Đường dẫn truy cập

Cách ly xã hội khiến người bán vé số mất đường sống 


Cây ATM gạo ở thành phố Hồ Chí Minh trợ giúp cho những người khó khăn, cơ nhỡ trong mùa dịch Covid-19
Cây ATM gạo ở thành phố Hồ Chí Minh trợ giúp cho những người khó khăn, cơ nhỡ trong mùa dịch Covid-19

Những người bán vé số ở Việt Nam là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì lệnh cách ly xã hội toàn quốc giữa đại dịch corona: bị mất kế sinh nhai, bị đẩy ra đường phố và phải sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhà nước hoặc lòng hảo tâm của những người xung quanh, theo tìm hiểu của VOA.

Do lệnh cách ly xã hội cho đến ngày 15/4 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ngành kinh doanh vé số, vốn là cần câu cơm của đa số dân nghèo ở Việt Nam, cũng phải tạm dừng trong hai tuần.

Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có ‘đội quân’ bán vé số đông đảo nhất cả nước vốn đa số là dân nhập cư từ khắp các tỉnh thành, quyết định kéo dài cách ly xã hội cho đến ngày 22/4 thì những người bán vé số vẫn chưa thể trở lại công việc thường ngày của họ.

‘Không có gì làm’

Trao đổi với VOA từ chỗ trọ ở đường Dương Bá Trạc, Quận 8, bà Trần Thị Thanh, 64 tuổi, quê Nghệ An vào thành phố đi bán vé số được 24 năm, cho biết hai tuần này cuộc sống của gia đình bà ‘rất eo hẹp’.

“Bữa trước bên đại lý có gọi lại nói là đến 17 hay 18/4 đi bán lại nhưng bây giờ họ nói là phải đợi thêm nữa nên tôi cũng không biết làm sao,” bà nói.

“Tôi đi xe lăn nên đâu có làm gì khác được. Bây giờ cũng tính kiếm thêm cái gì bán mà không biết bán cái gì vì dịch bệnh người ta cũng đang nghỉ.”

“Tôi tính đi lượm ve chai trong 2 tuần mà dịch bệnh cũng không có ve chai mà lượm nữa nên nghỉ ở nhà luôn.”

Bà Thanh sống chung cùng chồng vốn là người Khmer nguyên quán ở Sóc Trăng và một người con trai hiện đang học lớp 12.

Bà cho biết là chồng bà bị nhiều bệnh nên ‘rất yếu, mỗi tháng nằm viện 2 lần’ nên ‘có muốn đi chạy xe ôm phụ giúp bà cũng không được’. Ngày thường, ông cũng đi bán vé số như bà, nhưng do sức khỏe nên ‘chỉ bán được nửa buổi’.

“Kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền bán vé số bây giờ không bán nữa thì không có tiền chi tiêu,” bà nói.

Theo lời bà, ngoài tiền ăn uống thì mỗi tháng bà phải đóng 2,4 triệu đồng tiền nhà tính luôn điện nước, tiền học cho con là 520.000 đồng (đã được giảm trừ cho hộ nghèo thuộc diện người dân tộc từ mức 640.000 đồng) trong khi tiền viện phí của chồng bà ‘có được bảo hiểm hộ nghèo nên cũng được giảm’.

Sau khi có lệnh dừng bán vé số, bà Thanh cho biết chủ nhà có thông cảm cho giảm tiền nhà xuống 500.000 còn 1,9 triệu đồng.

Về sự hỗ trợ của chính quyền, bà cho biết: “Tôi lãnh được 750 ngàn đồng và 5 kg gạo còn chồng tôi không có trong danh sách.”

Theo giải thích của bà thì mặc dù cả hai vợ chồng đều đi bán vé số nhưng do chồng bà ít đi bán hơn nên ‘tổ trưởng không biết’ và ‘không đưa chồng bà vào danh sách nhận hỗ trợ’.

“Hai vợ chồng tôi ra phường nhưng chỉ có mình tôi được lãnh. Phường nói về hỏi tổ trưởng. Về nói tổ trưởng thì họ nói họ cũng không biết. Họ thấy tôi đi bán nhiều hơn nên để tên tôi thôi,” bà nói và cho biết hiện giờ chồng bà vẫn chưa được bổ sung vào danh sách.

Ngoài ra, bên đại lý vé số cũng có xin được nhà hảo tâm cho bà thêm 5kg gạo và 100 ngàn đồng và có kêu bà ra lãnh, bà nói thêm.

Không những thế, những người khách hàng quen biết hay mua vé số của bà biết hoàn cảnh của gia đình bà cũng cho đồ và kêu bà đến lãnh, cũng theo lời bà Thanh.

“Mấy ngày dịch bệnh thế này tôi ra chợ mua rau gặp người ta cho đồ ăn thì lấy. Đi dọc đường thấy có mấy xe hàng họ phát cơm từ thiện thì tôi lại lấy, có khi hộp cơm, hộp mì,” bà cho biết.

‘Xa quá đi không nổi’

Về những chỗ phát chẩn như như máy ATM gạo miễn phí, bà nói bà có được người ta chỉ cho nhưng ‘bà đi không được’.

“Tôi không biết chỗ nào giúp đỡ vì tôi không có đi ra. Tôi đi xe lăn thành ra tôi không biết chỗ nào cả.”

Ngoài việc không biết chỗ, một phần cũng do ‘đường xa quá’ nên bà không đi. “Đi đến nơi lấy được có 2 kg gạo tiền xăng còn không đủ bù nữa nên thôi không đi. Người ta cũng cho được vài chục kg gạo rồi nên thôi.”

Bà cho biết những sự trợ giúp hiện nay không đủ để cầm cự, phải ‘ăn nhín nhín thôi.’

“Con trai tôi nó nói ‘Mẹ nghỉ bán thế này làm sao đóng tiền học mà học trên mạng cũng phải đóng tiền đó mẹ’,” bà nói và cho biết do con trai bà học giỏi nên cũng có nhà hảo tâm đến cho mỗi lần vài trăm ngàn đồng.

“Từ giờ sắp lên thì mấy trăm ngàn tiền nhà nước cho cộng với tiền vốn bán vé số mấy bữa nay là xài gần hết rồi.”

Bà cho biết do thu nhập không nhiều, cộng với chồng bị bệnh, rồi đi bán thường xuyên ‘bị gạt lấy hết vé số’ nên bà ‘không có tiền dành dụm’.

Lúc túng quẫn, bà cho biết, có mượn tiền của Hội Phụ nữ để trang trải và trả góp hàng tuần. Hiện giờ bà đang vay 3 triệu đồng và mỗi tuần trả góp 100.000 đồng.

“Họ cho vay 10 triệu cũng được nhưng mình không có khả năng góp nên không dám vay nhiều. Mỗi tuần phải đóng 100 ngàn mà hai tuần tôi mới đóng người ta còn la,” bà nói.

“Bên đại lý vé số cũng dễ. Mình có thiếu người ta mấy trăm ngàn (tiền vốn), người ta cũng cho luôn,” bà nói thêm.

Mùa dịch bệnh bây giờ có đi bán vé số được ‘cũng sợ’, bà nói, vì ‘gần đây ở khu của tôi cũng có người bị cách ly’ nên đã tranh thủ mua khẩu trang từ sớm.

“Có nhiều khi đang đi bán có người đi ngang dừng xe lại họ kêu mình. Tôi tưởng đâu họ mua vé số ai dè họ dừng lại cho một hộp khẩu trang,” bà nói. “Bây giờ tôi không cần mua khẩu trang nữa.”

Khi được hỏi, nếu được cho đi bán vé số lại thì có sợ bệnh không, bà Thanh nói: “Cho đi bán thì đi. Sợ dịch bệnh thì đeo khẩu trang chứ ở nhà lấy gì ăn. Chết đói luôn.”

Bà nói những khi bà đi bán thì mặc dù kiếm được ít tiền nhưng ‘ngoài kia người ta thấy thì người này người kia giúp đỡ mình’. Do nhà bà trong hẻm khuất nên giờ bà nghỉ ở nhà, nhiều người ‘không biết đâu mà giúp’.

Tuy vậy, bà cho biết ‘thông cảm với quyết định cấm bán vé số của chính quyền’ vì ‘đó là chủ trương chung để giữ cuộc sống an bình’.

Điều bà mong nhất bây giờ là ‘phải làm sao cho hết dịch bệnh để tiếp tục đi bán kiếm sống’ và cho biết trước giờ bà chưa bao giờ nghỉ bán lâu như thế này. Những lúc ốm đau bà ‘chỉ nghỉ 1, 2 ngày’. “Nhiều khi đại lý nghỉ tôi còn lấy của đại lý khác đi bán nữa là,” bà nói.

‘Ngủ bụi đời’

Khốn khổ hơn bà Thanh, một người bán vé số khác là anh Trần Thanh Tiền, 40 tuổi, cũng bị tàn tật – chân đi cà nhắc, từ ngày không bán vé số nữa không có tiền nên bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà. Hiện giờ anh phải ngủ ngoài đường.

VOA liên lạc được với anh Tiền thông qua anh Trần Quý Minh, người anh kết nghĩa hiện đang cưu mang anh Tiền.

Anh Tiền cho biết lúc trước bán vé số mỗi ngày anh nộp cho chủ nhà 70.000 đồng để họ lo cơm nước và tối có chỗ ngủ. Kể từ ngày không còn đi bán, chủ nhà không cho anh ở nữa và ‘số tiền mấy triệu tiền vốn gửi chủ nhà, chủ nhà nói cũng hết rồi’, anh cho biết.

Hiện giờ người anh kết nghĩa tên Minh, vốn là tài xế xe buýt cũng nghỉ việc vì lệnh cách ly xã hội, vẫn đang chu cấp quần áo hay thỉnh thoảng mua cơm cho anh Tiền, cho anh chỗ ở, chỗ tắm rửa nhưng đến tối thì anh Tiền phải đi ra vì nhà anh Minh không đứng chủ hộ nên không có quyền, anh Minh nói với VOA.

“Bây giờ nó rất là khổ, đi lang thang, phải ngủ ở đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, bên hông chùa Giác Viên,” anh Minh nói.

Trao đổi với VOA qua điện thoại, anh Tiền cho biết giờ anh sống bằng số tiền những người hảo tâm đi ngang qua thấy cảnh ngộ của anh họ cho. “Mấy người chạy xe honda qua người ta cho 50 ngàn, người cho 100 ngàn vậy đó,” anh nói.

Ngoài ra, các hội từ thiện cũng đem cơm đến cho anh ăn, anh Tiền nói thêm, và người dân trong hẻm nơi anh ngủ ngoài đường ‘lâu lâu ra hỏi có ăn cơm gì chưa rồi xúc ra hộp cơm cho ăn’.

“Tánh nó kỳ lắm. Nó không đi xin ai hết,” anh Minh nói.

Anh Minh cũng nói rằng khi có người cho gạo, vì không có chỗ nấu nướng nên anh Tiền lại nhờ anh đem bán số gạo đó đưa tiền cho anh mua cơm.

Cũng theo lời anh Minh là do phải nghỉ bán trong mùa dịch nên anh Tiền mới được cho tiền như vậy. Đến khi đi bán lại được thì ‘người ta sẽ không cho nữa’.

Khi được hỏi anh Tiền có tìm công việc gì khác cho đỡ lúc ngặt nghèo hay không, anh Minh nói: “Nó tàn tận không ai mướn chỉ thích hợp nghề bán vé số thôi.”

“Nói chung vài ba bữa có một bữa đói,” anh nói thêm và cho biết khi đói thì anh Tiền sẽ gọi cho anh nhờ giúp đỡ.

Anh Minh nói anh có dẫn anh Tiền ra Ủy ban Phường xin số tiền hỗ trợ 750 ngàn nhưng không được vì ‘anh Tiền không có giấy tờ lận lưng gì hết’.

“Ra tới chính quyền phải có giấy tờ đàng hoàng mới được,” anh Minh nói. “Ăn được tiền của nhà nước là khó lắm.”

Mặc dù ngủ ngoài lề đường gần trụ sở công an nhưng anh Tiền nói anh ‘không bị công an làm khó dễ gì hết’.

“Lúc ngủ tôi có đeo khẩu trang đàng hoàng và tôi chỉ kiếm những chỗ vắng không có người lui tới để ngủ,” anh cho biết.

Anh nói điều mà anh lo nhất bây giờ là ‘cấm bán vé số đến hết tháng Tư’. Khi đó, anh ‘lấy gì mà ăn?’, anh than thở.

Anh Tiền nói thêm rằng anh chỉ ước ao ‘hết dịch đi bán vé số lại’ và ‘kiếm được một chỗ để chui ra chui vào’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG