Đường dẫn truy cập

Bộ Công an lại trì hoãn dự luật biểu tình vì lo ngại về ‘thù địch, phản động’


Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018

Bộ Công an Việt Nam mới đây cho hay dự luật biểu tình chưa thể được trình lên Quốc hội vì cần phải “nghiên cứu kỹ, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng”, theo tin của Thanh Niên và Dân Trí hôm 12/5.

Hai cơ quan báo chí này cho biết thông tin kể trên nằm trong câu trả lời của Bộ Công an dành cho một số cử tri tỉnh Bình Thuận, những người gửi đề nghị đến Quốc hội sau kỳ họp hồi tháng 11/2019, nói rằng Bộ Công an cần phải sớm trình dự luật biểu tình để Quốc hội ban hành.

Quốc hội Việt Nam lần đầu đề cập đến việc soạn thảo luật biểu tình vào năm 2011. Từ đó đến nay, dù nhiều lần đại biểu Quốc hội chất vấn chính phủ, chưa bao giờ một dự luật như vậy được trình ra Quốc hội.

Theo thông lệ làm luật ở Việt Nam, các dự luật do các bộ liên quan soạn, gửi lên chính phủ và sau đó chính phủ trình quốc hội xem xét, thông qua.

Các bản tin trong nước hôm 12/5 cho hay Bộ Công an nói dự luật biểu tình đã được soạn và xin ý kiến từ các bộ, ngành khác. Tuy nhiên, “vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc” về dự luật và các bên liên quan “chưa thống nhất cao” về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình..., tin tức dẫn lại lời của Bộ Công an cho hay.

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và trước đây là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sinh ra từ một cuộc biểu tình lật đổ chính quyền. Vì cái ảm ánh lật đổ đó ở trong đầu nhà cầm quyền cộng sản, cho nên họ rất sợ rằng trong cuộc đời cai trị của họ, họ sẽ lại bị chính cái hoạt động biểu tình sẽ dẫn đến lật đổ họ.
Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng


Trong câu trả lời gửi đến cử tri Bình Thuận, Bộ Công an nói dự luật biểu tình “có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, … nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá”.

Tỉnh Bình Thuận là nơi đã xảy ra một cuộc biểu tình lớn “phản đối dự luật đặc khu” và dẫn đến bạo loạn hồi tháng 6/2018, trong đó, nhiều tòa nhà chính quyền bị đốt phá với thiệt hại lên đến 12 tỉ đồng.

Đến cuối tháng 10 cùng năm, tòa án xử án tù đối với ít nhất 45 người vì “gây rối trật tự công cộng”.

Quyền biểu tình của công dân được quy định trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Mặc dù vậy, hàng chục năm qua, chưa bao giờ Việt Nam ban hành luật về biểu tình. Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng nói với VOA về lý do sâu xa:

“Bởi vì nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và trước đây là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sinh ra từ một cuộc biểu tình lật đổ chính quyền. Vì cái ảm ánh lật đổ đó ở trong đầu nhà cầm quyền cộng sản, cho nên họ rất sợ rằng trong cuộc đời cai trị của họ, họ sẽ lại bị chính cái hoạt động biểu tình sẽ dẫn đến lật đổ họ, nên họ sẽ tìm mọi cách để trì hoãn, để không ra luật biểu tình”.

Chủ tịch Trần Đại Quang nói với cử tri Tp.HCM hồi tháng 6/2018: "Cần có luật biểu tình"
Chủ tịch Trần Đại Quang nói với cử tri Tp.HCM hồi tháng 6/2018: "Cần có luật biểu tình"

Bình luận về mối lo ngại của Bộ Công an rằng luật biểu tình có thể bị “thế lực phản động, thù địch” lợi dụng để “chống phá”, ông Lê Trọng Hùng đưa ra quan điểm cá nhân là ở Việt Nam chỉ có hai thế lực đáng bị xem là “phản động, thù địch”, đó là giới quan chức tham nhũng ở trong nước, và Trung Quốc ở bên ngoài.

Những người dân là chủ nhân của đất nước và họ “không thể là thế lực thù địch được”, ông Hùng nói.

Tin tức trong nước hôm 12/5 trích lời Bộ Công an bày tỏ e ngại về tính hiệu quả khi thực thi riêng rẽ một luật về biểu tình, và cho rằng “cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như luật tình trạng khẩn cấp, luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...”

Với lập luận như vậy, Bộ Công an cùng Thủ tướng Chính phủ đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phép trì hoãn việc trình dự luật biểu tình và cũng không đặt ra thời hạn cụ thể nào sẽ trình dự luật.

Quốc hội phải chủ động soạn thảo ra dự luật biểu tình chứ chính phủ không có tư cách ra cái dự thảo luật đó. Bởi vì nếu chính phủ ra dự luật đó là chính phủ vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ông Lê Trọng Hùng


Báo chí trong nước nhận định rằng gần như chắc chắn là dự luật biểu tình sẽ tiếp tục “lỡ hẹn” với Quốc hội khóa này, sau nhiều lần lùi, hoãn trước đây.

Hồi tháng 11/2019, trong một cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói “không phải là Quốc hội không quan tâm đến luật biểu tình mà do chính phủ chưa trình sang”.

Ông Lê Trọng Hùng, người thường lên tiếng phản biện xã hội và cũng đang tìm cách tự ứng cử đại biểu Quốc hội, bình luận về phát biểu của ông Nguyễn Hạnh Phúc:

“Đấy là cách trả lời vô trách nhiệm và thiếu tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Quốc hội bản chất là cơ quan lập pháp, họ phải chủ động đứng ra lập ra các bộ luật để hiện thực hóa các điều trong Hiến pháp. Quốc hội phải chủ động soạn thảo ra dự luật biểu tình chứ chính phủ không có tư cách ra cái dự thảo luật đó. Bởi vì nếu chính phủ ra dự luật đó là chính phủ vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Tự đánh giá mình là một công dân “trưởng thành”, nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng tỏ ý lấy làm tiếc rằng đa số công dân Việt Nam không nhận thức được là họ có các quyền tự do nêu trong Hiến pháp, bao gồm quyền biểu tình, và không chủ động đấu tranh cho các quyền đó.

Thực trạng này dẫn đến việc ít người dân lên tiếng và không gây được áp lực buộc Quốc hội và chính quyền tôn trọng các quyền của người dân, cũng như ban hành các luật phù hợp, ông Hùng nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG