Đường dẫn truy cập

Chủ tịch nước nói về luật biểu tình cũng bị kiểm duyệt?


Chủ tịch Trần Đại Quang gặp cử tri ở thành phố HCM, tháng 6/2018
Chủ tịch Trần Đại Quang gặp cử tri ở thành phố HCM, tháng 6/2018

Báo chí Việt Nam sửa lại tít và xóa các câu chữ đề cập đến việc Chủ tịch Trần Đại Quang nói “cần luật biểu tình”, chỉ một thời gian ngắn sau khi bài được đăng.

Các bản tin gốc, được đăng trên các trang web chính thức của các báo sáng 19/6, cho hay ông Quang “đồng ý rằng cần luật biểu tình”, khi ông gặp gỡ các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh và nhận được kiến nghị của họ về sự cần thiết phải có luật này.

Chủ tịch nước nói thêm ông “sẽ báo cáo quốc hội về nội dung này”, theo nội dung ban đầu của các bài báo. Lời phát biểu của ông Quang đã được nhiều báo sử dụng làm tít bài. Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ tin này.

Trên thực tế, phần thông tin về Chủ tịch Quang đề cập đến luật biểu tình chỉ gồm khoảng ba chục chữ trong các bài báo dài từ 400 đến trên 600 chữ.

Nội dung chính của các bài báo nói về cuộc trao đổi ý kiến của ông Quang với cử tri xoay quanh các vấn đề gồm Luật an ninh mạng, Luật đặc khu; các cuộc “tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự”, chống tham nhũng hay các sai phạm đất đai ở Tp.HCM.

Thông thường theo tôi biết, lực lượng bên tuyên giáo [của đảng] hay can thiệp sang cái đó, sang báo chí.Cái này tôi không ngạc nhiên vì cái này nói đến biểu tình.
Nhà báo Võ Văn Tạo

Tuy nhiên, không lâu sau khi đăng tin, các báo đã thay đổi tít và xóa các câu nói về luật biểu tình. Một số người sử dụng mạng xã hội đã bình luận mang tính châm biếm về diễn biến này, với những từ ngữ hàm ý rằng đến các phát ngôn của chủ tịch nước mà cũng bị kiểm duyệt, xóa bỏ.

Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA rằng khó có thể biết rõ liệu ông Quang ‘tự kiểm duyệt’ hay có một người hoặc một tập thể ở cấp cao hơn đã kiểm duyệt.

Trong cơ cấu chính trị Việt Nam, Bộ Chính trị, với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đứng đầu, có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của đất nước, kể cả về nhân sự lãnh đạo đảng và nhà nước.

Ông Tạo nhận định về thế lực nào đã ra tay trong sự việc sửa tít, xóa lời Chủ tịch nước vừa xảy ra:

“Thông thường theo tôi biết, lực lượng bên tuyên giáo [của đảng] hay can thiệp sang cái đó, sang báo chí.Cái này tôi không ngạc nhiên vì cái này nói đến biểu tình. Ở một chế độ độc tài, việc biểu tình có thể coi đấy là một chuyện nhạy cảm”.

Nhà báo vẫn thường lên tiếng ủng hộ tiến bộ xã hội ở Việt Nam giải thích thêm rằng đất nước do đảng cộng sản duy nhất cầm quyền không muốn người dân thực hiện các cuộc biểu tình để bày tỏ ý kiến ngược lại với chính quyền.

Quốc hội Việt Nam lần đầu đề cập đến việc soạn thảo luật biểu tình vào năm 2011. Từ đó đến nay, dù nhiều lần đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ, chưa bao giờ một dự luật như vậy được giới thiệu và bàn thảo các điều khoản.

Trong thời gian hơn 7 năm qua, đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam, thậm chí đã trở thành những cuộc bạo loạn, khi người dân phản đối Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam năm 2014 hay chống lại hai dự luật đặc khu và an ninh mạng mới đây, đầu tháng 6/2018.

Nhà chức trách và báo chí Việt Nam thường tránh dùng từ “biểu tình” khi nói về các sự kiện này. Thay vào đó, họ gọi là “tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng”.

Sau những diễn biến như vậy, luôn nổi lên tiếng nói từ người dân và đại biểu quốc hội đòi hỏi phải có luật biểu tình.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đưa ra ý kiến với VOA:

“Cần có luật biểu tình để luật hóa cách thức tổ chức biểu tình, làm sao cho đảm bảo nguyện vọng người dân bày tỏ ý kiến, đồng thời cũng đảm bảo trật tự an ninh, tránh những trường hợp tự phát, có tính chất bạo động”.

... nếu giả sử không lấy ý kiến rộng rãi giống luật đặc khu, rất có thể nó sẽ không bảo đảm quyền bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình của nhân dân, mà có thể nó chặt chẽ đến mức nó hạn chế các quyền đó
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao

Lưu ý đến thực tế giới công an, quân đội chiếm số ghế đông đảo trong Bộ Chính trị sau đại hội đảng lần thứ 12, nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá rằng tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam không khả quan, và cũng ảnh hưởng tất yếu đến số phận của luật biểu tình. Ông dự báo:

“Giả sử như bị sức ép của đại biểu quốc hội, áp lực trong xã hội, có thể người ta cũng vẫn phải làm luật biểu tình. Nhưng tôi e rằng người ta sẽ ra luật biểu tình mà không thể biểu tình được, ví dụ như muốn biểu tình phải đăng kí trước 3 tháng, rồi thì số lượng không quá 20 người. Quyền trong tay họ, họ ban hành kiểu gì chả được. Đã như thế thì coi như chẳng có biểu tình nữa”.

Từ góc nhìn của người bám sát công tác làm luật ở Việt Nam, tiến sĩ Giao nói về các khả năng có thể xảy ra:

“Nếu luật biểu tình làm đúng theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015, và lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia, thì hy vọng nó sẽ tốt. Còn nếu giả sử không lấy ý kiến rộng rãi giống luật đặc khu, rất có thể nó sẽ không bảo đảm quyền bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình của nhân dân, mà có thể nó chặt chẽ đến mức nó hạn chế các quyền đó”.

Trong khi các báo rút lại nội dung cho hay Chủ tịch Trần Đại Quang nói “cần luật biểu tình”, các tin khác của họ cùng ngày 19/6 cho biết một đoàn đại biểu quốc hội khác cũng đã gặp cử tri ở Tp.HCM và nhắc đến luật biểu tình.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, người cũng là một luật sư, được báo chí trích lời khẳng định với cử tri: “Hiện nay chưa có dự luật biểu tình vì các kỳ họp vừa rồi bị ngưng lại. Bây giờ chúng tôi đề nghị đưa trở lại để làm trong nhiệm kỳ này”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG