông Wesser lo ngại mục tiêu chính trị, thay vì mục tiêu khoa học, có thể phá hoại các nỗ lực bảo tồn.

Ông Wesser giải thích: “Tôi xin lấy một ví dụ đang xảy ra. Họ đã đề nghị với EU là nếu các nước EU ủng hộ đề nghị của họ, thì họ sẽ ủng hộ đề nghị của EU cấm buôn bán loại cá ngừ vây xanh. Kiểu đổi chác này không có lợi cho tất cả mọi người. Do đó chúng ta thấy hiện nay vấn đề này đang có yếu tố chính trị dính vào, và đó là vấn đề đang xảy ra cho CITES.”

Ông Wasser e ngại nếu CITES chấp nhận thỉnh nguyện của Tanzania và Zambia thì điều này sẽ là một tín hiệu sai lạc:
“Tín hiệu này làm cho người ta tưởng rằng đây không phải là một vấn đề quan trọng như chúng ta nghĩ. Cứ mua ngà voi thoải mái vì Liên Hiệp Quốc hiện đang cho phép bán. Đã có một số bằng chứng gợi ý rằng được phép bán hợp pháp sẽ khuyến khích các vụ làm ăn trái phép.”

Công ước quốc tế bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng qui định hai cấp độ trong việc bảo vệ voi. Zambia và Tanzania hiện nay đang bị áp dụng cấp độ gắt gao nhất, tức là không được phép bán bất kỳ một ngà voi nào. Cấp độ thứ nhì cho phép bán có giới hạn, ví dụ như bán số hàng tồn kho, miễn là nước muốn bán phải chứng minh được rằng đàn voi của họ được bảo vệ không bị săn bắt bất hợp pháp.

Ông Wasser nói rằng cả Tanzania lẫn Zambia đều không đưa ra lời bảo đảm đó.

Trong một thông cáo đưa ra cuối tháng trước, ông Willem Wijnstekers, Tổng thư ký của các nức thành viên CITES bác bỏ tin tức báo chí nói rằng văn phòng của ông có vẻ muốn ưng thuận lời yêu cầu của hai nước đó. Ông nhấn mạnh bất kỳ quyết định nào được đưa ra cũng phải dựa vào các đánh giá khách quan, thay vì dựa vào yếu tố chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG