Đường dẫn truy cập

Anh vô địch châu Âu: Nữ đá khá hơn nam


Chloe Kelly, cầm micro, đứng thứ sáu từ trái sang, là người ghi bàn quyết định mang lại chiến thắng 2 -1 cho tuyển Anh.
Chloe Kelly, cầm micro, đứng thứ sáu từ trái sang, là người ghi bàn quyết định mang lại chiến thắng 2 -1 cho tuyển Anh.

Và cuối cùng công chúng Anh được củng cố lại niềm tin rằng điều gì cũng có thể. Từ không thể trong tiếng Anh là ‘impossible’ nhưng có một cô giáo nói với tôi rằng bản thân từ đó nói ‘I’m possible’, tức là ‘tôi có thể.’

Sân vận động Wembley với số khán giả kỷ lục gần 90.000 người như muốn vỡ tung tối 31/7 khi nữ cầu thủ Chloe Kelly của đội nhà ghi bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 trong trận chung kết Anh - Đức.

Bàn thắng của Chloe trong hiệp phụ thứ hai được ghi vào phút thứ 110 và các cầu thủ Anh đảm bảo Đức, đội đã tám lần vô địch châu Âu và hai lần vô địch thế giới bóng đá nữ, không có cơ hội nào để gỡ hoà.

Đối với Anh, đây là lần đầu tiên quốc gia này lại đoạt cúp vàng bóng đá kể từ năm 1966 khi đội tuyển nam thắng Tây Đức 4-2 trong trận đấu cũng kéo sang hai hiệp phụ sau khi hai bên hoà 2-2.

Như vậy sau khi đội tuyển bóng đá nam của Anh chịu thua Ý trong trận chung kết Euro cũng tại sân Wembley hồi tháng Bảy năm ngoái, các cầu thủ nữ đã mang lại cúp vàng về chính quê hương của bóng đá sau 56 năm chờ đợi.

Các nữ cầu thủ Anh có trận chung kết thành công và đã ghi bàn trước nhờ công của Ella Toone vào phút thứ 61 trước khi bị Lina Magull của Đức gỡ hoà vào phút 79. Ella Toon thể hiện phong độ tuyệt vời khi băng xuống từ phía vạch giữa sân, vượt qua hai hậu vệ cuối cùng của tuyển Đức để đối mặt với thủ môn rồi tâng bóng qua đầu đối thủ và ghi bàn thắng tuyệt đẹp.

Đội tuyển Đức cũng có nhiều cơ hội nhưng họ kém may mắn hơn và cũng không có phong độ đủ tốt để chiến thắng Anh.

Chiến thắng của tuyển nữ đem lại sự ngạc nhiên và vui mừng cho hàng chục triệu người Anh trong đó có 17 triệu người xem trận đấu được truyền trực tiếp trên kênh truyền hình BBC. Người ta hy vọng chiến thắng này sẽ khiến bóng đá nữ được chú ý nhiều hơn và tạo cảm hứng cho một lứa cầu thủ nữ mới có thể lại vô địch trong tương lai.

Nhân dịp này người ta cũng nhắc tới chuyện hiệp hội bóng đá Anh từng cấm nữ chơi bóng đá tại các sân vận động của hiệp hội trong suốt 50 năm, từ năm 1921-1971. Họ cũng nói ngay cả ngày nay nhiều trường phổ thông cũng không tạo điều kiện cho các học sinh nữ chơi bóng đá.

Trả lời phỏng vấn BBC sau trận đấu, người ghi bàn quyết định Chloe Kelly nói rằng đó là chiến thắng trong mơ còn người ghi bàn mở màn, Ella Toone, nói cô đã có giây phút tuyệt vời nhất trong sự nghiệp bóng đá.

Không nghi ngờ gì chuyện cúp vàng đã khiến người ta phải nhìn bóng đá nữ với con mắt khác. Truyền thông và công luận nói chung từ trước tới nay vẫn chú ý nhiều hơn tới bóng đá nam nhưng nay nữ đã vượt lên trước bất chấp bị cấm đoán hàng chục năm trong quá khứ cũng như sự thiếu đầu tư cả về tiền bạc lẫn tinh thần.

Chiến thắng của các nữ tuyển thủ cũng dạy cho thế hệ trẻ những bài học quan trọng.

Thứ nhất, các em sẽ dám mơ chạm cúp vàng hay trở thành những nhà vô địch trong các lĩnh vực khác nhau khi nhìn vào tấm gương tuyển nữ.

Thứ hai, giới trẻ hiểu rằng họ cần mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để chiến thắng chính bản thân và qua đó thắng đối thủ. Chạy suốt 120 phút trong trận đấu với đối thủ có số lần vô địch gấp nhiều lần mình đòi hỏi không những thể lực tốt mà cả thần kinh thép. Các cô gái Anh đã chơi tự tin và luôn ghi bàn trước đối phương trong trận chung kết.

Và cuối cùng công chúng Anh được củng cố lại niềm tin rằng điều gì cũng có thể. Từ không thể trong tiếng Anh là ‘impossible’ nhưng có một cô giáo nói với tôi rằng bản thân từ đó nói ‘I’m possible’, tức là ‘tôi có thể.’

Anh không những chỉ vô địch mà còn đoạt luôn giải đôi giày vàng cũng như lập kỷ lục ghi 20 bàn, số bàn nhiều nhất được ghi trong một giải vô địch Euro. Khi hoà mình cùng hàng ngàn người tới Quảng trường Trafalgar để chia vui với các nữ cầu thủ chiều 1/8, tôi chia sẻ niềm tin và hy vọng của họ rằng Anh sẽ không phải chờ nửa thế kỷ nữa mới lại đoạt cúp vàng.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG