Đường dẫn truy cập

Quan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn


Trong 5 năm qua các mối quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn lúc nào hết, trong đó có việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ đô la vào quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á này. Từ Phnom Penh, thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tường thuật rằng dân chúng Campuchia biết được những lợi ích của sự tăng cường quan hệ nhưng cũng nhận thức những mối rủi ro có thể có.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư ngoại quốc quan trọng nhất của Campuchia. Từ năm 2006 tới nay, chính phủ ở Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá khoảng 6 tỉ đô la; và Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng với những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỉ đô la.

Những khoản tiền đó là những khoản tiền rất lớn đối với Campuchia, là nước có tổng sản lượng khoảng 10 tỉ đô la.

Mối quan hệ nồng ấm này không phải là một điều mới lạ. Theo ông Chea Vannath, một phân tích gia độc lập ở Phnom Penh, Campuchia đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ cả ngàn năm trước.

Ông Chea nói thêm: "Điều này cho thấy một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Từ đó trở di, bất kể là trong thời kỳ đen tối hay thời kỳ hạnh phúc, Trung Quốc và Campuchia vẫn luôn có một mối quan hệ có thể nói là ngọt bùi có nhau, hay có một mối quan hệ lâu bền. Lúc nào cũng vậy."

Trong những năm gần đây mối quan hệ này là một trong những mối quan hệ được Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đánh giá cao.

Ông Hun Sen đã tỏ ý hoan nghênh sự gia tăng nhanh chóng của các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng những người bạn như Trung Quốc là loại người mà ông muốn có. Vì theo ông, không giống như những nước cấp viện khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Ông Cheang Vanrarith là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu ở Phnom Penh có tên là Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia. Ông nói rằng những quyền lợi tài chánh của Trung Quốc ở Campuchia cũng mang lại những lợi ích khác cho Trung Quốc.

Ông Vanarith nhận xét: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có lẽ nhìn xa hơn những quyền lợi kinh tế để hướng tới những quyền lợi chiến lược trong khu vực này. Vì Trung Quốc thường tự xem mình là trung tâm của vũ trụ. Trung Quốc là trung tâm của khu vực xét về phương diện chiến lược và phương diện kinh tế. Một số người nói rằng đây là sự quay lại quá khứ của Trung Quốc."

Tuy nhiên, một số người cũng tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở Campuchia. Một số người chỉ trích, trong đó có những người đã ra điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ hồi gần đây, cho biết rằng tiền bạc mà Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Campuchia rốt cuộc đã lọt vào túi của những công ty quốc doanh của Trung Quốc nhận hợp đồng xây dựng đường xá và các đập thủy điện. Các hợp đồng này không có sự xem xét của công chúng và sự giám sát độc lập nào cả.

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã tỏ ý lo ngại về việc Bắc Kinh nhất mực đòi Phnom Penh phải cam kết mua toàn bộ số điện mà các nhà máy thủy điện sản xuất trong vòng 30 năm.

Để thực hiện cam kết này chính phủ Campuchia phải chi tiêu hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng Phnom Penh phải làm sao để tránh bị mắc kẹt vào những cam kết không có giới hạn rõ ràng, ngõ hầu công cuộc chống nạn nghèo khó khỏi bị phương hại vì những trách nhiệm như vậy.

Bất chấp những mối quan tâm đó, ông Cheang Vanarith cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng ảnh hưởng của họ ở Campuchia. Ông nói rằng tình hữu nghị với Trung Quốc mang lại cho Campuchia một sự cân bằng hữu ích đối với những nước khác, chẳng hạn như Thái Lan – là nước xưa nay vẫn có nhiều mối tranh chấp với Campuchia.

Ông Vanarith nói thêm rằng quan hệ với Trung Quốc có ít rủi ro và một phần của khoản tiền viện trợ và đầu tư của Trung Quốc đã đóng góp cho nỗ lực giảm nghèo của Campuchia.

Tuy nhiên các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nói rằng mối quan hệ này có thể quá đỗi gần gũi và trở thành tai hại. Họ nêu lên sự kiện là Phnom Penh hồi năm ngoái đã quyết định gởi trả 20 người tị nạn Uighurs về Trung Quốc, theo yêu cầu của chính phủ ở Bắc Kinh. Vài ngày sau đó Campuchia nhận được từ Trung Quốc những thỏa thuận trợ giúp kinh tế trị giá 1,2 tỉ đô la.

Hoa Kỳ và các nước khác đã cực lực chỉ trích Campuchia về việc trục xuất những người Uighurs, là những người Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Cheang Vanarith cho biết hành động của Campuchia không gây ra thiệt hại kinh tế nào.

Ông Vanarith nói tiếp: "Quả là chúng tôi đã nhận được phản ứng tiêu cực rất mạnh từ phía Hoa kỳ. Nhưng giai đoạn sau này dường như mọi việc đều OK. Tôi có cảm giác là quan hệ song phương giữa Campuchia với Hoa Kỳ đang đi đúng hướng, đang trở lại với tình trạng tốt đẹp."

Tuy nhiên, ông Chea Vannath, nhà phân tích tình hình ở Phnom Penh, cùng với nhiều nhân vật tranh đấu khác, cảm thấy lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với môi trường của Campuchia và đối với những nỗ lực nhằm cải thiện năng lực cai trị của chính phủ và bảo vệ nhân quyền.

Ông Vannath nói: "Đi kèm những khoản tiền của Trung Quốc là sự thiếu minh bạch, thiếu năng lực cai trị dân chủ – không phải chỉ là năng lực cai trị mà thôi mà là năng lực cai trị một cách dân chủ, và sự tham gia của người dân vào công việc của đất nước. Điều đó khiến chúng tôi quan tâm. Vâng, chúng tôi quan tâm tới vấn đề này."

Trong khi đó, chính phủ Campuchia dường như không có sự quan tâm như vậy. Hồi đầu tháng này, Phnom Penh và Bắc Kinh đã đồng ý tiếp tục tăng cường quan hệ và hợp tác trong các dự án phát triển nông nghiệp, du lịch và viễn thông ở Campuchia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG