Đường dẫn truy cập

Bầu cử


Ðây là lần đầu tiên người dân Haiti được đi bầu sau gần 2 thế kỷ loạn lạc
Ðây là lần đầu tiên người dân Haiti được đi bầu sau gần 2 thế kỷ loạn lạc

Chủ nhật tuần trước cả nước Haiti đi bầu cử. Cũng vì đây là lần đầu tiên người dân Haiti được đi bầu sau gần 2 thế kỷ loạn lạc nên đi đâu tôi cũng nghe, thấy và đọc được tin tức về vấn đề này. Từ những tấm flyers quảng cáo của các ứng cử viên được treo nhan nhản khắp nơi cho đến những chương trình phỏng vấn bằng tiếng địa phương (Creole) trên radio mà tôi chỉ hiểu sau khi nghe anh tài xế dịch lại!

Trước ngày bầu cử không ít thì nhiều ai cũng có phần lo âu cho vận mệnh của Haiti một khi kết quả được thông báo. Vì ai cũng biết là trong suốt quá trình tranh cử chính phủ đương thời đã có nhiều hành động bị xem là không công bằng và kém minh bạch. Nếu không muốn nói thẳng ra là cố tình gian lận ở ngay phòng bầu phiếu bằng cách cho in hàng chục ngàn phiếu bầu giả cho ứng cử viên đại diện đảng mình ngay trong đêm trước ngày bầu cử và bị các chuyên viên Liên Hiệp Quốc phát hiện!

Thế mới thấy chỉ thực thi quyền bầu cử cho mỗi người dân thôi chưa đủ. Mà nó còn đòi hỏi cả một quá trình, hệ thống bầu cử công bằng, không thiên vị và được đánh giá bởi cộng đồng quốc tế sau một thời gian dài thực hiện, hỗ trợ cũng như giám sát.

Nếu không, chắc chắn sẽ có xung đột. Nhẹ thì máu sẽ đổ. Nặng thì mạng sẽ mất. Như trong suốt tuần nay ngày nào cũng có những cuộc biểu tình lớn nhỏ ở khắp mọi nơi kể cả ở thủ đô Port-au-Prince nơi Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc đặt bản doanh và chính họ cũng bị chống đối vì bị cho là đã không làm tròn nhiệm vụ, thờ ơ trước sự gian lận quá lộ liễu của chính phủ.

Đôi khi nghĩ lại tôi thấy cũng tội cho cơ quan Liên Hiệp Quốc. Không tham gia thì bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm, dửng dưng với đất nước và người dân của những quốc gia rất cần được giúp đở. Nhưng một khi quyết định tham gia rồi thì lại bị cho là quá bất lực, không đủ “mạnh miệng” để lên án chính phủ.

Nhưng mạnh miệng sao được khi chính phủ đương thời hoàn toàn có thể trục xuất bất kỳ tổ chức nào dám lên tiếng phản bác, “xâm phạm chủ quyền quốc gia”? Ai dám mạnh miệng khi nguyên tắc căn bản trên phương diện ngoại giao giữa các nước là “đèn nhà ai nấy sang”?

Bởi vậy chỉ một khi chính người dân của nước sở tại lên tiếng tranh đấu đòi quyền được đi bầu thì các chính phủ khác mới sẳn sàng lên tiếng ủng hộ. Như mấy hôm nay ngày nào tôi cũng gặp các chuyên viên bầu cử (election officials) của Cộng đồng châu Âu EU và Liên Hiệp Quốc chạy ngược chạy xuôi theo dõi quá trình bầu cử khắp nơi trong thành phố.

Thế vậy mà đêm hôm nọ nhân lúc ngồi ăn tối với đám bạn và một anh người Pháp đang làm việc trong nhóm giám sát của EU, khi tôi hỏi anh nghĩ thế nào về cuộc bầu cử đầu tiên của Haiti lần này, anh đã trả lời thẳng thừng: “It’s a joke!”

Đây chỉ là một trò hề.

Thiệt nghe mà thấy nản.

Nản vì tôi nghĩ chắc cũng còn lâu tất cả mọi người dân Việt Nam mới thật sự được làm chủ vận mệnh của đất nước như ở các nước Anh, Úc, Mỹ.
Vì ngay cả khi Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý từ bỏ quyền lãnh đạo độc tôn của họ thì cũng chưa chắc họ sẽ tôn trọng những nguyên tắc căn bản trong quá trình bầu cử.

Và ngay cả khi chính phủ đương thời tôn trọng những nguyên tắc căn bản trong quá trình bầu cử thì cũng chưa chắc kết quả của cuộc bầu cử sẽ như mình mong muốn. Vì tôi nhận thấy ngay cả ở những nước đang phát triển như Thái Lan, Indonesia, Philippines, phần lớn sau những cuộc bầu cử phổ thông, quyền lực cuối cùng cũng chỉ tập trung ở một số gia đình có thế lực, giàu có và nổi tiếng từ trước đến nay. Họa hoằn lắm mới có mặt của những nhà dân chủ thật sự trong quốc hội.

Bởi vậy, đối với hoàn cảnh hiện tại của đất nước, tôi nghĩ chỉ cần Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép báo chí được tự do thông tin, đừng bắt bỏ tù những người bất đồng chính kiến là tôi đủ vui rồi! Đừng nói đến việc bầu với cử như ở xứ Haiti.

Mặc dù chúng ta biết có ít nhất một người nghĩ nó là…a joke!

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG