Đường dẫn truy cập

ASEAN qua ‘lăng kính’ Shangri-La lần thứ 19


Phái đoàn Trung Quốc, do Bộ Trưởng Ngụy Phượng Hòa dẫn đầu, chuẩn bị cuộc gặp song phương bên lề Shangri-La với đồng nhiệm Mỹ, Lloyd Austin, 10 tháng Sáu.
Phái đoàn Trung Quốc, do Bộ Trưởng Ngụy Phượng Hòa dẫn đầu, chuẩn bị cuộc gặp song phương bên lề Shangri-La với đồng nhiệm Mỹ, Lloyd Austin, 10 tháng Sáu.

Các vấn đề của ASEAN tuy không phải là chủ đề nổi bật nhất của Hội nghị, nhưng vị thế và vai trò của ASEAN đã xuất hiện hầu hết trong các chủ đề cốt lõi tại Đối thoại Shangri-La năm 2022 này.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 (SLD-19), một loại Thượng đỉnh An ninh châu Á, đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại khách sạn Shangri-La của Singapore từ 10 đến 12/6. Các vấn đề của ASEAN tuy không phải là chủ đề nổi bật nhất của Hội nghị, nhưng vị thế và vai trò của ASEAN đã xuất hiện hầu hết trong các chủ đề cốt lõi tại Đối thoại Shangri-La năm 2022 này.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La (SLD-19), diễn đàn năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất so với nhiều năm trở lại đây. Khoảng 500 đại biểu là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng – an ninh, ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu... trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự diễn đàn. SLD-19 được tổ chức trong bối cảnh tình hình quốc tế và tình hình liên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có nhiều biến động khó lường. Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn diễn biến phức tạp. Cuộc xâm lăng tại Ukraine đang tiếp diễn, tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường an ninh của khu vực, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng và an ninh.

Trong bối cảnh nói trên, chương trình nghị sự của SLD-19 đã tập trung vào các chủ đề nổi bật được thảo luận như: kiểm soát cạnh tranh địa-chính trị trong một khu vực đa cực, phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới, hiện đại hóa quân sự và các thực lực quốc phòng, thách thức chung đối với quốc phòng của Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu Âu, những ý tưởng mới nhằm bảo đảm ổn định liên khu vực...

Các đánh giá trái ngược nhau

Dư âm của SLD-19 vẫn còn sôi động. Liên quan đến vị thế và vai trò của ASEAN, hiện tại có thể cảm nhận được hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng thứ nhất, hết sức tự tin cho rằng, qua Đối thoại, dường như ASEAN có thể góp phần định hình cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ tại Đông Nam Á. Luồng ý kiến thứ hai, dĩ nhiên, bi quan hơn, đánh giá rằng, sự thống nhất của ASEAN đang bị hủy hoại bởi chính sự tranh giành vị trí thống trị trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở đây thật khó rút ra được kết luận nhất nguyên giữa hai luồng dư luận này. Bởi vì, mỗi luồng đánh giá đều có cơ sở khách quan của nó. Hơn nữa, từ lâu, các học giả đã nhận định rằng, Biển Đông hiện như một chảo dầu sôi.

Trong khi đó, quan điểm chính thống của Trung Quốc là tình hình Biển Đông vẫn yên tĩnh. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội đang có mối quan hệ rất tốt đẹp và khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ xâm chiếm lãnh thổ nước nào. Khi phóng viên nhắc lại lịch sử Trung Quốc từng nhiều lần xâm lược Việt Nam và đặt ra câu hỏi, liệu điều ông Ngụy vừa khẳng định có phải là “lời hứa của Trung Quốc sẽ không xâm lấn lãnh thổ nước khác trong tương lai hay không”, thì ông ta trả lời: “Tôi là người anh tốt và người bạn tốt với Bộ trưởng của Việt Nam. Liên quan những gì xảy ra trong quá khứ, tôi nghĩ bạn cần đọc về lịch sử”.

Dư luận cho rằng, cách trả lời như trên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là xảo ngôn và không tôn trọng người đồng nhiệm Việt Nam. Trên thực tế, ngay đến báo chí ở Việt Nam cũng đã “được phép” loan tải: “Với yêu sách phi lý chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng, Trung Quốc liên tục đưa máy bay và các tàu vào sát bờ biển của các nước liên quan, trong khi ngăn cản máy bay tuần tra của các nước trong không phận quốc tế theo cách nguy hiểm”.

Ngay tại SLD, Trung Quốc đã tung ra cái gọi là “Sáng kiến An ninh toàn cầu” (GSI) mà họ cho Tân Hoa Xã quảng bá rằng, sẽ “mang tới hướng dẫn mới để xây dựng hòa bình”. Sáng kiến này được Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đưa ra ở SLD: “Thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng hiếm thấy trong lịch sử. Con đường phía trước là duy trì và thực hành chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại”. Nếu có quốc gia nào “bùi tai” trước sáng kiến này của Trung Quốc, thì dĩ nhiên là phải nghĩ ngay lòng tin. Tuy nhiên, trên thế giới ngày nay, có ai tin Trung Quốc?

Ngay trước thềm SLD, cuối tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị đã chủ trì Hội nghị đề xuất hợp tác kinh tế và an ninh đa phương với các đảo Nam Thái Bình Dương ở Suva, Fiji. Trước diễn biến mới này, khả năng định hình các mối quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc trong khu vực sẽ gặp khó khăn hơn. Rõ ràng cạnh tranh các nước lớn đang kiềm chế các tham vọng của ASEAN. Washington đã tái khẳng định cam kết của mình với mối “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Mỹ” (CSP) thực chất và cùng có lợi. Tuy nhiên, bất chấp tính biểu tượng chính trị cao, những khác biệt về mặt cấu trúc và quy phạm vẫn tiếp tục hạn chế quan hệ Mỹ – ASEAN.

Trong bối cảnh trên, phải chăng đã đến lúc ASEAN cần có một hình thức bày tỏ lập trường của trước những vấn đề sát sườn, liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ của ASEAN? Bên cạnh các mục tiêu phát triển về kinh tế, ASEAN còn là một tổ chức chính trị quan trọng tại khu vực với tham vọng giữ gìn nền hoà bình và an ninh Đông Nam Á. Tuy nhiên, với vai trò này, ASEAN đang hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt khi đề cập đến các vấn đề nổi bật tại khu vực như tranh chấp Biển Đông và cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar. Ngoài ra ASEAN hiện đang chia rẽ về lập trường đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Các chỉ trích tập trung vào việc ASEAN trở nên thụ động, không đưa ra được các hành động hay biện pháp góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề nói trên. Đối với ASEAN, việc giữ vững lập trường giữa hòa bình và sức mạnh chưa bao giờ quan trọng hơn, nhưng cũng chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.

ASEAN: Trách nhiệm và nghĩa vụ

Khá bất ngờ tại PLD năm nay, không phải là Việt Nam hay Philippines đưa ra ý kiến phản biện đối với những vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông, mà chính Bộ trưởng Malaysia Hussein khi đăng đàn phát biểu trong nhóm chủ đề 3 “Phát triển các hình thức hợp tác an ninh mới” cùng các đồng cấp Úc và Qatar đã đề cập đến hợp tác tiểu khu vực, như giữa Malaysia với Philippines, Brunei... cùng yêu cầu xây dựng niềm tin với tất cả các bên tham gia. Ngay sau đó, ông Hussein đưa vấn đề Biển Đông ra, như một dẫn chứng: “Về Biển Đông, Malaysia còn hơn là cảnh giác về những mối đe dọa với chúng tôi”, do lẽ “cuộc tranh chấp ở đây có thể xấu đi và biến thành một trong những cuộc xung đột nguy hiểm nhất của thời đại chúng ta, nếu không muốn nói là của lịch sử”.

Phát biểu trích dẫn trên đây có lẽ là cảnh báo nghiêm trọng nhất về vấn đề Biển Đông tính cho tới nay. Bộ trưởng Malaysia Hussein còn kêu gọi 10 nước ASEAN toàn tâm, toàn ý chấp nhận thách thức: “Khối 10 nước chúng ta phải giữ đoàn kết với nhau”, do lẽ “từng nước đơn lẻ mà nói, chúng ta không có hy vọng sánh nổi tầm ảnh hưởng và sức mạnh của những quốc gia khác”. Nếu theo dõi tình hình, có thể thấy cách đây đúng một năm, ngay giữa cao trào đại dịch Covid, Malaysia đã nếm mùi “viễn thân bất như cận lân” (bà con xa không bằng láng giềng gần), như một bình luận rất hàm súc của báo Nhật Nikkei Asia: “Trung Quốc đã tăng cường xâm nhập vào không phận Đông Nam Á, gây phẫn nộ cho Malaysia trong vụ vi phạm gần đây, khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực kết hợp giữa ngoại giao vắc-xin và sự phô diễn lực lượng. Lực lượng không quân Malaysia đã “tung” máy bay phản lực để ngăn 16 máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận quốc gia. Máy bay Trung Quốc “bay theo đội hình chiến thuật” và đến cách đảo Borneo khoảng 60 hải lý”.

Việt Nam và các thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc làm thế nào để đối phó với chính sách “nói không đi đối với việc làm trên thực tế” của Trung Quốc và trong cuộc ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ? Phải chăng cách duy nhất là cần bày tỏ lập trường tích cực đối với các kết nối riêng biệt của mô hình địa-chính trị mới đang nổi lên. Đó là các “tiểu đa phương” bao gồm các liên minh của Hoa Kỳ, nhóm Bộ Tứ, nhóm tay ba AUKUS, tái vũ trang của nhật Bản, sự can dự của Ấn Độ, Anh và châu Âu, các mối liên kết ngày càng lớn giữa Nhật, Úc, Hàn Quốc và Tân Tây Lan với NATO. Đã đến lúc ASEAN phải lượng định xem, các mảnh gép “tiểu đa phương” này có phải là sự khỏi đầu của một thỏa thuận an ninh lớn hơn mà nay mai, ASEAN sẽ dựa vào?

Ngoài ra, cuộc đọ sức giữa “pháp quyền” và “chân lý thuộc về kẻ mạnh” đã trở thành tâm điểm khi Đối thoại SLD-19 diễn ra dưới cái bóng từ cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Các nước Đông Nam Á nhận thấy khó có thể thúc đẩy an ninh hợp tác và các cơ chế trên phạm vi rộng của ASEAN trước các cuộc đối thoại cứng rắn giữa đại diện các cường quốc. Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đã tạo ra âm hưởng cho các thông điệp về sự răn đe và sức mạnh, bất chấp những lời hùng biện thông thường về tầm quan trọng của đối thoại và ngoại giao. Có một quy chiếu thông lệ là tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, nhưng cách tiếp cận phổ biến của các cường quốc là nhắc nhở đám đông rằng, việc ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo hòa bình chỉ có thể đạt được từ vị trí của sức mạnh.

Trong bài phát biểu của mình về “Tầm nhìn Kishida vì Hòa bình”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: “Lịch sử của Nhật và Đông Nam Á được củng cố bởi sự thiện chí và hữu nghị lâu đời. Sau chiến tranh, Nhật đã hỗ trợ Đông Nam Á phát triển và các nước Đông Nam Á đã giúp đỡ Nhật trong phục hồi sau thảm họa động đất và sóng thần”. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin nói về “khả năng răn đe tích hợp và sức mạnh chiến lược của quan hệ đối tác” với các đồng minh, trong khi những người đồng cấp cùng chí hướng từ Nhật Bản, Australia và Anh ca ngợi tầm quan trọng của các “liên kết nhỏ” như các thỏa thuận của Tứ giác và AUKUS. Các bộ trưởng không chỉ nhấn mạnh đến chiều sâu và quy mô của khả năng tác chiến trong các cuộc tập trận kết hợp mà còn cả việc đồng thiết kế và hợp tác sản xuất các công nghệ và năng lực quân sự.

Các quốc gia Đông Nam Á ở đâu trong nghịch lý quyền lực và hòa bình hiện nay? Bị hạn chế bởi ngân sách eo hẹp và nhu cầu bức thiết phải giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, đặc tính của các nước ASEAN là mong đạt được khả năng phục hồi hơn là răn đe. Trước những sóng gió địa-chính trị, các bộ trưởng quốc phòng Malaysia và Fiji đã đưa ra những thách thức lớn hơn và tức thời hơn về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nêu ra những lo ngại chính đáng về việc cạnh tranh các nguồn lực thay “súng so với máy cày” và thay “đạn so với bơ”.

Điều gì còn lại trong bộ công cụ của các quốc gia nhỏ để đối phó với một thế giới đầy biến động? Quảng bá về “phương cách châu Á” như một giải pháp thay thế cho chính trị quyền lực, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã thu hút sự chú ý của phái đoàn Trung Quốc khi ông gợi lên tinh thần “An ninh châu Á cho người châu Á”. Nhưng khái niệm kém rõ ràng này không hơn gì một huyền thoại do sự đa dạng của châu lục này. Đồng thời, các cơ chế hợp tác và bao trùm của ASEAN cũng được nhấn mạnh, để giúp xây dựng lòng tin và hợp tác. Nhưng theo đánh giá của Daljit Singh từ Chương trình Nghiên cứu Chính trị & Chiến lược Khu vực tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, “ánh sáng của an ninh hợp tác giảm dần trong khi bóng tối của sự ngờ vực, chạy đua vũ trang và diễn tập quân sự ngày càng gia tăng”.

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG