Đường dẫn truy cập

‘Cưỡi ngựa xem hoa’ ở Seoul


Chặn xe cho khách bộ hành qua đường
Chặn xe cho khách bộ hành qua đường

Ba ngày, hai đêm là khoảng thời gian rất ngắn để có thể nhận biết chính xác những đặc điểm của nơi nào đó. Cũng vì vậy, người viết chỉ có thể mạo muội trình bày một số cảm nhận về Seoul sau lần đầu tiên ghé thăm nơi này.

Seoul là một thành phố hiện đại, trật tự. So với nhiều thành phố mà cá nhân đã từng qua, dường như số thùng rác công cộng ở Seoul ít hơn, khó tìm hơn nhưng thủ đô Nam Hàn rất sạch sẽ.

Seoul đông đúc, nhiều nhà cao tầng nhưng giao thông không hỗn loạn vì ở những nơi mật độ giao thông cao do tập trung nhiều cao ốc văn phòng, thương xá luôn có các nhóm mặc đồng phục, thay cảnh sát điều hòa giao thông.

Đồng phục của những nhóm này thường là sơ mi có hoa văn nhẹ nhàng, vui mắt nhưng dễ nhận biết. Tất cả đều mặc vest phản quang, trời mưa thì mặc áo mưa phản quang và mang ủng, liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Việc họ chặn xe – mời khách bộ hành qua đường rồi chặn khách bộ hành băng qua đường – ra hiệu cho xe cộ đi tới, hay hướng dẫn rẽ trái, rẽ phải vào các bãi đậu xe được thực hiện hết sức lễ độ. Sự lễ độ này khiến cá nhân tự hỏi: Bao lâu thì họ sẽ bị tổn thương cột sống vì liên tục cúi chào như vậy?.

Nhân viên được doanh nghiệp điều hành một khu phức hợp ở Jung-Gu, trung tâm Seoul thuê để điều hòa giao thông.
Nhân viên được doanh nghiệp điều hành một khu phức hợp ở Jung-Gu, trung tâm Seoul thuê để điều hòa giao thông.

Tôi có hỏi thăm họ là ai thì vài người trả lời, họ là nhân viên của các doanh nghiệp điều hành cao ốc văn phòng, thương xá, nhận lương và hưởng các phúc lợi giống như mọi nhân viên khác của những doanh nghiệp này.

Lương của những nhân viên làm công việc vừa kể chắc chắn không cao nhưng chuyện trả lương, cung cấp đầy đủ các phúc lợi, trang bị làm việc, xác định đó là một nghề. Do vậy người hành nghề phải chuyên nghiệp, tuân thủ các yêu cầu nghề nghiệp, kể cả lịch thiệp.

Những doanh nghiệp tuyển chon, cắt đặt nhân viên làm công việc điều hòa giao thông có lợi gì không? Tôi tin là có. Thứ nhất những doanh nghiệp này chứng tỏ họ có ý thức xã hội – quan tâm đến lợi ích cộng đồng khi kinh doanh, không để việc ra vào cơ sở thương mại, dịch vụ của họ khiến giao thông trở thành hỗn loạn, thiếu an toàn. Thứ hai, nếu so sánh giữa chi phí với lợi ích, có lẽ lợi ích sẽ lớn hơn bởi giao thông ổn định sẽ không làm thiên hạ ngán ngại khi chọn đến những nơi này.

Thực tế mà tôi cảm nhận ở Seoul khiến nhớ đến hoạt động của những cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giao thông và đặc biệt là hoạt động của lực lượng... dân phòng ở Việt Nam.

***

Giống như nhiều đô thị khác trên thế giới, Seoul cũng có hệ thống metro (hệ thống tàu điện chạy trong lòng đất) nối các khu vực ở nội đô với nhau và với các vùng phụ cận. Tiếng là vùng phụ cận nhưng nghe nói, có thể dùng metro đi từ Seoul đến khu vực nông thôn của một số tỉnh liền kề như Gyeonggi, Chungnam, Gwangwon – vốn cách trung tâm thủ đô hàng trăm cây số.

Giống như nhiều đô thị khác trên thế giới, hệ thống metro của Seoul có sự liên kết chặt chẽ với hệ thống bus, cùng dùng phương thức thanh toán mà dân Nam Hàn gọi là T-money Card (giá bán loại card này khoảng 3 Mỹ kim, người dùng có thể nạp bao nhiêu tiền cũng được, nếu không rành, không thể tự nạp có thể vào các tiệm tạp hóa, đưa card, đưa tiền cho họ nạp giúp và không phải trả phí).

Giống như nhiều đô thị khác trên thế giới, sự kết hợp giữa metro và bus ở Seoul tạo ra mạng vận chuyển công cộng đủ tiện lợi để có thể đi khắp mọi nơi với giá khá rẻ (khoảng 1 Mỹ kim/lượt) và nhờ mạng vận chuyển công cộng này, làm việc ở Seoul không nhất thiết phải cư trú ở Seoul. Với cá nhân tôi, những hệ thống metro ở vùng Đông Bắc Mỹ (Washington D.C, New York), ở châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch,...) không bằng hệ thống metro ở Seoul. Hệ thống metro ở Seoul sạch hơn, mới hơn, tạo cảm giác an toàn hơn và cách khai thác thông minh hơn.

Phòng chờ dành cho khách đi SRT – một loại tàu tốc hành ở ga Suseo, Seoul
Phòng chờ dành cho khách đi SRT – một loại tàu tốc hành ở ga Suseo, Seoul

Ví dụ, khác với hệ thống metro của nhiều đô thị trên thế giới, hệ thống metro ở Seoul có vách ngăn giữa khu vực chờ lên tàu và đường ray. Tàu ngừng, cửa các toa và các cửa trên vách ngăn mới mở để khách lên – xuống. Do vậy sẽ không thể xảy ra những tình huống làm gián đoạn công việc vận hành (nhảy xuống đường ra để tự sát, trượt chân té xuống đường ray hay bị đẩy xuống đường ray lúc tàu đang đến).

Chắc chắn các toa trên những đoàn tàu trong hệ thống metro ở Seoul được vệ sinh rất kỹ nên không có mùi hôi thường thấy ở những phương tiện thường xuyên vận chuyển rất đông người thuộc đủ mọi giới. Một chi tiết không thể xem là nhỏ: Bồn cầu trong các nhà vệ sinh đều là loại có thể sưởi vành nhựa đặt bàn tọa, cho phép xịt nước rửa sau khi đi vệ sinh rồi hong khô bàn tọa.

Khoảng giữa thập niên 1970 Nam Hàn mới xây dựng hệ thống metro ở Seoul. Có thể nhờ đi sau nhiều quốc gia trong việc phát triển loại phương tiện vận chuyển công cộng này nên cách Nam Hàn xây dựng các ga thông minh hơn và hiệu quả hơn. Phần lớn các ga trong hệ thống metro của Seoul đều là nơi mua sắm đủ thứ, trong đó có những trung tâm mua sắm trong lòng đất (Underground Shopping Center) rất nổi tiếng như Goto Mall (còn có tên khác là Gangnam Terminal), Bupyeong Modoo, Seomyeon,... Tôi chỉ có đủ thời gian để dạo một vòng Goto Mall và nhận ra, một buổi không đủ để nhìn ngó các cửa hàng trong lòng đất ở đó. Nếu chưa đến và muốn biết rõ hơn xin dùng Google.

Goto Mall có vài trăm cửa hàng bán đủ loại hàng (quần áo, giày dép, trang sức, đồ nội thất,...) với đủ mọi giá (nhiều loại quần áo không tệ chút nào cả về chất liệu vải lẫn kiểu dáng chỉ có một, hai Mỹ kim). Ngoài vài trăm cửa hàng, ở khu vực có Goto Mall còn có Ga Famille - nơi tập hợp chuỗi quán cà phê và nhà hàng từ bình dân đến hạng sang. Có Shinsegae – chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Nam Hàn vì thứ gì cũng có. Goto Mall hay Gangnam Terminal Underground Shopping Center lúc nào cũng đông đúc vì là điểm trung chuyển của ba trong hàng chục tuyến metro của hệ thống metro ở Seoul. Muốn thỏa mãn thú vui mua sắm ở Goto Mall có lẽ phải dùng cả ngày hay vài ngày!

Ai cũng biết giao thông gắn liền với kinh tế - xã hội. Muốn phát triển kinh tế - xã hội phải đầu tư vào giao thông và để giải quyết những vấn nạn về giao thông phải xây dựng mạng lưới vận chuyển công cộng. Không phải tự nhiên mà giao thông cũng như vận chuyển công cộng được xem là một loại phúc lợi. Đó cũng là lý do gần như thời nào, thiên hạ ở đâu cũng phải bù lỗ để duy trì mạng lưới vận chuyển công cộng. Quản trị giỏi – điều hành tốt thì lỗ ít, quản trị kém – điều hành tồi thì lỗ nặng, thậm chí lỗ đến mức phải thu hẹp hoạt động hay dẹp bỏ mạng lưới vận chuyển công cộng.

Tuy không có cơ hội tìm hiểu sâu về hoạt động của hệ thống vận chuyển công cộng ở Seoul nhưng với cách khai thác không gian của hệ thống metro tại Nam Hàn (tạo ra vô số địa điểm có cơ hội cao trong kinh doanh để cho thuê), tôi tin rằng, Nam Hàn không tốn bao nhiêu trong việc duy trì mạng lưới vận chuyển công cộng ở Seoul để củng cố nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của họ.

Dù Seoul có rất nhiều cao ốc nhưng rõ ràng việc phát triển cao ốc để làm việc hay để ở không gây trở ngại cho chuyện kiến tạo mạng lưới vận chuyển công cộng trong lòng đất, thậm chí rất nhiều ga thuộc hệ thống metro ở Seoul trở thành trung tâm thương mại nổi tiếng cả vì nằm trong lòng đất lẫn về quy mô. Nếu không có viễn kiến, phát triển hệ thống metro sẽ va đập với phát triển cao ốc và tạo ra mâu thuẫn không thể giải quyết...

Đó cũng là lý do khiến tôi nhớ đến những cao ốc và metro ở Việt Nam. Nếu dư tiền, Việt Nam cũng khó mà có thể giải quyết hậu quả phát sinh từ rừng cao ốc ở Hà Nội, TP.HCM để tạo ra hệ thống metro như hệ thống metro của Seoul.

Vài năm gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam thích gắn “tầm nhìn” vào các quy hoạch, kế hoạch nhưng cứ ngẫm sẽ thấy, “tầm nhìn” của các cá nhân soạn thảo, phê duyệt những quy hoạch, kế hoạch dường như không quá... chóp mũi, thành ra các đô thị ở cao nguyên hay sát biển cũng... ngập, cũng... lụt! “Tầm nhìn” như thế có lẽ mù mới là may mắn!

***

Nhiều người từng tỏ ra ngậm ngùi khi so Nam Hàn ở thập niên 1970 vốn chẳng hơn gì miền Nam Việt Nam (thời Việt Nam Cộng hòa) với Nam Hàn hiện nay. Nam Hàn là xứ có rất nhiều người Việt tìm tới để thăm thú, học hành, làm việc. Cứ quan sát thật kỹ rồi đối chiếu giữa Nam Hàn và Việt Nam, có lẽ chính quý vị sẽ nhận ra nhiều điều đáng nói hơn cá nhân tôi, kẻ chỉ đảo qua Seoul ba ngày, hai đêm...

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG