Đường dẫn truy cập

Đêm giao thừa nhớ công sinh thành


Những gì tha thiết sâu đậm trong ký ức tuổi thơ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong não con người.
Những gì tha thiết sâu đậm trong ký ức tuổi thơ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong não con người.

Tình yêu thương, đặc biệt của cha mẹ, do đó có lẽ là thước đo nồng độ về sự sâu đậm của ký ức tuổi thơ.

Tối nay là đêm giao thừa. Rời Việt Nam khá lâu, và lâu nay không về, nên thật ra tôi cũng không còn nhớ Việt Nam bao nhiêu, nhất là so với thủa ban đầu. Nhưng mỗi lần Tết đến, nỗi nhớ Việt Nam dường như vẫn sâu đậm, vẫn chứa chan. Trừ khi chúng ta mất trí nhớ, những kỷ niệm, đặc biệt thời thơ ấu, gắn liền với mỗi người. Những kỷ niệm tôi có gắn liền với gia đình và bạn bè, trong đó cho đến nay đậm nhất vẫn là ba tôi.

Tôi thật sự không biết gia đình tôi đón giao thừa và ăn Tết ra sao trước năm 1975. Tuổi thơ tôi lớn lên dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa” chỉ toàn thấy cái nghèo và đói, nhất là vào những năm 1975 đến 1986. Kể từ năm 1975, bao nhiêu căn nhà ba tôi đầu tư cốt để cho mỗi đứa con một căn đã bị tịch thu, chỉ còn lại một nhà duy nhất mà tất cả gia đình chung sống với nhau. Vì bị chế độ cộng sản chiếu cố tận tình như thế, và vì không làm được gì đáng kể để kiếm sống hay tạo ra tài sản, ba tôi quyết định sống cuộc sống nghèo khó như mọi người chung quanh. Tuy thế chúng tôi vẫn may mắn, so với phần lớn xã hội thời đó, có được ngày ba bữa cơm, trong đó buổi sáng ba cho tiền tự mua, và hai buổi cơm trưa và tối ăn chung với nhau.

Ba tôi hiểu rõ mạng sống và lối sống của gia đình chúng tôi, vì lý do chính trị, chẳng khác gì cá nằm trên thớt. Chế độ đã nhiều lần đưa công an vào nhà tôi lục lọi tìm vàng bạc mà họ nghĩ ba tôi đã cất trữ. Diện tư sản thì phải đào tận gốc, chắc vậy. Hiểu bản chất của chế độ, ba tôi luôn đi trước họ bước, trong nhiều tình huống. Biết ba tôi còn tài sản nhưng không tịch thu được, cấp lãnh đạo thời đó rất điên tiết, nhưng không làm gì hơn.

Vì những lý do trên, Tết đến, ba tôi cắt hết những khoản chi mà ông cho là không cần thiết, nhất là để không tạo sự chú ý rình rập của chế độ. Trước năm 1975, nếu đón mừng năm mới bằng nấu nồi bánh chưng hay tét, bằng sắm áo quần và dầy dép mới, bằng đốt pháo vài mét lúc giao thừa và ngày mồng một, vv…, thì sau năm 1975 ba tôi bỏ hết truyền thống này. Theo ký ức của tôi, từ năm 1982 trở đi, cuộc sống dường như bớt ngộp thở hơn một chút. Ít ra là đối với gia đình tôi, khi một vài anh chị lớn tuổi đã vượt biên được, trút bớt gánh nặng tinh thần và tài chánh lên những thành viên còn lại. Lúc đó chúng tôi năn nỉ lắm, ba mới cho nấu lại bánh tét, mỗi đứa con được sắm bộ đồ mới ăn Tết, và có đốt pháo tượng trưng cho có không khí Tết như bao nhà chung quanh.

Gia đình tôi kể từ năm 1982 trở đi cũng bắt đầu ăn Tết phần nào như những gia đình chung quanh. Má tôi đã làm các loại mứt khác nhau. Tôi còn nhớ ngồi dưới bếp phụ má làm mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao v.v... Thấy phụ giúp được má chuẩn bị cho gia đình ăn Tết, tôi vui mừng rộn rã trong lòng. Nói đến mứt thì bây giờ chỉ còn mứt gừng ít đường thì mới ăn được vài miếng. Chứ còn thời đó mứt nào cũng thích, và càng ngọt càng ngon. Thời đó trẻ con vừa thiếu dinh dưỡng vừa ở tuổi đang lớn và thèm ngọt, nên ăn bao nhiêu mứt cũng không thấy ngán.

Truyền thống ăn Tết của gia đình tôi đơn giản chỉ là thắp hương, thờ cúng ông bà bằng các món ăn đặt trưng của gia đình vào đêm giao thừa. Cũng có đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp nhưng không đặt nặng tầm quan trọng như những người khác. Sáng Mồng Một cả nhà tôi đi chùa, cúng dường và sau đó đi tảo mộ người thân trong gia tộc. Có vài năm cả nhà tôi về quê để thăm giòng họ và tảo mộ ông bà tổ tiên của gia tộc mình. Mỗi dịp được về quê nội như thế tôi rất là thích thú. Tôi được gặp bao nhiêu bà con, họ hàng xa gần, và vui nhất là được lên chức; vì có người lớn tuổi như anh đầu mình mà vẫn gọi tôi là vai chú hay ông (sau này tôi lại lúng túng vì cách xưng hô như thế). Tôi cũng được ăn trái cây thật tươi thật ngon hái từ trên cây xuống, như mít, dừa, đu đủ vv… Có lẽ điều tôi ấn tượng nhất là sự thân thiện và thật thà của người dân quê. Họ chất phát, hiền lành, hiếu khách và hào phóng. Có bao nhiêu họ đem ra tiếp khách bấy nhiêu, dù ngày mai không còn gì đi nữa. Tình đậm đà hiếu khách như thế làm tôi ấn tượng và đặc biệt yêu quý quê hương tôi.

Thường đi chùa và tảo mộ xong, chúng tôi về nhà và sắp hàng chờ ba tôi lì xì cho má và mười người con. Ai nấy đều chuẩn bị lời hay ý đẹp để chúc Tết ba mẹ, có khi mong rằng lời chúc hay đó làm cho ba mẹ vui, và có thể lì xì nhiều hơn chăng! Nhưng ba tôi, theo kinh nghiệm của chính tôi, cũng rất công bằng với tất cả các con. Cho nên dù lớn hay bé, dù trai hay gái, dường như ông đều lì xì như nhau, vì ba tôi không thích sự phân bì trong nhà!

Tết đến, ba tôi cho phép cờ bạc trong những ngày Tết. Chúng tôi chỉ muốn ăn tiền ba vì biết ba có nhiều tiền. Ba luôn cầm cái “xì lát” mỗi khi chơi bài trong nhà và lúc nào ba cũng ăn tiền các con. Dù chúng tôi có dấu bài và đổi bài, rốt cuộc ba tôi cũng hơn. Tôi không hiểu vì ba tôi luôn may mắn hay ông cũng có cách riêng của mình khi chơi với con cái. Những kỷ niệm này không hề phai nhòa, và mỗi lần Tết đến, anh chị em tôi đem những mẩu chuyện này ra kể cho con cháu mình nghe. Những tiếng cười giòn tan xoay quanh những câu chuyện về ông (cố) nội/ngoại đã làm cho các con và cháu tôi thích thú muốn biết thêm về ông mình.

Gần 30 năm nay tôi chưa có dịp về thăm Việt Nam. Hình ảnh bạn bè, người thân ngày càng phai nhoà trong ký ức. Mọi thứ đã, đang hay sẽ thay đổi qua thời gian, và đó là định luật. Tôi cũng hiểu rằng những ký ức xưa, những kỷ niệm cũ, là điều đã qua và không thể nào tạo lại được. Nên tôi không bám víu. Tuy nhiên những nguyên tắc, giá trị, cách nhìn, cách sống v.v… của ba tôi đã có một số tác động nhất định lên chúng tôi và, qua đó, lên cháu chắt của ba tôi. Dù sao thì các con tôi không thể cảm nhận được không khí Tết thời tôi lớn lên ra sao. Chỉ có trải nghiệm mới đi sâu vào ký ức. Ký ức của mỗi người góp phần định hình nên mỗi chúng ta. Nhớ quê hương, hay không nhớ, do đó không chỉ là chuyện mình muốn hay không, mà còn là do những gì mình trải nghiệm, mình được cấu tạo thành. Những gì tha thiết sâu đậm trong ký ức tuổi thơ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong não con người. Yếu tố gia đình và văn hóa cũng góp phần quan yếu lên ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta. Riêng những ai từng trải nghiệm Tết như tôi tại Việt Nam chắc khó thể nào phai nhòa trong ký ức, nhất là khi chúng ta may mắn có được người cha hay/và mẹ đã làm tất cả những gì có thể trong hoàn cảnh khó khăn nhất để thương yêu bảo bọc chúng ta. Tình yêu thương, đặc biệt của cha mẹ, do đó có lẽ là thước đo nồng độ về sự sâu đậm của ký ức tuổi thơ.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG