Đường dẫn truy cập

Cuba cải tổ kinh tế để bảo vệ chế độ chính trị


Một con đường ở Santiago, thành phố lớn thứ 2 của Cuba
Một con đường ở Santiago, thành phố lớn thứ 2 của Cuba

Bộ mặt Cuba có nhiều thay đổi từ hơn một năm qua, sau khi chính phủ đưa ra các chính sách thoáng hơn.

Ông Ovidio Ulloa mở tung cánh cửa sắt và đón một nhóm phụ nữ đã nhìn thấy bảng “Bán Nhà” treo trên cửa sổ nhà ông. Ông đưa khách thăm một vòng phòng ăn, và nhà bếp sân ngoài sạch sẽ; ông nhấn mạnh với khách đặc điểm trần cao và gạch lót sàn kiểu cọ.

Nhóm phụ nữ không tỏ vẻ thích thú gì lắm, nhưng ông Ulloa vẫn bình thản. Tại Habana có nhiều người muốn mua nhà ông, và ông nóng lòng muốn dọn đi sau 20 năm sống tại đây. Ông nói:

“Chỗ này quá lớn đối với tôi. Tôi muốn kiếm nơi nào nhỏ hơn đủ cho tôi và đứa con trai, sau đó là có dư một khoản tiền để sinh sống.”

  • Một số thời điểm quan trọng ở Cuba


  • 1958: Fidel Castro lật đổ nhà độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista và áp đặt chế độ Cộng sản.


  • 1991: Liên Xô sụp đổ làm Cuba khan nhiên liệu, khủng hoảng kinh tế.


  • 1998: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô thăm Cuba.


  • 2006: Chủ tịch Fidel Castro mổ bao tử, tạm giao quyền cho em trai Raul Castro.


  • 2008: Raul Castro chính thức làm Chủ tịch nước, cho phép sử dụng điện thoại di động, máy tính và đĩa DVD. Đất nhà nước không sử dụng được giao cho nông dân và hợp tác xã để tăng sản xuất.


  • 2011: Tổng thống Obama cho phép công dân Mỹ du hành đến Cuba vì lý do giáo dục và văn hóa. Khoảng 400.000 người Mỹ đến Cuba.


  • 2011: Lần đầu tiên trong 50 năm, Quốc hội cho phép bán bất động sản và tháo bớt hạn chế về doanh nghiệp tư nhân.


  • 2012: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thăm Cuba. Chính phủ cho phép công dân được du hành ra nước ngoài.

Một đạo luật thông qua năm ngoái cho phép bán nhà đất tại Cuba. Chưa gì mà thị trường địa ốc tại đây đã xôn xao, cảnh mua bán nhà không chính thức diễn ra trên đường phố, cũng như trên các trang mạng như cubisima.com và revolico.com.

Mới đây, Tổng thống Barack Obama đã bị chỉ trích tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ, vì ông muốn Cuba phải cải cách dân chủ trước khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận từ 50 năm qua. Nhưng Cuba thì lại chọn đẩy mạnh cải tổ kinh tế với hy vọng sẽ duy trì thể chế chính trị của mình.

Giới chức phụ trách việc tư hữu hóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước Manuel Murillo, nói với các ký giả tháp tùng chuyến đi mới đây của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô:

“Tại Cuba, chúng tôi nâng cấp mô hình kinh tế Cuba để chủ nghĩa xã hội của chúng tôi được bền vững.”

Những panô tại Habana và Santiago phô bày hình ảnh tươi cười của các bà mẹ và những vận động viên thắng giải, tay dương cao ngọn cờ kèm theo hàng chữ lớn: “Thay đổi tại Cuba để có thêm xã hội chủ nghĩa.”

Một ngôi nhà rao bán khác có kiến trúc như một dinh thự tân cổ điển. Giá 90.000 đôla có thể coi như là giá hời so với những thị trường khác, nhưng nó cần được tu bổ. Những cây cột theo kiến trúc Hy Lạp đổ nát được chống đỡ bằng những cột gỗ. Vôi vữa rời xuống từ trần nhà để lộ ra những tấm thép rỉ sét.

Ông Francisco Prats, chủ ngôi nhà, nói rằng những cải cách của chủ tịch Raul Castro là rất cần:

“Thế giới đang phát triển và xã hội Cuba, một phần của thế giới đó, cũng phải phát triển.”

Khắp thủ đô Habana, hết con đường với kiến trúc đổ nát này đến con đường khác, người ta đang muốn quay về một thời kỳ thịnh vượng hơn. Tư nhân nay cũng có thể bán những chiếc xe cổ điển của những năm 1950, như Studebakers hoặc Cadillac.

Ông Philip Peters thuộc nhóm nghiên cứu của viện Lexington Institute gần Washington nói từ khi kế vị ông anh Fidel, Chủ tịch Raul Castro đã thừa nhận yêu cầu phải thay đổi:

“Nền kinh tế không sản xuất đủ nữa và chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận điều này.”

Sau khi Liên Xô tan rã, Cuba gặp thiếu thốn nghiêm trọng và khủng hoảng kinh tế. Nhưng khu vực nông thôn đã được tái cấu trúc vào những năm 1990 và các thị trường đang chú tâm tới các nông phẩm không sử dụng chất bón hóa học.

Trên các đường phố, số tiểu thương bán kem, trứng và hàng thủ công đã gia tăng nhờ có những cải cách từ 18 tháng qua.

La Casa là một trong số tiệm ăn tư nhân, còn gọi là “paladar,” đang ngày càng có nhiều. Bà Silvia Cardoso, chủ một paladar chia sẻ bí quyết thành công của mình:

“Cố gắng làm việc và có các sản phẩm chất lượng, cho dù điều đó có nghĩa là kiếm lời ít hơn.”

Mặc dù phần đông nhắm tới khách nước ngoài, các paladar ngày càng tiếp khách trong nước. Chồng bà Cardoso, ông Manuel Robaina, từng làm việc tại các nhà hàng trước khi có cách mạng cộng sản, nói tiệm ăn của ông không chú trọng tới lợi nhuận:

“Tôi chưa bao giờ nhìn tiệm ăn của mình dưới cặp mắt của một nhà tư bản bởi vì tôi từng có những ký ức không hay về nó.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG