Đường dẫn truy cập

Các lực chống đối thế lực truyền thống sẽ chi phối cuộc bầu cử ở Pháp  


Cử tri ửng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp Francois Fillon ở thành phố Marseille, ngày 11/4/2017.
Cử tri ửng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp Francois Fillon ở thành phố Marseille, ngày 11/4/2017.

Tương tự như ở Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, động cơ chính dẫn dắt cử tri trong các cuộc bầu cử tại Pháp là những tình cảm chống thành phần ăn trên ngồi trốc bấy lâu và sự phẫn nộ về nạn tham nhũng, bè phái và các chính sách di trú mà một số người tin là đang đe doạ nền văn hoá Pháp và an ninh quốc gia. Các quan điểm ấy rất phổ biến không những tại các vùng thuộc vành đai công nghiệp, một cứ địa của ứng cử viên chống di trú Marine Le Pen, nhưng còn ngay tại Paris. Không như các khu vực công nghiệp, nhiều cư dân Paris về mặt bề ngoài không ra mặt ủng hộ bà Le Pen, nhưng thay vào đó, ủng hộ các ứng cử viên trung hữu sẽ tiếp tục lộ trình toàn cầu hoá có thể duy trì lối sống mới, thoải mái hơn cho thành phần chuyên nghiệp trẻ tại các khu vực thành thị giàu có ở Paris. Thông tín viên Luis Ramirez của Đài VOA tường thuật từ Paris.

Cảnh sát vũ trang tận răng đứng gác bên ngoài các nhà thờ và địa điểm du lịch nhắc nhở rằng các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan đã trở thành một phần đời sống tại đây.

Tại quận 11 đầy màu sắc của Paris, dưới bóng của hí viện Bataclan, quang cảnh của các vụ cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất xảy ra vào tháng 11/2015, cư dân bá bỏ mọi ý kiến cho rằng những quan tâm về nạn khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo sẽ làm họ đổi ý để bầu cho bất cứ ai khác hơn là những nhân vật trung hữu.

Nhà khoa học chính trị Jean Yves Camus, một cư dân quận 11, nói:

“Chúng tôi có kỹ nghệ du lịch, những thắng cảnh Paris cho các công ty và doanh nghiệp nước ngoài. Nếu bầu cho Mặt trận Quốc gia, thì coi như là bỏ phiếu chống lại các lợi ích của chính mình, chống lại các lợi ích của thành phố đa văn hoá này. Chúng tôi nhận thức cao độ rằng mối đe doạ của thành phần cực đoan vẫn còn đó hầu như mỗi ngày, nhưng chúng tôi không phải là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan.”

Bà Marine Le Pen và Mặt trận quốc gia của bà đã đưa vấn đề người di dân Hồi giáo vào tâm điểm của chiến dịch tranh cử của bà.

Các ứng cử viên thuộc cánh trung-tả về phần lớn tìm cách né tránh vấn đề, cũng như giới truyền thông dòng chính. Nhiều cư dân Paris thích bàn về nền kinh tế, nạn tham nhũng và bè phái, và vì sao họ không ủng hộ Mặt trận quốc gia.

Michel Molinas, một cử tri ở Paris, giải thích:

“Bởi vì phong trào cực hữu đi ngược với tinh thần của người Pháp. Bởi vì những người theo cánh cực hữu là những kẻ phát-xít. Đối với người Pháp đây không phải là phong trào của họ. Thật vậy. Đó là cách nhìn của tôi và tôi sẽ không bao giờ bầu cho họ. Không bao giờ. Không bao giờ.”

Một cử tri khác tên Vincent Terpant nhận định:

“Ông Macron, ông Fillon, đôi khi người ta nói những điều tiêu cực về các ông ấy, nhưng hai ông vẫn là các ứng cử viên có giá trị và vì vậy tôi sẽ chọn một trong hai người. Thành phần nắm quyền hành chính trị truyền thống vẫn như xưa. Sau 30 năm, 40 năm, có một số vấn đề nhưng chủ yếu, các tàu cao tốc vẫn tiếp tục chạy, các phi trường vẫn hoạt động, nên mục tiêu là như vậy. Ngay hiện nay thì các doanh nghiệp có mặt ở mọi nơi. Chủ yếu là con cái chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn một chút.”

Nhưng không phải tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái về hiện trạng này. Giới phân tích tiên đoán một số người sẽ lẳng lặng bầu cho bà Le Pen, như một cách phản đối, trong một cố gắng nhằm gây chấn động cho hệ thống cầm quyền.

Nhà bình luận chính trị Thomas Guenole:

“Họ căm thù các thành phần ăn trên ngồi trốc ở nước này. Hơn ¾ dân số Pháp tin rằng các chính khách là những con người đồi bại, truyền thông đại chúng cũng thế. Trong bối cảnh này, một vài người, một thiểu số, chỉ muốn đặt lựu đạn phá hoại cuộc bầu cử. Thế thôi.”

Trong khi một số muốn đoạn tuyệt với quá khứ, nhiều người không thấy có lý do để nổi loạn chống khuynh hướng toàn cầu hoá.

Tại khu vực thương mại La Defense ở Paris, anh Jeremy Teixeira, con của một gia đình di dân đến từ Bồ Đào Nha, đang tập sự tại một công ty đa quốc sẽ trả tiền học phí cho anh theo đuổi bằng cấp hậu đại học.

Anh nói:

“Trong tư cách một người trẻ, tôi ủng hộ toàn cầu hoá. Đó là một điều được áp đặt lên chúng ta. Chúng takhông thể lội ngược dòng, chúng ta phải nương theo nó. Đối với các doanh nghiệp, đối với các cá nhân, toàn cầu hoá là một điều tốt.”

Tại Paris, một thành phố đã thiết lập một chuẩn mực mới cho ý niệm công dân của thế giới và tính đa dạng văn hoá, ý niệm về một nước Pháp mới theo dân tộc chủ nghĩa, hướng nội và đi ngược về quá khứ, đối với nhiều cử tri, có thể lạ lẫm. Trong cuộc bầu cử tại Pháp lần này, vấn đề nằm ở mức độ chống đối sẽ mạnh mẽ tới đâu chống lại tình trạng hiện tại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG