Đường dẫn truy cập

Bộ Kinh tế Đức khuyến nghị kiểm soát chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc


Thủ tướng Đức Olaf Scholtz được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 11 năm 2022
Thủ tướng Đức Olaf Scholtz được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 11 năm 2022

Bộ Kinh tế Đức khuyến nghị không sử dụng linh kiện từ các nhà cung cấp ở các nước chuyên chế trong cơ sở hạ tầng quan trọng của họ và áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các công ty làm ăn với Trung Quốc, một tài liệu chiến lược mà Reuters xem được cho thấy.

Riêng các công ty Đức tiếp xúc nhiều với Trung Quốc cần phải chia sẻ chi tiết về hoạt động làm ăn của họ với chính phủ và phải trải qua các cuộc kiểm tra thường xuyên, theo ‘Hướng dẫn nội bộ về Trung Quốc’ của bộ, được đánh dấu mật.

Giám đốc điều hành của các công ty bao gồm hãng hóa chất BASF, ngân hàng Deutsche Bank và tập đoàn công nghiệp Siemens đã phản đối các kế hoạch của chính phủ trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck hồi tháng 9, Reuters đưa tin, dẫn lời các nguồn tin. Các công ty này từ chối bình luận vào lúc đó. Bất kỳ kế hoạch mới nào cũng sẽ phải được các đảng khác trong liên minh cầm quyền của Đức phê chuẩn.

Giao thương ngày càng chặt chẽ ràng buộc nền kinh tế lớn nhất châu Á và châu Âu, với tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và nhu cầu về ô tô và máy móc của Đức đã thúc đẩy đà tăng trưởng của Đức trong hai thập kỷ qua. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại riêng lẻ lớn nhất của Đức vào năm 2016.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bị xem xét kỹ lưỡng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2, vốn dẫn đến việc hạn chế quan hệ năng lượng kéo dài một thập kỷ giữa Berlin với Moscow và khiến nhiều công ty từ bỏ các công việc làm ăn của họ ở Nga.

Tài liệu mà Reuters xem được, có tổng cộng 104 trang và đề ngày 24/11, dường như nêu rõ quan điểm mới nhất và có thể sẽ làm nền cho chiến lược rộng lớn hơn về Trung Quốc của chính phủ mà Đức dự định công bố vào năm tới.

Họ có thể mở rộng việc giám sát đối với các nhà cung cấp linh kiện công nghệ thông tin từ một số nước cho đến các công ty sản xuất linh kiện cho cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải, y tế hoặc cấp nước và thực phẩm.

Berlin cần cân nhắc kiểm tra các khoản đầu tư ra nước ngoài của Đức vào các công ty Trung Quốc nếu những công ty này hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh hoặc bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền, tài liệu cho biết. Viện trợ phát triển của Đức cho Trung Quốc nên được loại bỏ dần vào năm tới và sự ủng hộ chính trị của các quan chức cấp cao Đức dành cho các dự án ở Trung Quốc cần bị đặt dấu hỏi.

Đức không nhắm tới việc tách khỏi đối tác thương mại hàng đầu của mình là Trung Quốc, tài liệu cho biết. Thông tin này được cổng thông tin trực tuyến The Pioneer đưa tin trước tiên. Nhưng cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã cho thấy những rủi ro cao trong mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia chuyên chế đang muốn xây dựng trật tự thế giới khác.

“Tầm quan trọng của Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu cho nhiều ngành công nghiệp của Đức cũng như sự phụ thuộc nặng nề trong một số ... các ngành có thể khiến Đức dễ bị tống tiền và bị hạn chế năng lực chính trị để hành động”, tài liệu viết.

Sự phát triển của Trung Quốc được tài liệu này mô tả là rất có vấn đề và theo hướng thiên về cạnh tranh về hệ thống chứ không phải quan hệ đối tác. Điều này ‘đã được chứng tỏ ít nhất là bởi thái độ thân Nga của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine’.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG