Đường dẫn truy cập

Căng thẳng cao trước biểu quyết về cải cách bầu cử ở Hong Kong


Người biểu tình cầm biểu ngữ xuống đường kêu gọi phủ quyết kế hoạch cải cách bầu cử tại Hồng Kông, ngày 14/6/2015.
Người biểu tình cầm biểu ngữ xuống đường kêu gọi phủ quyết kế hoạch cải cách bầu cử tại Hồng Kông, ngày 14/6/2015.

Cảnh sát ở Hong Kong cho hay đã bắt giữ 9 người và tịch thu chất nổ, ít ngày trước khi các nhà lập pháp biểu quyết về cách thức quốc gia thành phố này chọn người lãnh đạo kế tiếp. Những vụ bắt giữ và tình hình căng thẳng trước cuộc biểu quyết mà các nhà hoạt động đòi dân chủ cho là có phần chắc sẽ đánh dấu khởi đầu của một cuộc tranh đấu dài hơn, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Shannon Van Sant gửi về từ Hong Kong.

Truyền thông Hong Kong tường thuật rằng hôm nay cảnh sát cho biết đã bắt giữ 9 người sau khi phát hiện 'các hóa chất có thể dùng để chế tạo chất nổ'. Báo South China Morning Post nói 9 người bị bắt tuổi từ 21 đến 34 và thuộc một nhóm hoạt động đòi dân chủ quá khích ở gần biên giới Hong Kong giáp với Hoa lục. Họ bị bắt trong những vụ bố ráp ban đêm vì nghi là có âm mưu chế tạo chất nổ.

Cảnh sát cho biết tuần trước đã tăng cường việc theo dõi hoạt động trên mạng để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực trước cuộc biểu quyết. Nhưng các bài đăng trên mạng truyền thông xã hội sau đó đã nêu nghi vấn về thời điểm của các vụ bố ráp.

Hong Kong chia rẽ sâu xa về kế hoạch bầu cử được đề nghị và từng là trọng điểm của diễn biến được mệnh danh là cuộc “cách mạng dù” hồi năm ngoái, khi người biểu tình đòi dân chủ đóng cửa trung tâm thành phố nhiều tuần lễ. Được sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, giới hữu trách đã dẹp các cuộc biểu tình hồi cuối tháng 12, nhưng hành động này đã gây chia rẽ sâu xa tại lãnh địa.

Trong những ngày gần đây, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ cho biết ông được đề nghị tặng hơn 12 triệu đôla để bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch cải cách của chính phủ.

Ông Joseph Cheung thuộc trường Đại học Thành phố Hong Kong nói dân chúng ở Hong Kong sẽ theo dõi sát các diễn biến trong vài ngày tới đây.

“Dĩ nhiên có một sự sợ hãi và nghi kỵ về phía phong trào ủng hộ dân chủ mà mặt trận thống nhất ủng hộ Bắc Kinh có thể dùng các khích lệ thưởng phạt để làm cho 4 hay 5 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ thay đổi lập trường.”

Hàng ngàn người đã tụ tập ở Hong Kong để đi tuần hành vào ngày chủ nhật trước cuộc biểu quyết trong tuần này. Con số này ít hơn nhiều so với 100 ngàn đã tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm ngoái gần các văn phòng chính phủ. Nhưng tiếp theo một cuộc tranh luận truyền hình hồi cuối tuần giữa các nhà lập pháp dân chủ và những phần tử trung thành với Bắc Kinh, sự ủng hộ của công chúng dành cho kế hoạch bầu cử của chính phủ dường như đã giảm sút. Báo South China Morning Post loan tin 54 phần trăm dân chúng nói nên phủ quyết kế hoạch; trước cuộc tranh luận, 49 phần trăm tin rằng phải biểu quyết chống kế hoạch.

Chính phủ đề nghị những người được chọn ra tranh chức hành chánh trưởng quan phải được một ủy ban tuyển lựa. Những người chống đối muốn có một cuộc bầu cử công khai, nơi tất cả các ứng viên ra tranh cử được dân chúng Hong Kong bầu lên. Kế hoạch của chính phủ cần phải có 2 phần 3 viện lập pháp ủng hộ và ngay lúc này dường như còn thiếu 4 phiếu để được thông qua.

Người biểu tình mang những chiếc ô màu vàng xuống đường ở trung tâm thành phố ở Hồng Kông, ngày 14 tháng 6, 2015.
Người biểu tình mang những chiếc ô màu vàng xuống đường ở trung tâm thành phố ở Hồng Kông, ngày 14 tháng 6, 2015.

Bà Emily Lau, chủ tịch đảng Dân chủ Hồng Kông, nói bà trông đợi kế hoạch sẽ bị phủ quyết, và cuộc tranh đấu đòi quyền phổ thông đầu phiếu sẽ tiếp tục.

“Chúng ta lại trở lại bước đầu, nhưng đó chính là chuyện phải xảy ra. Đó là một điều đáng buồn. Chúng ta đã tranh đấu từ nhiều thập niên, nhưng Bắc Kinh vẫn không chịu cho phép Hong Kong có những cuộc bầu cử chân thực, và đó là lý do kế hoạch sẽ bị phủ quyết, và cuộc tranh đấu sẽ tiếp tục. Dù gì thì chúng ta cũng đã tranh đấu quá nhiều năm rồi, và không có lý do gì để ngưng lại.”

Cho dù kế hoạch được chấp thuận hay phủ quyết, mối quan tâm chính của một số người biểu tình là sự cách biệt ngày càng tăng giữa giới giàu và nghèo. Bà (?) Đường Mỹ Khanh nói chính phủ vào lúc này đại diện cho các lợi ích của giới tài phiệt, chứ không phải đại diện cho dân chúng.

“Vấn đề nghèo khó có thể cho thấy rằng các tay tài phiệt luôn suy nghĩ giống như các giới chức chính phủ, rằng tất cả các chính sách của chính phủ đều là nhắm vào giới giàu có, mà chẳng có lợi ích gì cho số đông.”

Một cuộc biểu quyết về kế hoạch cải cách dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG