Đường dẫn truy cập

Cần Việt Nam để đối phó Trung Quốc, liệu Mỹ có du di về nhân quyền?


Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ ở Hà Nội hôm 11/9 năm 2023
Tổng thống Joe Biden gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ ở Hà Nội hôm 11/9 năm 2023

Nâng cấp quan hệ với Mỹ là điều tốt cho Việt Nam, các nhà tranh đấu đồng ý nhưng chia rẽ về tác động của việc này đối với tình hình nhân quyền do lo ngại Hà Nội sẽ lợi dụng quan hệ tốt với Mỹ để tăng cường trấn áp, theo tìm hiểu của VOA.

Việt Nam và Hoa Kỳ vừa trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau – khuôn khổ bang giao cao nhất – sau cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội hôm 10/9.

Mặc dù vấn đề nhân quyền đã được ông Biden đề cập trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhưng nó đã bị lấn át bởi những chủ đề khác như hợp tác kinh tế, giao thương hay xây dựng chuỗi cung ứng, Biển Đông… Thậm chí phát biểu của ông Biden về nhân quyền còn bị truyền thông nhà nước Việt Nam kiểm duyệt.

Trong email gửi đến VOA hôm 10/9 khi ông Biden còn đang ở Việt Nam, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng với việc Hà Nội chỉ trả tự do cho một tù nhân chính trị để nhượng bộ về nhân quyền, ‘rõ ràng chuyến đi Hà Nội của ông Biden là thất bại hoàn toàn’.

“Sự thật là chuyến thăm viếng của ông Biden tự nó đã củng cố nền độc tài độc đảng của Việt Nam bằng cách hy sinh các vấn đề nhân quyền cho mục tiêu kiềm chế Trung Quốc,” ông Robertson chỉ trích.

‘Nhân quyền trên hết’

Mặc dù Trung Quốc không xuất hiện trong tuyên bố nâng cấp quan hệ, mối quan ngại về Bắc Kinh được cho là một trong những nguyên nhân khiến Washington và Hà Nội xích lại gần với nhau. Tổng thống Biden từng phát biểu tại một buổi vận động tranh cử hồi đầu tháng rằng Hà Nội ‘muốn nâng cấp quan hệ vì họ muốn Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc’.

Trao đổi với VOA từ Houston, Texas, bà Phạm Thanh Nghiên, nhà tranh đấu hiện đang lưu vong, nhận định việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện ‘về lâu dài sẽ có lợi cho Việt Nam’ vì ‘thắt chặt quan hệ với Mỹ là để kiềm tỏa sự bành trướng của Trung Quốc’.

“Nhưng về ngắn hạn, giới tranh đấu, những người hoạt động nhân quyền sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hiểm nguy,” bà nói và bày tỏ nghi ngờ Hà Nội ‘có thể đã đặt điều kiện là Mỹ không nhúng tay vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam’.

Theo lập luận của bà thì hy sinh nhân quyền cũng đồng nghĩa với việc hy sinh quyền được cất tiếng nói hay được tham gia vào những vấn đề của đất nước của người dân. Khi đó, ‘cho dù làm gì đi nữa, cho dù là để chống Trung Quốc, cũng là vô nghĩa’.

“Nếu không có nhân quyền thì mọi chính sách, mọi lựa chọn, mọi chiến lược, mọi quan hệ ngoại giao song phương hay đa phương chỉ đơn giản nhằm mục đích phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản thôi chứ không mang lại lợi ích gì cho người dân cả,” bà giải thích.

Bà Nghiên nói với tư cách một nhà tranh đấu, bà ‘quan tâm trước hết về nhân quyền’ chứ không phải mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đối tác.

Theo lời bà thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ ‘cũng để tìm kiếm tính chính danh cho họ, và giữ thế độc tôn quyền lực của họ chứ không vì quốc gia, dân tộc gì cả’.

“Báo chí nhà nước ca ngợi chuyến thăm của ông Biden là thắng lợi vĩ đại của Đảng. Họ đạt được mục tiêu của họ là tính chính danh thì tất nhiên đàn áp sẽ vẫn tiếp diễn,” bà chỉ ra và dự đoán trong thời gian trước mắt tình hình nhân quyền ở Việt Nam ‘sẽ ngày càng tồi tệ’.

Khi được hỏi liệu Washinngton có nên ép Hà Nội quá mức về nhân quyền khiến họ quay lưng và tìm đến Bắc Kinh, bà Nghiên thừa nhận việc nâng cấp quan hệ có mặt hại nhưng cũng có mặt lợi.

‘Cần có thời gian’

Khác với bà Nghiên, một nhà tranh đấu lưu vong khác là ông Nguyễn Văn Hải, vốn được biết rộng rãi với tên Điếu Cày, bày tỏ sự vui mừng trước diễn biến mới trong quan hệ Mỹ-Việt.

“Đây là điều rất tốt cho Việt Nam. Tôi và giới quan sát trên mạng xã hội trong và ngoài nước đều vui và phản ứng tích cực,” ông Hải nói với VOA từ Quận Cam, bang California.

Ông lập luận rằng trong bối cảnh Việt Nam rất cần Mỹ và chủ động đề xuất nâng cấp quan hệ với Mỹ thì họ ‘sẽ phải theo đuổi theo những đòi hỏi mà Mỹ đưa ra’.

Trong khi bà Nghiên cho rằng Việt Nam có thể đã đặt điều kiện cho Mỹ thì ông Hải nhận định Mỹ ‘có thể cài đặt những vấn đề về nhân quyền trong việc nâng cấp quan hệ’.

Ông Hải nói bản thân cũng là nhà tranh đấu nên ông ‘không đặt vấn đề quan hệ Mỹ-Việt cao hơn nhân quyền’. “Nhưng nhìn toàn cảnh thì đây là bước tiến sẽ giúp cho nhân quyền Việt Nam được thúc đẩy,” ông nhận định.

“Khi mà những lợi ích kinh tế ràng buộc chặt chẽ với nhau, với những lợi ích giữa hai bên khó từ bỏ, thì vấn đề nhân quyền sẽ được cải thiện,” ông lý giải.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng một khi quan hệ đã được nâng cấp thì hai nước ‘sẽ dễ nói chuyện với nhau hơn về nhân quyền’. “Đảm bảo các giá trị nhân quyền như quyền tự do ngôn luận là giá trị cốt lõi của Mỹ. Mỹ sẽ không từ bỏ,” ông khẳng định.

Mặt khác ông cho rằng các nhà tranh đấu cũng không thể chỉ dựa vào chính phủ Mỹ và chính quyền Mỹ ‘phải phục vụ lợi ích của nước Mỹ chứ không phải lợi ích của Việt Nam (về nhân quyền)’.

“Các nhà tranh đấu nhân quyền của Việt Nam phải tự mình đấu tranh để đòi hỏi quyền của mình, kể cả ở trong và ngoài nước,” ông Hải nói.

Theo phân tích của ông Hải thì việc Mỹ đồng ý nâng cấp quan hệ sau khi Việt Nam đề xuất là ‘thắng lợi của Mỹ’ để thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương có từ thời Tổng thống Barack Obama cũng như sau bài học từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời đại dịch COVID-19.

“Người Mỹ khi xoay trục thì họ cần kết quả thực tế,” ông nói và cho rằng đó là lý do Mỹ ‘gạt sang bên những tiểu tiết bình thường’ về nghi lễ trong việc tiếp xúc với Đảng Cộng sản.

Về phía Việt Nam, ông Hải nói việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài cũng như giúp củng cố an ninh trên Biển Đông.

“Về lâu dài vẫn có lợi cho nhân quyền Việt Nam. Cần phải có thời gian nhưng sự thay đổi rồi sẽ đến,” ông Hải bày tỏ tự tin.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG