Đường dẫn truy cập

Công an Việt Nam nhắm đến hạn chế ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung?


Hội thảo của Bộ Công an Việt Nam về ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, Hà Nội, 26/5/2022.
Hội thảo của Bộ Công an Việt Nam về ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, Hà Nội, 26/5/2022.

Bộ Công an Việt Nam tổ chức hội thảo về việc ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung hôm 26/5, trong đó, một nhân vật lãnh đạo ngành công an muốn sửa luật để thu hẹp hoạt động này, theo tường thuật trên các trang mạng của Công An Nhân Dân và Công An Thành Phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo diễn ra ở Hà Nội của Bộ Công an mang tên “Nhận diện những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguy cơ về pháp lý trong thực tiễn triển khai công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự”, hai tờ báo của thuộc ngành công an cho hay.

Chủ trì điều hành tham luận tại hội thảo là Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, với những người tham gia đến từ các cục, vụ của bộ và từ công an các tỉnh, thành bao gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, v.v…

Một báo cáo được đưa ra tại hội thảo cho biết Bộ Công an đã yêu cầu các nhân viên, các đơn vị ở các cấp thực thi nhất quán các quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trong đó có quy định về việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình trong hỏi cung bị can, các bản tin của Công An Nhân Dân và Công An Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết.

Vẫn theo bản báo cáo, công an các đơn vị, địa phương bước đầu đã tổ chức triển khai việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình trong quá trình điều tra các vụ án. Tuy nhiên, việc triển khai ghi âm hoặc ghi hình hỏi cung bị can vẫn chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do chưa được trang bị cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó là còn có nhiều hạn chế trong tập huấn, bồi dưỡng cán bộ về những quy định trong công tác lưu trữ, bảo quản và sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, bản báo cáo tại hội thảo cho hay, được Công An Nhân Dân và Công An Thành Phố Hồ Chí Minh trích dẫn lại.

Ngoài bản báo cáo nêu trên, còn có 10 tham luận nữa tại hội thảo được hai tờ báo ngành công an mô tả là “góp phần nhận diện khá đầy đủ, đúng đắn dưới góc độ pháp lý, lý luận và thực tiễn áp dụng cũng như hệ quả pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh”.

Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng “thu hẹp phạm vi thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can”, theo tường thuật của hai tờ báo của ngành công an.

Trung tướng Hoành cũng đề nghị các đơn vị trong ngành thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho điều tra viên, cán bộ điều tra về kỹ năng liên quan đến việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình trong hỏi cung bị can; cùng với đó là tổng kết về hoạt động này để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, từ đó đề xuất bổ sung lý luận về việc hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG