Đường dẫn truy cập

AU xem xét tầm cỡ, thành phần của lực lượng túc trực


Binh sĩ Kenya canh gác tại một hội nghị của Liên hiệp Châu Phi tại Nairobi.
Binh sĩ Kenya canh gác tại một hội nghị của Liên hiệp Châu Phi tại Nairobi.

Ban Hòa bình và An ninh của Liên hiệp Phi Châu đang họp tại Zimbabwe trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm thành lập Lực lượng Túc trực Phi Châu. Lực lượng này sẽ nắm giữ một vai trò có thể gọi là duy trì hòa bình nhằm ứng phó với những tình hình khẩn cấp chính trị trên khắp lục địa để duy trì ổn định. Từ thủ đô Hahare của Zimbabwe, thông tín viên Sebastian Mohfu của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Đại tướng Samalia Iliya đang lãnh đạo một kế hoạch nhằm thành lập Lực lượng Túc trực Phi Châu, gọi tắt là ASF, trước thời hạn nhắm tới là tháng tư năm 2015.

Vị tướng của quân đội Nigeria này cho biết ý tưởng về một lực lượng túc trực đã được nêu lên lần đầu vào năm 1963 tại các cuộc họp để thành lập Tổ chức Liên hiệp Phi Châu, tiền thân của Liên hiệp Phi Châu.

"Chúng ta nên có một lực lượng như vậy và nên có khả năng huy động lực lượng đó để thăng tiến cho hòa bình và an ninh. Nói tóm lại thì đó là một cơ chế, một kiến trúc của chính người dân ở Phi Châu, trong trường hợp có một vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh, chúng ta có thể sử dụng tới năng lực đó."

Tướng Ilya hôm thứ hai vừa qua cho biết các cuộc thảo luận kéo dài hai tuần ở Harare là một phần của “Kế hoạch Amani”. Trong tiếng Swahili, amani có nghĩa là hòa bình.

Tham dự các cuộc thảo luận này là những nhân vật lãnh đạo quân đội và lực lượng cảnh sát trên khắp Phi Châu, những người sẽ nắm giữ những vai trò trong ASF. Trong số các vấn đề được xem xét là qui mô của lực lượng này.

Sau khi được thành lập, ASF sẽ bao gồm những hiệp định túc trực dựa trên 5 tiểu vùng của lục địa châu Phi. Các lực lượng quân đội, cảnh sát và một số nhân viên dân sự sẽ túc trực và sẵn sàng cho sự điều động nhanh chóng.

Ủy ban Liên hiệp Phi Châu sẽ điều động các đơn vị của ASF tới những nơi xảy ra đảo chánh hay khi một chính phủ được bầu lên một cách hợp pháp không đủ khả năng để ứng phó với những biến cố như một vụ rối loạn ở trong nước hoặc một vụ tấn công của nước ngoài.

Vào lúc này, các lực lượng của Liên hiệp Phi Châu, như phái bộ AMISOM ở Somalia, phải tùy thuộc vào sự góp quân tự nguyện của các nước hội viên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG