Đường dẫn truy cập

Căng thẳng trên chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam giữa mùa dịch 


Sân bay Nội Bài ở Hà Nội trống vắng giữa mùa dịch Covid-19
Sân bay Nội Bài ở Hà Nội trống vắng giữa mùa dịch Covid-19

Không khí căng thẳng và hoài nghi bao trùm trong một trong những chuyến bay cuối cùng từ Mỹ về Việt Nam trước khi Việt Nam đóng cửa với thế giới bên ngoài do lo sợ dịch bệnh, một hành khách đi trên chuyến bay đó nói với VOA.

Bắt đầu từ 0h ngày 22/3, để tăng cường chống dịch Covid-19, chính quyền Việt Nam đã cấm tất cả người nước ngoài cũng như Việt kiều nhập cảnh trong khi khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài hạn chế tối đa về nước mà nếu có muốn về phải đăng ký qua đại sứ quán.

Anh Le T. T., một nghiên cứu sinh tiến sỹ về văn học Mỹ tại Đại học California, San Diego, đã kịp về đến Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Đài Loan Eva Air quá cảnh Đài Bắc vào ngày 19/3, tức là chỉ 3 ngày trước khi lệnh cấm này được đưa ra.

‘May mắn’

Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên, anh T. nói anh ‘cảm thấy may mắn về kịp trước khi có lệnh cấm.

“Bây giờ mà muốn về thì phải đăng ký mới được về. Nếu tôi vẫn còn ở Mỹ vào lúc này, chắc là tôi không về được,” anh nói. “Chính phủ khuyến cáo là không nên về. Vé máy bay cũng không có thì đành phải ở lại Mỹ thôi.”

Anh cho biết lúc anh về, toàn nước Mỹ chỉ mới có trên 5.000 ca nhiễm, cho nên anh ‘không phải về nước để tránh dịch’.

“Tôi về là vì trong những lúc như thế này (trường đóng cửa, chuyển sang dạy và học từ xa) tôi chỉ muốn gần gia đình,” anh nói.

“Mình về sẽ tiết kiệm hơn. Phòng thuê trả lại sẽ không phải tốn tiền thuê phòng.”

Anh lập luận rằng tỷ lệ nhiễm là 5.000 ca trên tổng số trên 300 triệu người dân Mỹ thì ‘nguy cơ không cao’. “Tôi cũng không lo mấy. Thành phố San Diego nơi tôi sống cũng không có nhiều ca nhiễm,” anh cho biết.

Anh nói anh không có nhu cầu về nước tránh dịch vì anh biết là ‘người trẻ không bị nguy hiểm bởi dịch bệnh’ và bản thân anh cũng có bảo hiểm nên ‘có gì thì cũng có thể chữa trị được ở Mỹ’.

Tuy nhiên, nghiên cứu sinh này thừa nhận rằng nếu xét về chữa trị bệnh Covid-19 thì ‘về Việt Nam sẽ tốt hơn Mỹ’.

“Họ sẽ chữa cho mình rất cẩn thận và theo dõi rất sát sao mà không mất tiền,” anh giải thích. “Việt Nam có ít trường hợp nhiễm hơn Mỹ nên tập trung chữa trị tốt hơn.”

Anh cho biết anh về Việt Nam trong sáu tháng, đến hết mùa hè anh sẽ quay lại Mỹ để tiếp tục chương trình học. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ tạm dừng cấp thị thực thông thường trên toàn cầu do dịch bệnh, anh T. thừa nhận rằng nếu 6 tháng mà tình hình không ổn trở lại ‘thì cũng chịu thôi’.

“Trung Quốc chỉ cần 3 tháng là ổn định dịch bệnh thôi mà,” anh tự tin về cơ hội khống chế dịch bệnh của Mỹ.

‘Mọi người đề phòng’

Anh cho biết hôm anh ra phi trường để về nước, sân bay San Diego ‘rất đông’.

“Về mặt thủ tục, giám sát không gặp trở ngại gì cả,” anh nói. “Sân bay rất đông người châu Á về nước.”

Theo giải thích của anh thì anh chọn hãng bay Đài Loan vì muốn tránh phải quá cảnh qua những nơi đang có dịch bệnh nặng nề như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

“Ai cũng đeo khẩu trang. Chỉ có người Mỹ da trắng là không đeo thôi,” anh kể. “Nhưng đến Đài Loan rồi thì ai cũng đeo.”

“Hành khách châu Á thì rửa tay liên tục. Họ cũng để ý xem ai có ho hay có hắt xì không nên mình có muốn hắt xì cũng không dám.”

Anh nói khi ra sân bay anh ‘luôn giữ khoảng cách với mọi người từ 1 đến 2 mét.’

“Thủ tục thì cũng không bị hoãn gì cả. Cũng không ai hỏi mình là có được cho về hay không,” anh nói thêm và cho biết chỉ một hôm sau ngày anh quá cảnh Đài Loan thì chính quyền Đài Loan đã cấm tất cả các chuyến bay quốc tế đến hòn đảo này kể cả quá cảnh đi một nước thứ ba.

Theo lời anh thì chuyến bay lấp đầy đến gần 90% nên ‘khoảng cách tiếp xúc là rất gần’.

Khi được hỏi về các biện pháp phòng vệ trên máy bay, anh kể: “Trên máy bay mọi người kỹ lắm. Người ngồi cạnh tôi mặc cả áo mưa. Tôi tránh cạ vào nhau. Mình mà lỡ đụng vào người họ thì họ lau hết người họ luôn.”

“Mọi người đều không nói chuyện với nhau, tránh quay mặt về phía nhau luôn,” anh nói. “Không khí căng thẳng lắm"

Về phần mình, anh cho biết là khi lên máy bay anh cũng sợ nhưng ‘không lo sợ quá’.

“Tôi đeo khẩu trang liên tục và dùng cánh tay, cổ tay, khuỷu tay để mở cửa, hạn chế động vào những đồ vật trên máy bay và hạn chế đi vệ sinh nhiều nhất có thể,” anh nói.

Khi ở Mỹ, anh T. cho biết anh ‘không hề được kiểm tra thân nhiệt gì hết’ nhưng vừa về đến Việt Nam là anh phải ‘khai báo hành trình đi từ đâu, qua đâu’.

‘Bị kỳ thị'

“Sau khi khai báo xong thì nộp cho cán bộ xuất nhập cảnh kèm theo hộ chiếu rồi ngồi đợi. Chúng tôi ngồi đợi ở hàng ghế riêng. Khoảng 30-40 phút sau sẽ có công an vào bảo là bây giờ thi đi. Chúng tôi xuống thì thấy hành lý sắp sẵn luôn rồi. Chúng tôi lên xe đi luôn mà không đi qua cửa xuất nhập cảnh,” anh kể và cho biết hành khách trên chuyến bay của anh về sân bay Nội Bài, Hà Nội, đã được đưa về doanh trại quân đội ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, để cách ly.

“Người Việt từ Mỹ, các nước EU hay ASEAN thì bị đưa đi cách ly còn về từ Canada hay Úc thì được cho về nhà cách ly.”

Anh cũng kể là anh nhìn thấy một Việt kiều từ Mỹ về được kéo ra ngoài và được đưa cho hai chọn lựa, ‘một là phải chịu cách ly, hai là phải quay về Mỹ’, anh nói.

Theo lời anh thì trên chuyến bay từ Mỹ về Đài Loan hôm đó ‘chỉ có vài Việt kiều’. Còn trên chuyến bay từ Đài Loan về Hà Nội ‘đa phần là người đi lao động, người đi học ở nước ngoài về’.

Anh nói anh ‘không sợ mang bệnh về nước’ như các du học sinh mới bị phát hiện dương tính gần đây. “Khi về đã được cách ly rồi. Mai mốt về nhà còn cách ly thêm nữa,” anh giải thích.

Tuy nhiên, theo lời anh thì hiện giờ ở Việt Nam ‘du học sinh bị đánh đồng với Việt kiều’ và anh cảm nhận được sự kỳ thị đối với những người từ nước ngoài về Việt Nam trong hoàn cảnh này.

Theo lời anh thì ngay cả họ hàng xa của anh ở Thanh Hóa cũng ‘ngại không muốn tiếp xúc’ và ‘không chịu giúp đưa đồ tiếp tế vào’.

“Bạn bè tôi cũng nói rằng nếu mày về mà mày không đi cách ly thì tao sẽ không gặp,” anh nói thêm. “Họ coi như là mình đã có virus rồi vậy.”

Ngoài việc nghiên cứu, anh T. còn tham gia giảng dạy cho sinh viên ở trường. Hiện giờ trong trại cách ly ở Việt Nam, anh phải thức từ 4-7 giờ sáng để giảng bài cho sinh viên bên Mỹ, anh cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG