Đường dẫn truy cập

Dân biểu Mỹ ‘quan ngại’ vụ trục xuất người gốc Việt


Một di dân bị bắt ở California.
Một di dân bị bắt ở California.

Một nhà lập pháp của Hoa Kỳ nói với VOA tiếng Việt rằng ông “quan ngại” chuyện người tị nạn nằm trong số hàng nghìn người gốc Việt chờ bị trục xuất về Việt Nam, nhưng tiết lộ đã được cơ quan thực hiện các vụ bắt giữ di dân của Mỹ “trấn an” về một thỏa thuận song phương quan trọng.

Chuyện hơn 8 nghìn người gốc Việt, trong đó có không ít người tị nạn chiến tranh, đang chờ bị đưa từ Mỹ trở lại Việt Nam lại gây chú ý, sau khi mới có tin một người đàn ông 47 tuổi đã tử vong khi bị giữ ở tiểu bang Arizona.

Nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ từ tiểu bang California nói rằng bản thân ông cũng như các cử tri địa hạt 47 mà ông đại diện “rất quan ngại” về tin tức nói rằng nhiều người tị nạn Việt Nam ở Mỹ đã và đang chuẩn bị gửi trả về nơi họ rời bỏ sau cuộc chiến với quốc gia cựu thù.

Tuy nhiên, ông cho hay thêm rằng ông “đã nhận được trấn an” từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) rằng hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 “vẫn còn hiệu lực” và rằng “những di dân từ Việt Nam [tới Mỹ] trước năm 1995 hiện không thuộc diện bị trục xuất”. VOA Việt Ngữ không thể xác nhận ngay với ICE về thông tin đó.

Từ trái sang, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Dân biểu Alan Lowenthal, và Dân biểu Lou Correa trong cuộc gặp hồi tháng Tư.
Từ trái sang, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, Dân biểu Alan Lowenthal, và Dân biểu Lou Correa trong cuộc gặp hồi tháng Tư.

Dân biểu Lowenthal nói rằng ông “kỳ vọng cả chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam tuân thủ thỏa thuận này”.

Trước đó, trong một bài viết công bố hồi tháng Tư, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết rằng ông “từ chức” vì bất đồng với chính sách của Tổng thống Trump, trong đó có việc “được yêu cầu phải thúc ép chính phủ ở Hà Nội nhận từ Mỹ hơn 8 nghìn người, phần lớn từng bỏ chạy khỏi Miền Nam Việt Nam bằng thuyền những năm sau cuộc chiến”.

Ít ngày sau khi ông Osius tiết lộ thông tin này, người kế nhiệm của ông, đương kim Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã có buổi trao đổi với các nhà lập pháp Mỹ, trong đó có dân biểu Lowenthal, ở thủ đô Washington DC, về vấn đề trục xuất di dân gốc Việt.

Nhà lập pháp từ tiểu bang California nói rằng cuộc gặp “rất hiệu quả” và ông “thật sự cảm nhận được rằng cả hai sẽ hợp tác tốt với nhau”.

Các bên đi đến thống nhất về thỏa thuận này hiểu rằng bất kỳ di dân tới Mỹ trước năm 1995 mà bị trả lại Việt Nam sẽ bị chính phủ Việt Nam coi là ‘các thành phần gây bất ổn'. Trục xuất họ về Việt Nam sẽ đặt họ vào tình thế hết sức nguy hiểm...
Ông Lowenthal nói.

“Bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào phải được gây dựng dựa trên lòng tin, sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng ngài Đại sứ và tôi đã đặt một nền móng vững chắc từ cuộc họp cho mối quan hệ lâu dài đó”, ông Lowenthal nói.

Còn về người tiền nhiệm của ông Kritenbrink, dân biểu này nói rằng ông “đánh giá cao” quan điểm của ông Ted Osius về Việt Nam.

“Tôi thấy bình luận gần đây của ông ấy về lý do từ chức, cụ thể là việc chính quyền của TT Trump tìm cách sửa đổi thỏa thuận [năm 2008], rất đáng ngại. Các bên đi đến thống nhất về thỏa thuận này hiểu rằng bất kỳ di dân tới Mỹ trước năm 1995 mà bị trả lại Việt Nam sẽ bị chính phủ Việt Nam coi là ‘các thành phần gây bất ổn'. Trục xuất họ về Việt Nam sẽ đặt họ vào tình thế hết sức nguy hiểm”, ông Lowenthal nhận định.

Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt hồi tháng Tư, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà, nói rằng “việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc”.

Bà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện “trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

Hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 nói rằng “đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác; trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba; bị cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật và nếu thuộc diện bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất phải thi hành xong án phạt tù hoặc phải được giảm án phát tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ”.

... Đối tượng nhận trở lại phải là công dân Việt Nam và bị cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ do vi phạm pháp luật...
Theo hiệp định Việt - Mỹ năm 2008.

Thêm nữa, hiệp định “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hai tháng sau khi cựu đại sứ Mỹ công bố thông tin gây chú ý dư luận ở Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam hôm 19/6 ra thông báo rằng Phó Chủ tịch Ted Osius “nộp đơn xin từ chức và sẽ rời trường vào cuối năm 2018”.

Ông Osius sau đó cho biết sẽ dành thời gian viết sách về quan hệ Việt – Mỹ và vẫn sẽ tiếp tục làm trong lĩnh vực giáo dục. VOA Việt Ngữ đang tìm cách liên hệ với nhà ngoại giao kỳ cựu này để xem liệu quyết định của ông có liên quan tới việc ông công bố thông tin về vụ trục xuất người gốc Việt, từng gây “rúng động” dư luận hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG