Đường dẫn truy cập

Cựu đại úy công an tố cáo tham nhũng bị truy tố thêm tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’


Lê Chí Thành tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm 13/4 ở TPHCM. Cựu đại úy công an 40 tuổi bị tuyên y án 2 năm tù và trước đó một ngày bị truy tố thêm tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ."
Lê Chí Thành tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm 13/4 ở TPHCM. Cựu đại úy công an 40 tuổi bị tuyên y án 2 năm tù và trước đó một ngày bị truy tố thêm tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ."

Cựu đại úy Lê Chí Thành, người từng lên tiếng tố cáo tham nhũng trong ngành công an, vừa bị y án 2 năm tù và bị truy tố thêm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vì đăng tải thông tin “sai sự thật”.

Theo truyền thông trong nước, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hôm 13/4 giữ nguyên bản án 2 năm tù mà ông Thành kháng cáo sau phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1 năm nay vì cho là bị tuyên án quá nặng so với hành vi phạm tội “chống người thi hành công vụ”.

Cựu đại úy 40 tuổi bị buộc tội liên quan đến hành vi cản trở cảnh sát giao thông sau khi bị phát hiện lái xe “không có giấy tờ hợp lệ” tại TP.HCM vào năm 2021. Ông Thành lúc đó đã không đồng ý lỗi vi phạm và quay phim, phát trực tiếp trên mạng xã hội kêu gọi mọi người chia sẻ. Theo Thanh Niên, ông Thành nói rằng việc livestream của ông chỉ nhằm mục đích “muốn mọi người biết luật giao thông và để người thực thi công vụ thực hiện đúng pháp luật”.

Trước đó một ngày hôm 12/4, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết đã hoàn tất cáo trạng để tuy tố ông Thành, nguyên đại úy công an Trại giam Z30D của Bộ Công an ở Thủ Đức, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, một tội danh thường được chính quyền áp cho những nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến hay lên tiếng chỉ trích lãnh đạo Đảng, với khung hình phạt lên tới 7 năm tù. Bình Thuận là nơi ông Thành có hộ khẩu thường trú.

Theo cáo buộc, từ tháng 7 đến tháng 10/2020, ông Thành đã đăng tải lên Facebook nhiều video, bài viết “xuyên tạc, sai sự thật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Thứ trưởng Công an, lãnh đạo Trại giam Z30D, ngành công an và tòa án nhân dân”, theo VnExpress.

Những đăng tải của ông Thành cho rằng đại tá Lê Bá Thụy, giám thị Trại giam Z30D, có rất nhiều đất đai, tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng từ nguồn bất minh và đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương cùng Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tịch thu xung vào công quỹ. Tuy nhiên, kết quả điều tra được VnExpress trích dẫn cho rằng vợ chồng ông Thụy chỉ có 2 căn nhà mua bằng tiền tiết kiệm và tích lũy từ tiền lương, chăn nuôi, buôn bán tạp hóa trong nhiều năm.

Trong một video khác đăng trên mạng xã hội, ông Thành, người có bố làm trong ngành công an và gia đình có công với cách mạng, cho rằng một thứ trưởng Công an đã lạm quyền và yêu cầu kỷ luật người này.

Tuy nhiên, cáo trạng của Viện kiểm sát cho rằng những đăng tải của ông Thành, người tham gia ngành công an từ năm 2003-2020, là “không đúng sự thật về ngành công an và công tác xét xử của tòa án nhân dân”. Theo VnExpress, cáo trạng nêu rằng “hành vi của Thành ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích của tổ chức cá nhân”.

Ông thành bị tước danh hiệu Công an Nhân dân cũng như bị đuổi việc hồi tháng 7/2020 sau khi phát biểu trên mạng xã hội rằng ông là nạn nhân của sự trù dập vì đấu tranh chống tham nhũng.

Mẹ của ông Thành, bà Lê Thị Phú, trong một video đăng tải hồi tháng 10 năm ngoái, vài tháng trước phiên tòa xét xử sơ thẩm ở Thủ Đức, đã kêu gọi công lý cho con trai mình.

Việc ông Thành bị bắt giữ được nhắc đến trong một bức thư do các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc gửi đến chính phủ Việt Nam để yêu cầu phản hồi về các vụ bắt và giam giữ bị cho là “tùy tiện” đối với các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền. Các báo cáo viên của LHQ nêu quan ngại của họ về điều luật 331 của BLHS, tức “lợi dụng quyền tự do dân chủ” khi được dùng để chống lại những cá nhân “chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG