Đường dẫn truy cập

Chưa rõ số phận ba phụ nữ Việt ‘thề chết vẫn ở lại Úc’


Chưa rõ số phận ba phụ nữ Việt ‘thề chết vẫn ở lại Úc’
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:45 0:00

Hiện vẫn chưa rõ số phận của ba người phụ nữ từ tỉnh Bình Thuận, được cho là đang trên đường tới Úc xin tị nạn lần hai, và từng tuyên bố sẽ “nhảy xuống biển tự tử nếu bị bắt, chứ không chịu trở về Việt Nam”.

Bà Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc cùng gia đình dùng thuyền vượt biên sang Australia từ hôm mùng 4 Tết, tức ngày 31/1 dương lịch, theo luật sư Võ An Đôn từ Phú Yên, người từng bào chữa cho ba người phụ nữ này về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Luật sư Đôn cho VOA Việt Ngữ biết thông tin mới nhất: “Sáng nay chị Lụa có gọi điện thông báo cho tôi biết rằng đã vào hải phận nước Úc và đang tiến vào bờ. Tôi không hỏi được nhiều. Chị nói vài câu thì chị cúp máy, mà sóng rất là yếu”.

VOA Việt Ngữ có gọi tới số điện thoại mà luật sư Đôn cung cấp, nhưng không thể liên lạc được với những người phụ nữ trong nhóm được cho là đang lênh đênh trên đại dương.

Trả lời VOA tiếng Việt qua email, phát ngôn viên của Bộ Di trú và Bảo vệ Biên giới của Australia nói rằng “chính phủ Australia không đưa ra bình luận về các vấn đề liên quan tới các chiến dịch trên biển”.

Tuyên bố cũng nói rằng “bất kỳ chiếc thuyền buôn người nào tìm cách tới Australia sẽ bị chặn bắt và bị gửi trả về nước”.

Ba người phụ nữ trên từng một lần vượt biên sang Úc bằng đường biển, nhưng bị bắt và bị đưa về Việt Nam năm 2015.

Năm ngoái, hai trong ba người bị phạt tù nhưng bị hoãn chấp hành án do đang nuôi con nhỏ, và người còn lại bị phạt hành chính.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Tây Úc, nơi từng đón nhận nhiều thuyền nhân được Úc cho định cư, nói rằng những người phụ nữ từ Bình Thuận, nếu họ tới được Úc, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi quốc gia này đã và đang siết chặt chính sách đối với người nhập cư.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ hy vọng: “Một quốc gia dân chủ và tự do như nước Úc thì ngoài luật pháp rất là nghiêm minh, nó vẫn còn yếu tố nhân đạo nằm phía sau. Thí dụ như nếu ba người phụ nữ nói rằng tôi sẽ tự tử, tôi không có về Việt Nam nữa, thì sự cứu xét của chính phủ sẽ thay đổi, vì người ta vẫn dựa vào tình người rất là nhiều. Mỗi một năm, tổng trưởng về di trú vẫn có quyền quyết định cá nhân của ông ấy bao nhiêu ngàn người. Ông ấy phán quyết như vậy vượt lên cả quy định chung của Bộ. Ông vẫn có quyền, dựa trên nhân bản của con người”.

Một nhóm người tị nạn Việt Nam được đưa đến đảo Christmas ở Australia (ảnh chụp ngày 14/4/2013).
Một nhóm người tị nạn Việt Nam được đưa đến đảo Christmas ở Australia (ảnh chụp ngày 14/4/2013).

Ông Dương Minh Tân, một thuyền nhân từ Việt Nam được phép tới Úc tái định cư, nói với VOA Việt Ngữ rằng ông cũng “hy vọng ba người phụ nữ đó sẽ nhận được sự đối xử nhân đạo của chính phủ Úc”, và “họ sẽ được cứu xét như chúng tôi”.

Về những khó khăn trên biển, ông Tân nói: “Tôi thấy mức độ nguy hiểm mà đi ở trên biển cũng rất là phức tạp, cộng với luật di trú của Úc rất là khắt khe, nhưng mà đối với tôi, những khó khăn đó mình cũng có thể vượt qua. [Trước] sự hành hạ của cộng sản, tôi nghĩ họ có thể dám đánh đổi. Có lẽ những ai cùng chung hoàn cảnh đó thì họ mới hiểu sự khó khăn đó”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho tới nay vẫn chưa lên tiếng về các trường hợp thuyền nhân Việt bị Australia bắt giữ, nhưng từng gửi công hàm đề nghị nước này đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt vì nghi đánh cá trái phép.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng gửi thông điệp tới những người muốn tìm đường tới Úc xin tị nạn rằng “phải tuân thủ luật lệ của nước Úc, đừng có vượt biên trái phép và mình phải đi bằng con đường chính ngạch”, và rằng việc dùng thuyền tới Úc “có rủi ro rất lớn”.

Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.

Tin mới nhất cho biết, chính phủ Papua New Guinea hôm 6/2 cho biết đang hoàn tất thủ tục giấy tờ để trục xuất về nước 60 người xin tị nạn tại một trại tị nạn do Australia quản lý ở nước này.

Hầu hết những người sẽ bị gửi trả về nước là từ Iran, nhưng trong số đó còn có công dân của nhiều quốc gia khác như Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG