Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Việt Nam cảnh báo ‘dân chủ tào lao’, lo đất nước ‘loạn’


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, TPHCM, hôm 9/5.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, TPHCM, hôm 9/5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam là một “nhà nước pháp quyền” và lên tiếng cảnh báo về cái mà ông gọi là “dân chủ tào lao” khi cho rằng đất nước sẽ “loạn” nếu không giữ được “kỷ cương phép nước.”

Ông Phúc, người từng có nhiều phát ngôn khiến cộng đồng mạng bàn cãi trong thời gian làm thủ tướng Việt Nam, phát biểu như vậy trong một buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi ở TPHCM, theo Tiền Phong.

Theo vị chủ tịch nước, Việt Nam là một “nhà nước pháp quyền” và “luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.” Ông Phúc cho rằng Việt Nam “quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật” và cảnh báo nếu không giữ vững “kỷ cương, phép nước” thì sẽ không đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Đề cập đến vấn đề dân chủ, Chủ tịch Phúc được Tiền Phong trích lời khẳng định rằng quan điểm của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông là “phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân và giải quyết thấu tình đạt lý.” Ông Phúc kêu gọi đề cao “dân chủ” và cho rằng nếu “dân chủ tào lao” thì “đất nước sẽ loạn.”

Phát ngôn của ông Phúc với các cử tri khiến nhiều người dùng mạng xã hội thắc mắc về ý nghĩa của “dân chủ tào lao” khi họ không hiểu là gì và đề nghị vị chủ tịch nước giải thích cho người dân.

“Dân chủ tào lao là gì? Có ai biết không?,” một người dùng mạng xã hội có tên Đinh Văn Hải thắc mắc trong đăng tải khi chia sẻ bài báo của Tiền Phong về tuyên bố “Dân chủ tào lao thì đất nước sẽ loạn…” của ông Phúc.

Luật sư Nguyễn Duy Bình, trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 9/5, đề nghị vị chủ tịch nước giải thích thế nào là “dân chủ tào lao” để dân chúng hiểu. Vị luật sư này cho rằng ông Phúc là người thường đưa ra “những ngôn từ sáo rỗng, bay bướm, thiếu chính xác và nổ khắp nơi.”

Theo nhận định của Tiến sỹ Lê Vĩnh Triển của Đại học Kinh tế TPHCM trên tờ The Diplomat, “dân chủ hóa” là một thuật ngữ nhạy cảm về mặt chính trị ở Việt Nam vì các lãnh đạo Đảng Cộng sản cho rằng (và lo sợ) rằng nó sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị cũng như đe dọa sự ổn định của hệ thống độc Đảng của Việt Nam. Theo vị tiến sỹ của Khoa Quản lý Nhà nước, Chính phủ tin tưởng chắc chắn rằng thể chế thống nhất chính trị (rõ ràng) hiện nay là ưu việt và không thể thay đổi.

Phát ngôn của ông Phúc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội khoá 15, dự kiến diễn ra vào ngày 23/5.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ một số ứng cử viên Đại biểu Quốc hội độc lập khi cáo buộc họ “tàng trữ, phát tán tài liệu chống phá nhà nước” và “thông tin xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.”

Báo cáo nhân quyền của Mỹ được công bố gần đây cho rằng Việt Nam là một quốc gia do Đảng Cộng sản toàn trị và người dân không có tự do để bầu chọn ra chính phủ mà họ mong muốn cũng như bị hạn chế tham gia chính trị, trong số nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng khác. Tổ chức Freedom House trong báo cáo gần đây nhất cũng gọi Việt Nam là quốc gia độc Đảng, thiếu dân chủ và không có tự do về ngôn luận, tôn giáo, hoạt động xã hội cũng như tăng cường đàn áp đối với người dân bất đồng chính kiến.

Nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây trong đợt “trấn áp” mà các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là nhằm dập tắt các tiếng nói bất đồng đối với chính phủ Hà Nội quanh Đại hội 13 của Đảng Cộng sản và kỳ bầu cử khoá 15 của Quốc hội Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG