Đường dẫn truy cập

Brussels tưởng niệm 1 năm ngày khủng bố tấn công


Lễ tưởng nhớ các nạn nhân bị tấn công khủng bố ở Brussels.
Lễ tưởng nhớ các nạn nhân bị tấn công khủng bố ở Brussels.

Nhiều buổi lễ đã được tổ chức hôm thứ Tư tại Brussels, thủ đô nước Bỉ để dánh dấu một năm ngày xảy ra các cuộc tấn công khủng bố đã giết chết 32 người. Các vụ đánh bom xảy ra tại đây chỉ 4 tháng sau các cuộc tấn công ở Paris. Từ London, Thông tín viên Henry Ridgwell của VOA tường thuật rằng các lễ tưởng niệm diễn ra trong bối cảnh một cuộc tranh luận gay gắt ở Châu Âu về những sự thiếu sót về an ninh đã cho phép những kẻ tấn công ra vào và đi lại tự do trong phạm vi khối Liên hiệp Âu châu.

Ngay tại tâm điểm của Châu Âu, trụ sở chính của Uỷ ban châu Âu, một phút mặc niệm đã được cử hành hôm thứ Tư để tưởng nhớ 32 nạn nhân đã bị sát hại trong các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào thành phố này cách đây một năm.

Nhưng giới chỉ trích nói rằng những thất bại về an ninh của Liên hiệp Âu châu (EU) đã cho phép những kẻ khủng bố thực hiện các cuộc tấn công. Ông Tony Smith, cựu Tổng Giám đốc của lực lượng biên phòng Anh, nhận định:

“Có những bài học đáng giá phải học, từ cả Brussels và Paris, và gần đây hơn, từ Berlin. Đó là khả năng của các cơ quan bảo vệ biên giới tại các nước đó tốt ra sao, và tất cả các cơ quan đó hợp tác với nhau như thế nào.”

Một phúc trình thực hiện vào tháng Ba và do đội đặc nhiệm an ninh của Uỷ ban châu Âu soạn thảo, được rò rỉ cho nhật báo Guardian của Anh, cảnh báo rằng các cơ quan an ninh không có khả năng thực hiện các cuộc kiểm tra cơ bản như tìm kiếm thông tin từ các ngân hàng dữ liệu liên quốc gia sử dụng các dữ kiện sinh trắc, chẳng hạn như dấu vân tay.

Kẻ chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố ở Paris năm 2015, Abdelhamid Abaaoud, là đối tượng của một trát bắt giữ quốc tế, thế mà y vẫn có thể du hành từ Bỉ sang Syria qua ngã Ai Cập hồi năm 2013 trước khi quay trở lại Châu Âu. Ông Tony Smith nói thêm:

“Cho nên khi muốn kiểm soát những người băng qua biên giới bên ngoài khối EU, một số người mang hộ chiếu của Châu Âu, các nhân viên kiểm soát an ninh tại biên giới không có những công cụ, thông tin và dữ liệu mà họ cần đến.”

Anis Amri, người đã lái xe tải xông vào một ngôi chợ Giáng sinh ở Berlin vào tháng 12 năm ngoái, giết chết 12 người, đã vào nước Đức từ Ý qua ngã Thuỵ sĩ, bất chấp y có tên trên một danh sách các nghi can khủng bố.

Cựu Giám Đốc Lực lượng Biên phòng Anh Tony Smith:

“Với quyền tự do đi lại bên trong khối Liên hiệp Âu châu, người ta dễ dàng di chuyển quanh các nước EU, mang theo vũ khí, và trong nhiều trường hợp, không có giấy tờ tuỳ thân. ”

Phúc trình bị rò rỉ của EU cho thấy các giới chức đang cứu xét việc siết chặt các hoạt động kiểm tra của cảnh sát bên trong khu vực không cần hộ chiếu theo thoả thuận Schengen. Nhưng đề xuất này đang bị chống đối chính rị. Dân biểu quốc hội Âu Châu người Thuỵ sĩ Malin Bjork có mặt tại phi trường Bruxelles khi những kẻ đánh bom ra tay cách đây một năm.

Ông nói:

“Hoạt động an ninh tại Châu Âu hình như đặt nặng trên các hoạt động theo dõi và được quân sự hoá. Tôi cho rằng các hoạt động đó thiếu hiệu quả, chỉ có tính cách nhất thời, không lâu dài chút nào.”

Nhiều nghi can ở Brussels và Paris sinh sống hoặc hoạt động trong quận Molenbeek của thành phố Brussels. Truyền thông Bỉ hôm thứ Hai tường thuật rằng cảnh sát đã phát hiện ra 51 tổ chức tại đó bị tình nghi có liên hệ với khủng bố.

Thị trưởng Molenbeek, bà Francoise Schepmans nói:

“Chúng tôi thấy không còn xảy ra các chuyến du hành sang Syria, và cũng ít có người đã ra đi trở về nước. Vấn đề tập trung vào những người đang ở đây trong thành phố này, và chúng tôi đang theo dõi họ.”

Các chuyên gia về an ninh nói các hệ thống bảo vệ biên giới hiện hữu đã thất bại trong việc đương đầu với mối đe doạ khủng bố phát triển từ ngay trong nước. Nhưng ở Châu Âu quyền tự do đi lại, vốn được coi là một trong các trụ cột của Liên hiệp Âu châu, vẫn được ủng hộ mạnh mẽ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG