Đường dẫn truy cập

Bị Mỹ đánh thuế thép, Việt Nam ‘cần thận trọng’


Thép cuộn tại một nhà máy thép ở tiểu bang Ohio, Mỹ
Thép cuộn tại một nhà máy thép ở tiểu bang Ohio, Mỹ

Việt Nam nên ý thức được rằng họ sẽ là bên chịu thiệt thòi nhiều nhất nếu để bị các nước khác lợi dụng để có hành vi gian lận thương mại với Mỹ, một nhà phân tích kinh tế nói với VOA sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo mức tiền phạt lên đến hơn 456% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo thông cáo được phát đi vào ngày 16/12, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ chỉ thị cho cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thu tiền ký quỹ (cash deposit) chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu được sản xuất ở Việt Nam có sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Bộ Thương mại Mỹ nói họ đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội sản xuất ở Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan để né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ đối với thép nhập khẩu từ hai quốc gia này.

Các sản phẩm thép này được sản xuất chủ yếu ở các quốc gia vừa kể rồi sau đó được đưa sang Việt Nam chỉ để gia công lại rồi xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, hàm lượng sản xuất ở Việt Nam trong sản phẩm cuối cùng không là bao, cũng theo Bộ Thương mại Mỹ.

Việt Nam đồng lõa?

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, hiện giảng dạy cao học về quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng trong hồ sơ thép này ‘Việt Nam có đồng lõa’ để xuất thép gian lận sang Mỹ.

“Việt Nam biết rằng những sản phẩm thép đó đem qua Việt Nam được chế biến rất ít,” ông giải thích. “Họ biết rõ ràng là không thể nào xuất cảng dưới danh nghĩa ‘made in Vietnam’.”

Ông đề nghị rằng chính phủ Việt Nam nên tham khảo chặt chẽ những quy định của Bộ Thương mại Mỹ để xem hàm lượng sản phẩm sản xuất tại chỗ là bao nhiêu mới được xem là ‘made in Vietnam’ (tức là sản xuất tại Việt Nam).

“Để được định nghĩa là ‘made in Vietnam’ thì phải hầu hết hoặc phần chính phải làm ở Việt Nam, trong khi đó những loại thép này khi vào Việt Nam thì gần như trên 80, 90% đã xong rồi chỉ cần chế biến tí xíu nữa thôi,” ông nói.

Khi được hỏi hàm lượng sản xuất nội địa là bao nhiêu thì mới được coi là sản xuất từ quốc gia đó, ông Lộc cho biết con số chung chung theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ là ‘trên 60%’. Tuy nhiên còn tùy mặt hàng mà còn có sự linh động. Chẳng hạn như đối với chiếc quạt máy, phần motor là bộ phận chính nếu không được sản xuất nội địa thì không thể được gọi là ‘made in quốc gia đó’, ông nói.

Mặc dù Việt Nam chỉ hưởng được phần nhỏ giá trị trong những sản phẩm thép này xuất sang Mỹ (Đài Loan, Hàn Quốc là những nước được hưởng lợi nhiều nhất vì họ chiếm đến 80, 90% hàm lượng sản xuất) nhưng mức tiền phạt 456,2% này là ‘Việt Nam phải chịu hoàn toàn’, ông nói. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan sau này cũng sẽ gặp khó khăn khi chuyển mặt hàng thép sang Mỹ.

“Ai là người bán cuối cùng thì phải chịu trách nhiệm,” ông nói.

Ông Lộc cũng nhắc lại lời tố cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi 6 tháng trước đây rằng ‘Việt Nam là nước lạm dụng thương mại tồi tệ, còn tệ hơn cả Trung Quốc’ để cảnh báo rằng ‘Việt Nam cần nâng cao cảnh giác’ vì ‘nếu không khéo sẽ bị Mỹ lôi vô vòng thuế quan (tức bị đánh thuế hàng xuất khẩu)’.

“Trong bối cảnh hưu chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc thì có thể không căng thẳng như lúc trước nhưng Việt Nam vẫn cần cẩn trọng,” ông nói “Phải biết rằng gian lận không có lợi. Nước mình phải trả giá rất lớn trong khi những kẻ hưởng lợi là những nước xuất cảng vào Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc.”

Về khả năng mức phạt này có làm ngưng luôn xuất khẩu thép của Hàn Quốc và Đài Loan sang Mỹ qua ngõ Việt Nam hay không, ông Lộc cho rằng điều đó ‘sẽ không xảy ra’ mà các nhà xuất khẩu sẽ bắt buộc phải gánh chịu tiền phạt này.

“Mỹ vẫn còn nhu cầu nhập cảng thép từ Hàn Quốc vì nước này sản xuất thép rất nhiều và là một trong năm quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới,” ông nói và cho biết nếu dừng luôn không xuất khẩu nữa thì các nhà máy của họ ‘sẽ bỏ không không biết làm gì’.

Thép rất quan trọng với Mỹ

Theo ông Lộc thì biện pháp này của Bộ Thương mại Mỹ là kết quả của sự vận động của các công ty thép của Mỹ ‘liên kết với nhau để thưa lên Bộ Thương mại’.

“Họ cáo buộc rằng trong vòng hai năm qua, những hãng Đài Loan, Hàn Quốc đã xuất cảng thép được trợ cấp hoặc bán phá giá vào Mỹ một cách vô độ,” ông nói.

Diễn giải về số tiền ký quỹ 456,2% đối với các sản phẩm thép từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ, ông Lộc nói đó là kết quả của việc tính toán mức thất thoát thuế quan của Mỹ trong mấy năm liên tiếp cộng lại. Do đó, trước khi xuất khẩu thép sang Mỹ, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải trả trước một số tiền và số tiền này được xem ‘là để thu lại số tiền đã bị trốn thuế trong hơn hai năm qua’.

Ông cho rằng con số 456,2% là ‘đã được tính toán kỹ, có tính đến ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mỹ bị bất lợi vì không bán được’.

Theo lời Giáo sư Lộc giải thích, kỹ nghệ thép là một ngành ‘rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ’ nên Mỹ phải tìm mọi cách để bảo vệ.

Trung bình mỗi năm ngành thép đóng góp vào nền kinh tế 143 tỷ đô la, tạo ra 900.000 công ăn việc làm, ông Lộc cho biết. Nhưng nếu tính đến ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành khác trong nền kinh tế thì con số đó phải nhân lên gấp năm lần (tức 143 tỷ x 5), Tiến sĩ Lộc nói.

Mặc dù trong nước sản xuất thép nhiều như vậy nhưng vẫn không đủ nhu cầu của Mỹ và nước này ‘mỗi năm nhập khoảng 16 triệu tấn thép từ mấy chục quốc gia’, cũng theo lời ông Lộc, người từng làm việc với nhiều khách hàng là những công ty sản xuất thép lớn của Mỹ.

Điều này đã khiến Mỹ trở thành ‘nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới’, ông nói thêm.

Các hãng thép của Mỹ trước sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập ‘cần chính quyền ra luật để bảo vệ họ trước tình trạng bán phá giá’.

Ông cho rằng sở dĩ thép Mỹ không thể cạnh trạnh nổi với thép nhập từ các nước khác là bởi vì chi phí sản xuất quá cao – do chi phí xử lý phát thải cao (các nhà máy thép xả khí CO2 ra ngoài môi trường rất nhiều) cộng thêm chi phí lao động, nhiên liệu đều rất đắt đỏ.

Ông Lộc đưa ra ví dụ các nhà máy thép của hãng Nucor Steel có chi phí xây dựng lên đến 1,3 tỷ đô la mỗi nhà máy. Trong khi đó thép nhập vào Mỹ thường được trợ giá từ các quốc gia nhập khẩu nên bán giá rẻ ở Mỹ.

“Các hãng thép ngoại quốc khi xâm nhập thị trường Mỹ, họ bán phá giá là để cho các hãng thép của Mỹ sập tiệm trước đã. Một khi đã sập tiệm rồi thị họ mới bắt đầu tăng giá,” ông phân tích và cho đây là ‘chiêu chiếm lĩnh thị trường’.

Do đó, ông cho rằng giá thép nhập khẩu vào Mỹ thấp là ‘lý do nhân tạo’ vì được bán ‘dưới giá thành’. Do đó mà Mỹ áp thuế chống phá giá đối với thép của Hàn Quốc và Đài Loan.

Khi được hỏi nếu như cạnh tranh không được với thép ngoại nhập thì tại sao Mỹ không từ bỏ luôn ngành thép chỉ để tập trung vào nhập khẩu thôi, ông Lộc nói: “Ngành thép có ảnh hưởng dây chuyền đến nền kinh tế Mỹ với quy mô ảnh hưởng lên tới 600 tỷ đô la nên không thể từ bỏ được.”

Mặt khác, ông cho biết, thép ngoại nhập ‘không tốt bằng thép Mỹ’.

Hơn nữa, các nhà máy thép đắt đỏ ‘một khi đã đóng cửa rồi thì coi như vứt luôn vì nó sẽ bị gỉ sét không thể mở cửa hoạt động trở lại’.

“Nếu sau này muốn khôi phục lại thì phải mở nhà máy thép mới, chi phí cũng phải từ trên 500 triệu cho đến cả tỷ đô là và phải mất nhiều năm xây dựng,” ông nói thêm.

Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, lượng thép chống ăn mòn từ Việt Nam đưa sang Mỹ tăng 4.353%, từ 23 triệu USD lên 1.100 tỷ USD, trong khi lượng thép cán nguội từ Việt Nam nhập vào Mỹ cũng tăng mạnh, với mức tăng 922%, từ 49 triệu USD lên 498 triệu USD. Các mức tăng này xảy ra trong khoảng thời gian từ 2012 đến năm nay.

Trước đây Mỹ từng ra phán quyết áp thuế tương tự đối với thép từ Việt Nam được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phán quyết sơ bộ được đưa ra vào tháng 12 năm 2017 và chung cuộc vào tháng 5 năm 2018.

Bộ Thương mại Mỹ khi đó thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam sử dụng thép chất nền xuất xứ từ Trung Quốc. Thép chống rỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.

Việt Nam chưa có phản hồi chính thức về thông cáo mới ban hành của Bộ Thương mại Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG