Đường dẫn truy cập

Bóng đá Indonesia có thể bị FIFA phạt


Cổ động viên CLB Persis Solo biểu tình phản đối ban quản lý Câu lạc bộ tiếp theo sau cái chết của cầu thủ Paraguay Diego Mendieta
Cổ động viên CLB Persis Solo biểu tình phản đối ban quản lý Câu lạc bộ tiếp theo sau cái chết của cầu thủ Paraguay Diego Mendieta
Do không hòa giải được, hai hiệp hội bóng đá kình chống nhau của Indonesia đứng trước nguy cơ bị Liên đoàn Bóng đá Quốc tế, tức FIFA, đình chỉ hoạt động. FIFA vừa hoãn áp dụng lệnh cấm lại một thời gian ngắn, nhưng áp lực buộc Indonesia phải chấn chỉnh lại bóng đá của nước này vẫn còn rất lớn.

Hiệp hội Bóng đá Indonesia, gọi tắt là PSSI, và tổ chức tách ra khỏi hiệp hội này tên là Ủy ban Cứu nguy Bóng đá Indonesia, gọi tắt là KPSI, đã ký với nhau một biên bản ghi nhớ hồi tháng 6 vừa qua.

Theo tinh thần của thỏa thuận được FIFA giám sát này thì hai tổ chức bóng đá đấu đá nhau của Indonesia đồng ý sáp nhập thành một liên đoàn thống nhất.

FIFA cảnh cáo sẽ đình chỉ hoạt động bóng đá quốc tế của Indonesia nếu hai hiệp hội bóng đá này không hợp nhất được với nhau, và cho thời gian đến cuối tháng 12 để giải quyết những bất đồng.

Việc sáp nhập không diễn ra, nhưng FIFA vào chiều tối thứ Sáu tuần trước ra quyết định ngưng thi hành lệnh cấm, theo đề nghị của Liên đoàn Bóng đá châu Á, gọi tắt là AFC.

Cựu chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Indonesia, ông Nugraha Besoes, nói rằng lệnh cấm của FIFA sẽ gây ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Ông nói: "Chúng tôi vẫn có thể hoạt động bóng đá trong nước được, nhưng mục tiêu của nó là gì? Sẽ không có cầu thủ nước ngoài tham gia, không có nhà bảo trợ, không có truyền hình, như vậy thì bóng đá còn ra cái gì nữa? Về phần cầu thủ, họ sẽ không còn tinh thần đâu để đá bóng."

Tuy nhiên thời kỳ yên bình mà bóng đá Indonesia có được chỉ kéo dài vài tháng. Còn trong mấy chục năm qua, bóng đá nước này luôn bị những đấu đá xâu xé.

Hiệp hội Bóng đá Indonesia bị đa số dư luận xem là tham nhũng, thậm chí có lúc vị cựu chủ tịch của tổ chức này đã điều hành hiệp hội từ trong phòng giam của nhà tù.

Tình trạng người hâm mộ nhiệt tình quá mức, an ninh kém tại các trận đấu, các lãnh đạo đấu đá nhau và được giật dây bởi các nhà tài phiệt từ hậu trường là những thành phần chính góp vào mớ hỗn độn của nền bóng đá Indonesia lâu nay.

Tuần trước mớ hỗn độn đó chuyển sang một khúc ngoặc kịch tính, khi tiền đạo người Paraguay Diego Mendieta chết vì nhiễm virút tại một bệnh viện ở Java.

Mendieta được một đội bóng địa phương thuê. Cầu thủ người Paraguay này đã không có tiền thanh toán viện phí do 4 tháng liền không được trả lương.

Ông Vennard Hutabarat là cựu chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Indonesia. Ông nói rằng các câu lạc bộ bóng đá biển thủ tiền bạc, và trả lương cầu thủ trễ vài tháng là chuyện vẫn thường xảy.

Ông Hutabarat rút khỏi chứ vụ hồi năm ngoái sau khi phát hiện ra viên tổng thư ký trong hiệp hội mà ông làm chủ tịch đã lấy tên ông để ký những tấm ngân phiếu gian lận.

Ông cho biết ông cảm thấy cần phải phơi bày sự thật cho giới cầu thủ nước ngoài về bóng đá ở Indonesia. Ông Hutabarat nói: "Trước đó tôi đã gặp hai cầu thủ Nam Mỹ vừa từ nước họ đến Indonesia cùng vời các nhà quản lý của họ. Tôi đã trao đổi với họ và nói cho họ biết tất cả mọi thứ về Indonesia để khuyên họ phải hết sức thận trọng với bóng đá ở nước tôi. Tôi đã nói với tất cả các cầu thủ mà tôi từng gặp về thực trạng bóng đá của Indonesia. Các câu lạc bộ không có tiền, nhưng có rất nhiều con người tham nhũng, và mọi thứ tiêu cực ở trong đó."

Hình ảnh của Bộ Thể thao Indonesia cũng bị hoen ố nghiêm trọng.

Tuần trước bộ trưởng thể thao đã từ chức sau khi bị nêu tên có dính líu vào một vụ tai tiếng tham nhũng lên đến nhiều triệu đôla.

Ông Geoffrey Gold, Tổng Giám đốc Sports Dynamics Asia, nói tình trạng của bộ thể thao cũng phản ánh thực trạng bóng đá của nước này, nơi giới cầm quyền địa phương thao túng các nguồn ngân quỹ thay vì đầu tư vào phát triển cơ sở cho thể thao ở địa phương.

Ông Gold nói rốt cuộc việc xây dựng và phát triển bóng đá cho thế hệ trẻ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm trọng nhất từ nạn tham nhũng:

"Hãy nhìn vào thực tế của các cầu thủ trẻ Indonesia -- trước khi họ bước vào con đường cầu thủ chuyên nghiệp, họ chẳng được đào tạo bài bản gì từ nhỏ lên. Indonesia là nước đông dân thứ tư trên thế giới, và mọi người đều điên cuồng với môn thể thao vua này ở đây. Trước đây, mọi người đã từng trông mong một ngày nào đó Indonesia sẽ nổi lên thành Brazil của châu Á. Xin đừng quên là Brazil cũng tham nhũng, nhưng ở đó họ thực sự chú trọng chăm lo cho các cầu thủ trẻ."

Nhiều người có cùng suy nghĩ giống ông Gold rằng lệnh cấm hoạt động bóng đá quốc tế có thể tác dụng như một bài thuốc mà bác sĩ ra lệnh phải uống.

Ông Gold nói: "Theo tôi việc cấm Indonesia tham gia hoạt động bóng đá quốc tế là cần thiết, để cho nền bóng đá ở đây tỉnh ngộ và chấn chỉnh lại, để tạo lại một khoảng không gian cho bóng đá trẻ phát triển và lớn lên. Hy vọng rằng trong 8 năm nữa lớp cầu thủ trẻ sẽ trưởng thành và sẽ mang lại những thay đổi thực sự."

Tuần rồi chính phủ Indonesia loan báo sẽ thành lập một nhóm công tác để vận động FIFA bỏ lệnh cấm.

Ngay vào thời điểm này thì nỗ lực ngăn cản lệnh cấm này của Indonesia đã thành công.

Theo loan báo của FIFA cuối ngày thứ sáu tuần trước, Liên đoàn Bóng đá Châu Á có thời gian cho đến tháng 3 năm tới là phải đưa ra quyết định.
XS
SM
MD
LG