Đường dẫn truy cập

Bệnh tật


Đầu tiên tôi có lời xin lỗi gửi đến các độc giả. Vì cũng gần hai tuần rồi mà tôi không có bài blog nào cho các bạn.

Nhưng tôi có một lý do chính đáng (tôi nghĩ là vậy). Vì trong 2 tuần qua tôi bận phải lo cho một người thân trong gia đình đang mắc bệnh nan y. Một ca có thể cho là khó ăn. Hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi chưa bao giờ phải vào nhà thương, gặp y tá, bác sĩ nhiều như lúc này. Cũng chưa bao giờ hiểu về cái thể tạng của con người nó có thể rắc rối đến độ nào cho đến lúc này. Khi bộ phận này liên quan đến bộ phận kia. Ruột xấu sẽ làm cho bọng đái xấu theo. Uống thuốc này vào, tuy tốt cho chổ này nhưng lại làm ảnh hưởng xấu ở chỗ khác. Cái khó là ở chỗ đó.

Đến bây giờ tôi mới biết tại sao người già thường bị stroke. Và họ cần phải làm gì để giảm bớt khả năng có thể bị lại một lần nữa trong vòng 6 tháng kể từ ngày bị lần đầu tiên. Đến bây giờ tôi cũng mới nhận thức được tầm quan trọng của tứ chi, ngũ tạng nó liên quan đến độ nào với sức khỏe tinh thần. Không kiểm soát được khả năng tự đi tiêu tiểu là cả một vấn đề. Nhưng tinh thần của bệnh nhân mới là điều quan trọng nhất. Người nào càng có ý chí cao, người ấy càng dễ chấp nhận thực tại để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Nhưng như câu nói mà chúng ta thường nghe: talk is cheap. Nói thì dễ. Thực hiện được hay không mới là vấn đề.

Thử tưởng tượng xem nếu mỗi ngày bạn phải uống độ chừng 25 viên thuốc để giảm đau, để làm lỏng máu, để điều trị vết thương, để giết bacteria, vân vân và vân vân thì tâm tính của bạn sẽ ra sao? Và tinh thần của bạn sẽ thay đổi đến độ nào? Nhất là khi bạn phải đối diện với một sự thật khá phũ phàng là bạn đã không còn khỏe như xưa, không thể tự lo cho mình như lúc còn trai trẻ.

Đấy là chưa nói đến những ca mổ lớn mà chất morphine hoặc gây mê được dùng có thể ở trong người bệnh nhân đến 5 hoặc 6 tháng sau ca mổ. Nó sẽ làm cho họ bớt minh mẫn, rất dễ quên. Nhưng lại hoàn toàn không... dễ chịu.

Thế mới có chuyện để bàn
.
Và đây cũng là điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là những ai đang hoặc sẽ phải chăm sóc, lo lắng cho người thân của mình.

Thứ nhất, cần phải xác nhận là tuyệt đại đa số bệnh nhân ai cũng sẽ như ai. Bệnh tình mỗi người có thể khác. Nhưng những sự chuyển đổi về tâm sinh lý hầu hết đều như nhau. Họ sẽ có những lo âu, buồn bực, ghét đó rồi thương đó, cần đó rồi lại bất cần, khi nói càn, lúc lại huyên thuyên mạch lạc... hầu hết các bệnh nhân đều phải trải qua những cảm xúc này. Người nào bị bệnh càng nặng, phải nằm ở nhà thương càng lâu, thì những sự biến chuyển ấy càng lớn. Đối với hầu hết mọi người, nó chỉ khác nhau ở mức độ, không phải bản chất.

Đấy là điều đầu tiên mà tôi học được từ các bác sĩ, y tá chuyên khoa liên quan đến những bệnh nhân bị stroke.

Thứ hai, ít nhất là ở những nước giàu có như Úc, Mỹ, việc điều trị và giúp đỡ bệnh nhân bằng các phương pháp y khoa tân tiến là chuyện đương nhiên và hoàn toàn có thể thực hiện được ngay lập tức nếu cần thiết.

Nhưng nếu chỉ từng ấy thôi chưa đủ. Đặc biệt là trong khoảng thời gian hậu giải phẩu. Vì điều mà các bệnh nhân ai cũng cần đó là sự giúp đỡ về tinh thần mà trong tiếng Anh chúng ta thường gọi là: mental support. Người nào nhận được nhiều sự giúp đỡ về tinh thần, người ấy sẽ có cơ hội bình phục mau hơn.

Nhưng nghiệt nỗi, không phải bệnh nhân nào cũng biết hay có thể nói rõ ra điều này. Và không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự giúp đỡ từ gia đình, bè bạn. Họ cũng có thể thay đổi ý kiến vào bất cứ lúc nào mà không cần có một lý do chính đáng nào cả.

Đã nói là thay đổi tâm sinh lý mà lị!!!

Vì vậy, đối với những người thân trong gia đình, việc cần thiết là nhận thức được điều này và lên một kế hoạch hành động cụ thể (care plan) cùng với những chuyên viên, y tá có kinh nghiệm săn sóc bệnh nhân. Đừng bao giờ hoang tưởng là bạn có thể tự mình lo được cho người thân. Những ai đang nằm trong nhà thương lỡ có đọc được bài blog này cũng xin đừng nghĩ là bạn hoàn toàn có thể tự lo cho mình. Hoặc những lúc bi quan lại nghĩ gia đình không ai thèm care cho bạn.

Trong hầu hết các trường hợp, thực tế thường nằm ở giữa hai thái cực đó.

Và đấy cũng là điều thứ ba mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay. Đó là khi cùng nhau đưa ra một “care plan” cho bệnh nhân, các chuyên viên và gia đình cần biết rõ điểm yếu (weakness) và điểm mạnh (strength) của người mà mình muốn giúp. Và quan trọng hơn hết là chúng ta cần mạnh dạn và thành thật để cùng bệnh nhân thảo luận một thời khóa biểu thích hợp cho tất cả mọi người.

Ai cũng có một cuộc sống riêng, kể cả bệnh nhân. Vì vậy, tất cả mọi người cần ngồi xuống với nhau một lần và đưa ra hai giải pháp cụ thể nhưng thực tế, một ngắn hạn một dài hạn, để từ đó bệnh nhân có thể thấy được họ sẽ nhận được sự giúp đỡ lúc nào khi cần thiết. Và khi nào họ có thể tự lo cho bản thân để sớm được hoàn toàn hồi phục từ tinh thần cho đến thể chất.

Right. Nhưng nói thì dễ. Talk is cheap. Để xem chính tôi đây có thực hiện được hay không. Sau đó hẳn bàn tiếp.

Thế đã nhé.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG