Đường dẫn truy cập

Các bên lạc quan thận trọng về thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên


Giám đốc an ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo vắn tắt cho Tổng thống Mỹ về vấn đề Triều Tiên, 8/3/2018.
Giám đốc an ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo vắn tắt cho Tổng thống Mỹ về vấn đề Triều Tiên, 8/3/2018.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đồng ý gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng “vào khoảng tháng Năm” để thảo luận việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên được đón nhận bằng thái độ lạc quan thận trọng xen lẫn hoài nghi.

Ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, loan báo thỏa thuận vào tối thứ Năm 8/3. Ông có mặt ở Washington để thông báo tóm tắt với ông Trump và các quan chức Tòa Bạch Ốc về tiến bộ ngoại giao đạt được trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tuần. Ông cũng chuyển lời mời do lãnh tụ Triều Tiên nói miệng tới Tổng thống Hoa Kỳ.

"Tổng thống Trump đánh giá cao buổi làm việc với các giới chức Hàn quốc và nói sẽ gặp ông Kim Jong Un vào khoảng tháng 5 để đạt giải pháp phi hạt nhân hóa vĩnh viễn", ông Chung cho hay.

Ông Chung cũng cho biết lãnh tụ Triều Tiênsẽ không phản đối việc Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận chung, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4.

Đánh giá về những chuyển động mới nhất liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham nói: "Sau nhiều cuộc thảo luận với Tổng thống Trump, tôi tin chắc rằng lập trường mạnh mẽ của ông chống Triều Tiên và sự hung hăng về hạt nhân của họ rốt cuộc đã mang lại cho chúng ta hy vọng tốt nhất trong nhiều thập kỷ để có thể giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình. Tôi không ngây thơ.Tôi hiểu rằng nếu quá khứ là một chỉ dấu về tương lai, thì có lẽ Triều Tiên sẽ chỉ nói suông chứ không hành động".

Tuy nhiên, ông Graham cảnh cáo Triều Tiên rằng "điều xấu nhất" mà nước này có thể làm khi gặp gỡ ông Trump là "tìm cách chơi xỏ ông ấy". Thượng nghị sĩ Graham nhấn mạnh: "Nếu các người làm điều đó, đấy cũng sẽ là dấu chấm hết đối với các người và chế độ của các người".

Ông Robert Gallucci, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994, nói lời mời của Triều Tiên là một "diễn biến đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh". Ông nói thêm: “Nếu các đại diện của hai chính phủ có thể gặp nhau, và sau rốt là một cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức, điều đó thể hiện tiến bộ lớn trong việc giảm căng thẳng và nguy cơ chiến tranh".

Ông Daniel Russell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, nói: "Điều mới mẻ không phải là lời đề nghị, mà là lời hồi đáp". Ông nói Triều Tiên “trong nhiều năm đã đề nghị tổng thống Hoa Kỳ hãy đích thân làm việc với các lãnh tụ Triều Tiên với tư cách hai cường quốc hạt nhân bình đẳng làm việc với nhau".

Ông Takashi Kawakami, Chủ tịch Viện Thế giới học, Đại học Takushoku ở Tokyo, nhận định: "Tôi nghĩ Mỹ sẽ chờ xem cuộc hội đàm Bắc-Nam diễn ra vào tháng 4 ra sao trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, liệu có gặp [Triều Tiên] hay không. Tôi dự đoán sẽ có ba kịch bản có thể xảy ra. Một là Triều Tiên sẽ đồng ý phi hạt nhân hoá. Hai là Triều Tiên sẽ đồng ý với Hoa Kỳ về đình chỉ và giữ nguyên trạng chương trình hạt nhân. Và ba, là rút lại cách tiếp cận của họ và quay lại với việc phóng tên lửa. Trong các kịch bản đó, tôi thấy kịch bản thứ hai là có khả năng diễn ra nhất, đi kèm là việc Nhật kêu gọi tiếp tục gây áp lực bị gạt ra bên lề".

Cách tiếp cận "áp lực tối đa" của ông Trump đã lãnh đạo các nỗ lực quốc tế nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề vào năm 2017, gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng sắt, quần áo và hải sản trị giá hàng tỉ đôla. Chính quyền ông Trump cũng nhấn mạnh họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự, nếu cần, để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG