Đường dẫn truy cập

Vụ xử Lãnh tụ đối lập Anwar phương hại tới uy tín của Malaysia


Ông Anwar Ibrahim cho rằng vụ truy tố hiện nay là một mưu toan khác nữa của chính phủ để loại trừ mối đe dọa chính trị từ phía ông
Ông Anwar Ibrahim cho rằng vụ truy tố hiện nay là một mưu toan khác nữa của chính phủ để loại trừ mối đe dọa chính trị từ phía ông

Vụ xét xử lãnh tụ đối lập Anwar Ibrahim ở Malaysia về tội giao cấu phản tự nhiên sẽ được xúc tiến sau khi Tòa Phúc Thẩm bác đơn kiện của bên bị đòi hủy bỏ cáo trạng. Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng yêu cầu Malaysia bảo đảm một kết cuộc công bằng và bình đẳng trong các thủ tục pháp lý nhắm vào vị cựu phó thủ tướng này. Tuần trước, khoảng 50 nhà lập pháp Australia cũng đã chính thức yêu cầu Malaysia hủy bỏ cáo trạng đối với ông Anwar mà họ cho là có động cơ chính trị. Các nhà quan sát cho rằng vụ án mang nhiều màu sắc chính trị này đang gây thương tổn cho uy tín của Malaysia như một quốc gia Hồi giáo dân chủ và tiến bộ.

Vụ xét xử ông Anwar hiện nay được dân chúng ở Malaysia gọi là vụ Sodomy II vì đây là lần thứ nhì ông bị đưa ra tòa về tội giao cấu phản tự nhiên. Năm 1998, trong lúc giữ chức phó thủ tướng và được nhiều người cho là đang chuẩn bị lên thay cho vị thủ tướng lúc đó là ông Mahathir Mohammad, ông Anwar đã bị truy tố về tội kê gian, bị loại ra khỏi quốc hội trong 10 năm, và bị ngồi tù 9 năm. Tuy nhiên bản án kết tội ông đã được đảo ngược vào năm 2004.

Ông Anwar cho rằng vụ truy tố hiện nay là một mưu toan khác nữa của chính phủ để loại trừ mối đe dọa chính trị mà ông mang lại cho họ:

"Tôi nghĩ rằng toàn bộ mục tiêu của vụ truy tố hôm nay là để bôi nhọ tên tuổi, thanh danh và hình ảnh của tôi thông qua những vụ tấn công ác độc nhắm vào tư cách của tôi. Nhưng tôi tin là sự việc cũng sẽ diễn ra giống như vụ án năm 1998. Họ nói đủ thứ nhưng rồi mọi thứ sẽ được xoá sạch vào thời điểm thích hợp. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục kiên nhẫn và chúng tôi sẽ tranh đấu cho tới cùng."

Lâu nay ông Anwar vẫn có tiếng là người kiên nhẫn và bền bỉ. Năm 2008 ông đã quay lại lãnh đạo một liên minh chính trị gồm 3 đảng, có tên là Liên minh Nhân dân, và giành được thắng lợi đáng kể trong cuộc tổng tuyển cử. Qua cuộc đầu phiếu lần đó, đảng UMNO đương quyền đã bị mất đi thế đa số 2 phần 3 tại quốc hội mà họ nắm giữ trong nhiều thập niên.

Trong cuộc bầu cử đó nhiều người Mã Lai theo đạo Hồi, vốn ủng hộ cho đảng UMNO từ bấy lâu nay, đã quay lưng lại với đảng này để bỏ phiếu ủng hộ cho phe đối lập.

Không lâu sau đó, ông Anwar bị truy tố về tội giao cấu phản tự nhiên.

Ông Charles Santiago là một đại biểu quốc hội thuộc Đảng Hành động Dân chủ, nằm trong Liên minh Nhân dân. Ông nói rằng cáo trạng này được tính toán để hủy hoại uy tín của ông Anwar trong cộng đồng của người Hồi giáo.

"Ông Anwar được xem là một lãnh tụ Hồi giáo, một nhà lãnh đạo theo đạo Hồi, không chỉ ở quốc gia này mà còn ở những nơi khác trong thế giới Hồi giáo. Và tôi nghĩ rằng có một số người tin là nếu tiếng tăm của ông ấy bị bôi nhọ, đặc biệt là vì những vụ việc dính líu tới hành vi kê gian hoặc những hoạt động đồng tính luyến ái, thì vị thế của ông ấy như một lãnh tụ chính trị -- và quan trọng hơn nữa, như một nhà lãnh đạo Hồi giáo, sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn."

Cáo trạng hiện nay nhắm vào ông Anwar bao gồm tố cáo cho rằng vào năm 2008 ông đã có quan hệ tính dục với ông Saiful Bukhari bin Azlan, một viên phụ tá 23 tuổi làm việc không ăn lương. Thoạt đầu cáo trạng này cho rằng ông Anwar đã cưỡng bức ông Saiful, nhưng sau đó các công tố viên đã sửa lại cáo trạng và nói rằng đây là một vụ giao cấu phản tự nhiên có sự đồng ý của đôi bên. Mặc dù vậy, giới hữu trách không hề truy tố ông Saiful.

Trong thông cáo phổ biến hôm 16 tháng 2, thượng nghị sĩ John Kerry của Mỹ nói rằng hơn 10 năm trước ông Anwar đã bị xét xử vì những cáo trạng mà sau đó đã được tòa án liên bang đảo ngược; và những cáo trạng lần này chẳng những rất giống lần trước mà còn được đưa ra không lâu sau khi ông Anwar được bầu lại vào quốc hội và nắm giữ vai trò lãnh tụ đối lập tại quốc hội. Người giữ chức Chủ tịch ủy ban quan hệ đối ngoại của Thượng viện Hoa kỳ kêu gọi giới hữu trách Kuala Lumpur giải quyết vụ án này với một cung cách mà ông gọi là “có ích cho việc xây dựng lòng tin đối với sự vô tư và khả tín của hệ thống tư pháp Malaysia.”

Nếu bị tòa xét là có tội ông Anwar sẽ phải rời bỏ chức vụ đại biểu ở quốc hội và không được tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự trù diễn ra trước năm 2012.

Tuy hành vi giao cấu phản tự nhiên hiếm khi bị truy tố ở Malaysia, một viên chức của đảng UMNO, ông Syed Ali al-Habshee, nói rằng chính phủ phải có hành động trong trường hợp một chính khách nổi tiếng bị tố cáo là đã phạm tội này.

"Bất kể là ông ấy đúng hay ông ấy sai, tôi tin rằng chính phủ sẽ để cho ông ấy có được một vụ xét xử công bằng. Và ông ấy lại có những vị luật sư giỏi giang nhất. Ông ấy có đủ mọi thứ. Nhưng ông ấy là một nhà chính trị rất khôn ngoan. Ông ấy rêu rao với cả thế giới là hệ thống tư pháp của chúng tôi không công bằng."

Lần này những người ủng hộ ông Anwar đang lo ngại là uy tín chính trị của ông có được bảo toàn hay không, ngay cả trong trường hợp ông giành được thắng lợi trước tòa án?

Những người khác cũng lo ngại về việc vị thế quốc tế của Malaysia như một quốc gia Hồi giáo dân chủ tiến bộ đang bị tổn hại vì vụ án Sodomy II. Một số tổ chức quốc tế, như Human Rights Watch, đã hối thúc Malaysia hủy bỏ vụ án này và phi hình sự hóa những hành vi tính dục đồng tính có sự ưng thuận của người trong cuộc.

Ông Zakaria Ahmad, giáo sư chính trị học của Đại học Help ở Kuala Lumpur, cho rằng những hàng tít giật gân trên báo chí về hành vi sai trái trong chuyện gối chăn của các chính khách đã khiến cho người Malaysia có thái độ hoài nghi hơn đối với tất cả những nhân vật hoạt động chính trị.

"Hầu hết dân chúng ở đây đã đi tới kết luận là tất cả những người làm chính trị đều “cá mè một lứa.” Họ cho rằng những người đó chỉ muốn tranh giành quyền hành với nhau và ai nấy cũng đều thối nát như nhau."

Phiên tòa xử ông Anwar đã bị đình hoãn nhiều lần sau khi khai mạc hôm mồng 2 tháng 2. Giờ đây phiên tòa sẽ được mở lại sau khi Tòa Phúc thẩm đưa ra phán quyết hôm thứ tư để giữ nguyên quyết định xúc tiến vụ án của tòa dưới.

Tường thuật của hãng thông tấn Bernama hôm thứ 6 trích lời Phó Thủ tướng Muhyiddin Yassin tuyên bố rằng Malaysia là một nước tôn trọng thể chế pháp trị và chính phủ không thể nói là ông Anwar có tội hay không có tội vì đó là điều do tòa án quyết định.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG