Đường dẫn truy cập

Cái mới trong thời hậu hiện đại (1)


Cái mới trong thời hậu hiện đại (1)
Cái mới trong thời hậu hiện đại (1)

Từ mấy chục năm nay, hào quang của cái mới mờ đi nhiều. Người ta không còn thấy sự xuất hiện rộn ràng của những trào lưu sáng tác có cái đuôi "ism" phía sau như thời trước. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do sự xuất hiện của cấu trúc luận, một trào lưu tư tưởng và là một phương pháp luận, thoạt đầu xuất phát từ ngôn ngữ học và sau đó, nhân chủng học, không những chỉ có ảnh hưởng lớn trong lãnh vực văn học mà lan rộng ra rất nhiều lãnh vực khác như xã hội học, văn hoá học, triết học, hay thậm chí, cả sử học nữa (structural history). Nó cũng ảnh hưởng cả đến nhiều nhà phê bình thuộc các trường phái khác như phân tâm học (Jacques Lacan) và Mác xít (Louis Althusser). Cuối cùng, nó cũng là tiền thân của hậu cấu trúc luận (post-structuralism) và giải cơ cấu (deconstruction).

Có thể có nhiều dị biệt trong những cách nhìn cụ thể, nhưng tất cả các nhà cấu trúc luận và những người chịu ảnh hưởng của cấu trúc luận đều chia xẻ một số tiền đề chung: lược quy mọi hiện tượng văn hoá vào văn bản (text); lược quy mọi văn bản vào ngôn ngữ; lược quy mọi ngôn ngữ vào ký hiệu (sign); và cuối cùng, lược quy mọi hệ thống ký hiệu vào những quan hệ: quan hệ giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), quan hệ giữa các yếu tố trong một hệ thống cũng như quan hệ giữa các yếu tố ấy với cả hệ thống và quan hệ giữa một hệ thống nhỏ với một hệ thống khác lớn hơn, bao trùm lấy nó.

Như vậy, điều các nhà cấu trúc luận quan tâm không phải là vấn đề ý nghĩa hay giá trị mà thuần tuý chỉ là vấn đề cấu trúc, hoặc cụ thể hơn, vấn đề khác biệt giữa các bộ phận cũng như chức năng của từng bộ phận trong cấu trúc. Họ không những loại trừ tác giả ra khỏi tầm nghiên cứu mà còn loại trừ những phán đoán giá trị để tăng cường tính khoa học của nhận thức. Và như thế, vấn đề cái hay và cái dở, cái mới và cái cũ đều bị gác sang một bên.

Khác với cấu trúc luận vốn tin tưởng có một sự thực nào đó ẩn nấp đằng sau hay bên trong văn bản, hậu cấu trúc luận nhấn mạnh vào sự tương tác giữa người đọc và văn bản như một yếu tố quyết định của ý nghĩa, và bằng cách đó, chuyển hướng phê bình từ việc căn cứ trên văn bản (text-centred) sang việc căn cứ trên sự hồi ứng của người đọc (reader-centred).

Cũng khác với cấu trúc luận vốn tập trung vào mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt như hai bộ phận cấu thành ngôn ngữ, hậu cấu trúc luận đặc biệt quan tâm đến cái biểu đạt, và bằng cách đó, xoá bỏ quan hệ một-đối-một giữa ngôn ngữ và thực tại, khiến ý nghĩa bị triển hạn đến không cùng, và hơn nữa, còn đặt thành nghi vấn tất cả những quan niệm về tính nhân quả, về bản sắc, về chủ thể và về chân lý.

Tuy nhiên, giữa cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận cũng có một số điểm giống nhau: cả hai cùng chống lại quan điểm duy sử (historicist view) vốn nhấn mạnh vào tính liên tục của sự phát triển; cùng xem mục tiêu tối hậu của phê bình văn học không phải nhắm đến việc tìm kiếm mà là giải trừ chủ thể tính: nếu Claude Lévi-Strauss đề cao hệ thống hơn cá nhân thì Roland Barthes, đi xa hơn, cho sự xuất hiện của người đọc phải được trả giá bằng cái chết của tác giả; [1] Michel Foucault, đi xa hơn nữa, nói về cái chết của con người, với tư cách là một chủ thể, vốn chỉ là một phát minh rất mới của nhân loại;[2] còn Jacques Derrida thì có một câu tuyên bố nổi tiếng, rất thường được trích dẫn trong các bài viết về lý luận văn học: "Không có cái ngoại văn bản" (Il n'y a pas de hors-texte / There is no outside-of-text).

Và, liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn, khác với các phương pháp phê bình cũ vào nửa đầu thế kỷ 20, như Hình thức luận (Formalism) của Nga hay Phê Bình Mới (New Criticism) của Anh và Mỹ vốn còn quan tâm đến việc phát hiện những cái mới, cái lạ, cái lạ hoá trong văn học,[3] cả cấu trúc luận lẫn hậu cấu trúc luận đều không phân biệt giữa cái mới và cái cũ, cái hay và cái dở, văn hoá cao cấp và văn hoá bình dân, thậm chí, không còn cả sự phân biệt giữa văn học và những cái phi văn học.

Không có gì lạ khi chúng ta thấy các nhà phê bình văn học theo khuynh hướng cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận không chỉ bàn đến chuyện văn chương mà còn bàn đến khá nhiều chuyện linh tinh khác, từ chuyện thời trang đến chuyện đô vật, từ chuyện quảng cáo đến chuyện thể thao, từ một mẩu tin chính trị đến một sô văn nghệ, v.v... Tất cả giống nhau, đều là những ký hiệu.

Roland Barthes, một người được xem là cấu trúc luận ở cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 và là hậu cấu trúc luận từ cuối thập niên 60 về sau, xem mọi văn bản đều chỉ là một không gian trong đó có vô số các văn bản đan xen nhau, hoà trộn với nhau, và không có yếu tố nào là thực sự độc sáng cả.[4] Còn Jacques Derrida thì, qua khái niệm "differance", chủ trương trong một từ chúng ta sử dụng không những có dấu vết của những lần xuất hiện trước của nó mà còn mang dấu vết của những từ khác trong văn bản mà nó xuất hiện, hơn nữa, của toàn bộ từ vựng trong cả hệ thống ngôn ngữ nói chung. Do đó, ý nghĩa chỉ nảy sinh từ quan hệ giữa những gì đã biết và những gì chưa biết, giữa cái hiện diện và cái vắng mặt. Trong cách nhìn này, văn bản không có một ý nghĩa cố định và bất biến: ý nghĩa cứ bị triển hạn mãi. Và do đó, nó chỉ còn là một mạng lưới phức tạp của những ý nghĩa dở dang, nghĩa là, nó không bao giờ thực sự hoàn tất: mỗi văn bản là một "mạng dấu tích quy chiếu hoài hoài đến những gì khác hơn là chính bản thân nó" (a fabric of traces referring endlessly to something other than itself).[5] Mọi văn bản (text), do đó, đều là liên văn bản (intertext). Tất cả các văn bản đều là một phần của một hệ thống liên văn bản rộng lớn. Các mối quan hệ chằng chịt và phức tạp giữa các yếu tố bên trong văn bản và liên văn bản ấy vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người cầm bút. Do đó, không có bất cứ tác giả nào có thể tự hào là mình có thể diễn đạt hoàn toàn theo cách của mình một tư tưởng nào đó. Cũng do đó, theo Derrida, mọi cái viết, thực chất, là một quá trình lắp ghép và tập hợp những mảnh vụn đã có sẵn từ trước, bất kể tác giả có ý thức về điều đó hay không.

Phát triển luận điểm của Derrida, các nhà giải cơ cấu, đặc biệt tại đại học Yale, cho văn học, tự bản chất, có tính bất định và bất quyết: theo họ, trong một tác phẩm văn học, chỉ có những chi tiết vô vị nhất như tên tác giả, tên sách, tên nhân vật, cốt truyện, ngày tháng sáng tác, là cố định. Còn lại, mọi thứ khác đều mơ hồ và hàm hồ. Mọi sự diễn dịch đều có thể đúng mà cũng có thể sai.

Tất cả cái đọc đều là chủ quan và do đó, rất tương đối. Điều đó cũng có nghĩa là văn học và những giá trị văn học, trong đó có ý niệm về cái mới và sự sáng tạo, đều có tính chất tương đối.[6]

[1] Xem bài "The Death of the Author" của Roland Barthes in trong tập Modern Criticism and Theory: a Reader, nxb Longman, London, 1988.

[2] Xem cuốn The Archaeology of Knowledge của Michel Foucault, A.M.Sheridan-Smith dịch ra tiếng Anh, Tavistock, London, 1974.

[3] Các nhà Hình thức luận của Nga (từ năm 1917 đến khoảng cuối thập niên 20) xem sự lạ hoá (ostranenie / defamiliarization) như một đặc điểm nổi bật nhất của văn học. Viktor Shklovsky cho là, trong cuộc sống hằng ngày, nhận thức cũng như cảm xúc của chúng ta về sự vật dần dần bị tự động hoá, cái nhìn, do đó, bị thay thế bằng sự nhận biết theo quán tính. Văn nghệ sĩ, ngược lại, là những kẻ giữ được mãi cái nhìn tinh khôi, tránh được nguy cơ tự động hoá, vượt qua những cách diễn tả quen thuộc theo những quy ước có sẵn để trình bày sự vật và sự việc như là chúng mới xuất hiện lần đầu tiên và như là chúng chưa từng có tên để gọi. Yury Tynyanov chủ trương để tìm tòi cái mới, cần phải tiến hành những cuộc cách mạng trong văn học. Boris Tomashevsky quan niệm giá trị của văn học chủ yếu nằm ở sự mới mẻ và độc sáng của nó. Nói chung, các nhà Hình thức luận là những kẻ rất say mê cái mới. Tiếc là, từ năm bảy năm nay, mặc dù giới nghiên cứu văn học tại Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu và giới thiệu Hình thức luận nhưng hình như chưa có ai chú ý đúng mức đến khía cạnh quan trọng này. Về trào lưu Hình thức luận tại Nga, có thể xem các cuốn: Russian Formalist Criticism: Four Essays do Lee T. Lemon và Marion J. Reis dịch và giới thiệu (University of Nebraska Press xuất bản năm 1965 tại Lincoln), Russian Formalism: History - Doctrine của Victor Erlich, (ấn bản thứ ba, in tại New Haven năm 1981); đặc biệt chương "Russian Formalism" in trong cuốn Modern Literary Theory: a Comparative Introduction, do Ann Jefferson và David Robey biên tập (B.T.Barsford Ltd, London, 1986, tr. 24-45) và chương "The Conception of Originality in Formalist Theory" của Karen Rosenberg in trong cuốn Russian Formalism: a Retrospective Glance (Yale Russian and East European Publications, New Haven, 1985, tr. 162-172).

[4] Roland Barthes, "The Death of the Author", tài liệu đã dẫn, tr. 166-172.

[5] Dẫn theo David Birch trong cuốn Language, Literature and Critical Practice: Ways of Analysing Text, Routledge xuất bản tại London năm 1989, tr. 9. Về các quan điểm văn học của Jacques Derrida, có thể xem trong cuốn De la grammatologie (Minuit, Paris, 1967), Gayatri Chakravorty Spivak dịch ra tiếng Anh, Of Grammatology, Johns Hopkins University Press xuất bản năm 1976; và cuốn L'écriture et la différence (Seuil, Paris, 1967), Alan Bass dịch sang tiếng Anh, Writing and Difference, Routledge xuất bản tại London năm 1978.

[6] Các nhà phê bình giải cơ cấu thuộc trường phái Yale gồm ba tên tuổi chính: Paul de Man (1919-83), Geoffrey H. Hartman (1929-) và J. Hillis Miller (1928-).

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG