Đường dẫn truy cập

Người buồn cảnh có…Cảm tác về một băng hình


Người buồn cảnh có…Cảm tác về một băng hình
Người buồn cảnh có…Cảm tác về một băng hình

Hồi đầu tháng 11 tôi có dịp ghé Quận Cam và đi thăm ông bà Võ Phiến. Trước đó Phan Nhật Nam nhắn qua điện thư, bảo: “Bác có đi thăm ông bà Võ thì ới tôi đi với?” Bèn rủ. Nam khoe có cả Anh Cả Doãn Quốc Sỹ cùng đi nữa. Anh Sỹ, từ ngày chị mất, đã rời cư từ Houston sang Quận Cam ở với con, nhà sát lưng nhà của Nam. Tôi reo lên mừng rỡ, “Thế thì còn gì bằng. Anh chị Võ Phiến sẽ vui lắm, nhất là chị ấy thấy anh có thêm bạn quý tới chơi.”

Tôi lúc này đi đâu hay làm biếng mang máy ảnh, vì ỉ i có cái iPhone 4 chụp hình high res được. Nhưng lần này thủ theo một cái máy digital cho chắc ăn. Các cây đại thụ của văn học Miền Nam đã và đang lần lượt ra đi. Trên 35 năm rồi còn gì, kể từ cái ngày Miền Nam ơi từ buổi tiêu tan ấy (thơ Nguyễn Chí Thiện). Hai ông Võ và Dõan nay đã xấp xỉ 90. Làm sao biết được nay còn đấy, mai đã ...

Tới nơi lại có cả chủ bút Diễn đàn Thế kỷ Phạm Phú Minh và nhà văn Ngự Thuyết, cả hai cũng đã từng bị Cộng sản cầm tù, đã tồn tại, và hiện còn tiếp tục sinh hoạt văn học. Như thường lệ, nữ chủ nhân, chị Viễn Phố, đón chúng tôi với tất cả niềm nở. Trà thơm, bánh ngọt vừa miệng.

Anh Thuyết chỉ ghé qua vì nghe có khách quý tới, ký tặng mỗi người một cuốn tuyển tập dầy cộm vừa in xong và chỉ còn sót lại có vài cuốn, rồi kiếu nói có việc phải đi. Hai anh Minh và Nam kéo nhau ra ngồi ở hai cái ghế sát cửa chuyện trò với nhau, đẻ hai vị chủ nhà và khách quý lâu ngày gặp nhau nói chuyện thoải mái. Tôi ngồi bên chị tại một góc gần chân cầu thang thủ sẵn máy hình ngắm hai vị niên trưởng chuyện trò với nhau, lòng rộn lên một niềm hãnh diện về và nể trọng đối với hai nhà văn lớn của nền văn học Miền Nam tự do.

Những bức hình bên dưới chụp trong niềm hãnh diện đầy trìu mến ấy.

Hình trên, hai nhà văn lớn của nền văn học Miền Nam, Võ Phiến, trái, và Doãn Quốc Sỹ. Cả hai ông nay cùng xấp xỉ 90, một người, ông Võ Phiến, ra đi từ 1975 vì biết số phận nào đã dành cho mình dưới chế độ Cộng sản chỉ biết hận thù và thanh toán, và chưa một lần đặt chân lại quê hương; trong khi ông Doãn Quốc Sỹ kẹt lại, vẫn viết và gửi ra hải ngoại, bị cộng sản cầm tù về tội “chống cách mạng” trước sau cả thẩy 14 năm. Họ là những vì sao sáng và là niềm hãnh diện của nền văn học Việt Nam tự do, không chỉ vì danh mục tác phẩm đồ sộ của một đời cầm bút của mỗi người (*), mà còn vì tinh thần bất khuất trong sáng của những người cầm bút chân chính, tôn trọng sự thật và yêu thương chữ nghĩa, con người.

Điều thú vị đối với tôi là sau khi gửi hình hai ông Võ và Doãn đang huyên thuyên trò chuyện với nhau đi cho bằng hữu, tôi nhận được vài cảm nghĩ mà tùy theo, có lẽ, quan tâm, tâm trạng hay kinh nghiệm riêng của người xem hình, nên khác nhau một cách thú vị. Xin ghi lại bên dưới, bạn đọc xem cho vui.

Nhận xét của một cô em văn nghệ còn rất trẻ ở hải ngoại, tác giả của một cuốn sách vừa xuất bản ở Việt Nam với giấy phép của chế độ hẳn hoi -- tôi gọi đùa cô ta là một trường hợp “Escape from freedom” (**) --: “Nhìn họ em cũng cảm thấy buồn cho tương lai... của văn học VNHN. Những cây đại thụ lần lượt sẽ ra đi... và những cây non thì chưa đủ lá để che chắn cho mình chứ đừng nói xum xuê cho một tổng thể văn chương nào đó ...(sigh ...sigh ....)”

Một nhà thơ ở mạn Tây Bắc tuổi xấp xỉ 70, chắc tại trời cuối thu trở lạnh, sinh cám cảnh: “Rồi anh chị em mình cũng sẽ bước vào cái vòng ‘phù sinh’ đó.”

Phan Nhật Nam, một trong những người tù nổi tiếng và lâu năm của chế độ cộng sản, thì lại hứng chí, phán, lại còn phủ nhận văn nghiệp và tước đi cái bản quyền chưa kịp trình Sở Bản Quyền của tôi, và nửa chừng không thèm bỏ dấu, chắc sợ giòng ý nghĩ của mình bị cản trở: “Hình bác […] chụp quá đẹp. Phải chi bác đừng viết văn, làm báo mà đi chụp hình thì đời sẽ có bao nhiêu là ảnh đẹp và có giá trị. Mạn phép bác tôi forward cho những bằng hữu thuoc nhieu the he de nhung buc hinh nay duoc di xa hon. Nhung buc hinh khong thuoc rieng cua ai ca ma da thuoc ve cua ca Viet Nam vì các vị Doan va Võ là của chung Việt Nam. Hẳn bác cũng dồng ý với tôi như vậy.”

Tôi nhớ tới một mục trên The New Yorker: Hàng tuần họ in một bức hí họa không có chú thích, và treo giải cho chú thích nào hay nhất. Vậy tôi mời bạn đọc cung cấp chú thích của mình. Tôi không có giải thưởng, chỉ yêu cầu độc giả chơi cho đúng tác phong văn nghệ, và yêu cầu chủ nhân của Blog Nguyễn Xuân Hoàng và Bằng Hữu không post những ý kiến vô ý thức.

Chúc các bạn một mùa Lễ Tạ Ơn vui vẻ, đầm ấn, và xin nhớ ơn người và nhớ ơn đời. (TD, 11/2011)

Chú thích:

(*) Tài liệu đọc thêm:
Võ Phiến http://vietnamlit.org/wiki/index.php?title=Vo_Phien

Doãn Quốc Sỹ http://vi.wikipedia.org/wiki/Do%C3%A3n_Qu%E1%BB%91c_S%E1%BB%B9

(**) Tựa một cuốn biên khảo xuất bản năm 1941 của tâm lý gia Erick Fromm (1900 – 1980).

XS
SM
MD
LG