Đường dẫn truy cập

ASEAN quảng bá mạng lưới năng lượng xanh trước thềm hội nghị COP26


Dự kiến cuối năm 2022, các công ty điện tại ASEAN sẽ bắt đầu truyền tải 100 megawatt điện đầu tiên trong khuôn khổ Dự án Tích hợp Năng lượng Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore.
Dự kiến cuối năm 2022, các công ty điện tại ASEAN sẽ bắt đầu truyền tải 100 megawatt điện đầu tiên trong khuôn khổ Dự án Tích hợp Năng lượng Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore.

Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy nhanh kế hoạch truyền tải năng lượng tái tạo qua một lưới điện khu vực mới được đề xuất, với các cuộc thử đầu tiên được lên kế hoạch sẽ thực hiện trong năm 2022, khi khu vực này cố gắng đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ và công ty cho biết.

Một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang xem xét công nghệ thu lại và cất trữ carbon (CCS) nhằm giảm lượng khí thải, các quan chức cho biết tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore diễn ra trong tuần này.

ASEAN đề xuất rằng 23% năng lượng sơ cấp đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2025.

Những thông báo trên được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hiệp quốc bắt đầu vào ngày 31/10 tại Glasgow. Đây được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để các quốc gia công bố các mục tiêu chắc chắn về cắt giảm khí thải trong thập niên này.

Theo đó, Singapore sẽ bắt đầu nhập khẩu điện tái tạo từ Malaysia vào năm 2022. Đến cuối năm 2022, các công ty điện tại ASEAN sẽ bắt đầu truyền tải 100 megawatt (MW) điện đầu tiên trong khuôn khổ Dự án Tích hợp Năng lượng Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore như một phần của dự án lưới điện khu vực.

Ý tưởng về lưới điện ASEAN được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1999 nhằm tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực, và giờ tạo điều kiện cho việc truyền tải điện tái tạo.

Australia cũng tham gia vào việc cung cấp năng lượng xanh với kế hoạch xuất khẩu sang Singapore.

Là quốc gia phụ thuộc vào khí tự nhiên để sản xuất gần như toàn bộ nguồn điện, Singapore có kế hoạch nhập khẩu tới 4 gigawatt (GW) điện với lượng carbon thấp vào năm 2035, tương đương khoảng 30% tổng nguồn cung.

Nước này cũng có dự tính đưa ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn về chứng chỉ năng lượng tái tạo cho phép các công ty mua các tín chỉ để xác minh nguồn điện của họ là từ các nguồn tái tạo.

Tuy nhiên, nhiều nước ASEAN khác phải giải quyết sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu sản xuất điện để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của mình.

Theo Tổng thư ký ASEAN, Lim Jock Hoi, khối 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ cần ít nhất 367 tỷ USD trong 5 năm tới để tài trợ cho các mục tiêu năng lượng của mình. Ngoài ra, ASEAN cũng cần cải thiện môi trường đầu tư và cũng mở rộng ra ngoài các nguồn tài chính hiện tại để đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, ông Lim Jock Hoi nói thêm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG