Đường dẫn truy cập

Bé Minh


Trịnh Hội, Bé Minh (trái) và chị của Minh là bé My (phải)
Trịnh Hội, Bé Minh (trái) và chị của Minh là bé My (phải)

Tôi biết Bé Minh từ lúc bé chỉ mới 4 tuổi. Cái tuổi mà lẽ ra bé không nên biết gì nhiều và cũng không thể biết gì nhiều. Vậy mà hôm nọ ngồi nói chuyện với Minh, Minh bảo là Minh vẫn còn nhớ hôm đó chú Hội cõng Minh trên vai để đi ra mộ. Vì đường đi ra mộ hôm đó xa lắm. Minh có thể nhớ chừng ấy.

Nhưng chú Hội thì còn nhớ nhiều hơn, rất nhiều Minh ạ. Vì hôm đó là lần đầu tiên tôi phải đi đám ma của một người Việt tỵ nạn ở Philippines – hay nói chính xác hơn là của một người con lai Mỹ - vừa thắt cổ tự tử 2 hôm trước để lại một vợ hai con không có được một mảnh giấy tùy thân. Người ấy tên Dũng. Nguyễn Trí Dũng. Cũng là ba ruột của Minh.

Tôi còn nhớ cách đó hai hôm vào khoảng 9, 10 giờ tối mẹ bé Minh là chị Quang từ đảo Dagupan ở xa gọi điện thoại về văn phòng tôi ở Manila vừa khóc vừa báo cho tôi biết là chồng chị vừa thắt cổ tự tử và chị không biết phải làm gì. Chị bảo chị muốn đợi tôi lên mới liệm và sang ngày hôm sau đem chôn. Lúc ấy tôi tự hỏi trong đầu tại sao lại phải cần đợi tôi lên? Tôi chỉ là một thằng luật sư láo con đang cố gắng xin chính phủ Mỹ mở lại hồ sơ của Dũng. Làm chưa đến đâu thì Dũng đã bỏ đi. Có lên tới nơi thì đã làm được gì?

Thế nhưng nể lời mọi người nhất là sư cô Diệu Thảo lúc ấy đang cho tôi tá túc ở tạm Phật Đường để mở văn phòng giúp người tỵ nạn, tôi đã cùng sư cô lên nhà chị Quang ngay ngày hôm sau để lo việc tẩm liệm cũng như chôn cất. Thật tâm mà nói lúc ấy tôi không nghĩ ngợi nhiều. Từ lúc còn làm việc tỵ nạn ở Hồng Kông tôi đã tận mắt chứng kiến, nghe thấy nhiều cảnh trái ngang. Người giết người. Nam Bắc tàn sát lẫn nhau đốt trại trong những ngày trước Tết vào năm 1991. Kẻ tự tử trước đám đông. Người trốn trại cùng đường phải nhảy xuống sông nhưng vì không biết bơi nên bị chết đuối. Tuy lúc ấy tôi chỉ mới 21 tuổi những tôi đã cảm nhận được rất rõ giá trị của hai chữ Tự Do. Vì như câu nói mà hầu như người tỵ nạn nào cũng biết: Freedom is never free.

Cũng vì thế nên thường tôi chỉ cần chú tâm vào công việc lo hồ sơ mỗi ngày của mình mà ít khi để cho tình cảm cá nhân bị giao động. Kể cả khi nghe tin thân chủ của mình mới gặp nhau đây mà nay đã tự tử.

Ngay cả đêm hôm tôi lên đến nhà chị Quang và được chị dẫn vào phòng tắm chỉ nơi Dũng thắt cổ, nhìn cái xác bất động, đôi gò má đã hóp vào của Dũng nay đang nằm giữa sàn nhà tôi cũng chỉ có thể thương cảm cho hoàn cảnh của chị Quang mà không nhỏ được một giọt nước mắt nào. Mặc dù như đã có lần thú nhận từ nhỏ ở nhà ai cũng biết tôi là một thằng cực kỳ mít ướt.

Có lẽ một phần vì tôi đã hơi bị chai. Phần khác vì tôi không thích những người bỏ cuộc. Thân thể này, cuộc sống này không phải của riêng mình. Mà nó còn liên quan đến rất nhiều người khác: vợ con, anh em, cha mẹ. Chết là hết. Nhưng trách nhiệm, những tình cảm duyên nợ gắn bó để lại cho ai?

Hôm ấy tôi suy nghĩ về điều này rất nhiều nhưng vì đây là một vấn đề tế nhị nên không tiện nói ra. Vì thế đêm hôm ấy tôi chỉ mong sao trời mau sáng để công việc kinh kệ, chôn cất sớm được hoàn tất và tôi có thể quay trở về Manila ngay sau đó.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Sáng hôm sau lúc ra mộ tôi đã thấy không ổn. Là một Phật tử mồ côi cha mẹ và sống ở chùa từ nhỏ, chị Quang đã cho bé Minh và chị của Minh là bé My lúc ấy vừa lên 5 để tang và làm đúng theo các nghi thức chôn cất của Phật Giáo.

Đó là trước lúc hạ huyệt, chị Quang cho bé My cầm bức ảnh của Dũng quỳ gối nghe cầu kinh. Riêng bé Minh, vì là con trai, được mẹ cho cầm lư hương nghi ngút khói nhang cũng đang cúi đầu cùng mẹ khấn lạy.

Nhưng chỉ được một ít lâu thì bé Minh đòi sữa. Thế là với bình lư hương nay được đặt trước mộ, một tay cầm bình sữa tự nút, một tay vái lạy tiễn biệt ba mình, trong tiếng khóc ngất của chị Quang, tai nghe tiếng gõ mõ, tụng kinh của sư cô Diệu Thảo. Nhìn cảnh hai bé đang trơ mắt nhìn mọi người không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bỗng nhiên tôi hoàn toàn mất tự chủ và bật khóc như thể chưa bao giờ được khóc.

Nhìn lại, nhớ về khoảnh khắc cô đọng ấy, tôi nghĩ tôi khóc không phải vì tôi tiếc thương cho một đời làm người tỵ nạn vô phước của Dũng. Tôi khóc cũng không phải vì tôi chỉ biết tiếc thương cho hoàn cảnh của chị Quang. Mà phần lớn nó là vì hình ảnh ngây thơ chưa biết gì của hai bé. Đặc biệt là bé Minh tay đang cầm bình sữa ngồi trước mộ phần.

Dũng chết, hồ sơ cả gia đình coi như cũng đã chết theo. Ba mẹ con chị Quang không còn một hy vọng nào để được đi định cư làm lại cuộc đời.

Nhưng lúc ấy điều mà tôi lo hơn cả là làm sao một mình chị Quang có thể nuôi nổi hai đứa trong hoàn cảnh không nhà, không cửa, không một tấm giấy tùy thân. Với thân phận làm người tỵ nạn vô tổ quốc, tự nuôi mình tôi đã thấy khó, huống hồ gì phải nuôi thêm hai đứa con dưới 5 tuổi.

Thế là tôi quyết định nhận bé Minh làm con nuôi. Và đem bé Minh về văn phòng sống với tôi ở Manila. Lúc ấy tôi vừa tròn 28 tuổi. Còn bé Minh thì, như đã nói, chỉ vừa lên bốn. (Còn tiếp)

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG