Đường dẫn truy cập

Ấn Ðộ-Trung Quốc giải quyết vụ tranh chấp biên giới


Các thương nhân hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại thành phố miền tây Ahmedabad ở Ấn Độ, ngày 3/5/2013.
Các thương nhân hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại thành phố miền tây Ahmedabad ở Ấn Độ, ngày 3/5/2013.
Ấn Ðộ và Trung Quốc đã giải quyết xong một vụ giằng co kéo dài 3 tuần lễ dọc theo đường biên giới gây tranh chấp ở vùng Hy Mã Lạp Sơn trên một cao nguyên phủ băng. Ðây là vụ đối đầu mới nhất thử nghiêm bang giao đôi khi trắc trở giữa hai đại cường châu Á và đã đe dọa phủ một bóng mờ lên chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới của ngoại trưởng Ấn Ðộ. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Vụ đối đầu căng thẳng kéo dài 20 ngày ở vùng Ladakh miền Bắc Ấn Ðộ bắt đầu khi khoảng 50 binh sĩ Trung Quốc dựng các túp lều sâu bên trong vùng đất mà New Delhi nói là thuộc chủ quyền của họ. Vụ này kết thúc với cả hai bên trở về vị trí lúc ban đầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ Syed Akbaruddin đã đưa ra một lời bình ngắn gọn về vụ leo thang dọc theo nơi được gọi là Lằn ranh Kiểm soát thực tế - một lằn ranh không được xác định rõ ràng ở một cao nguyên mà cả hai bên đang tranh nhau.

Ông Akbaruddin nói: “Các chính phủ Ấn Ðộ và Trung Quốc đã đồng ý phục hồi tình trạng đã có từ trước dọc theo Lằn Ranh Kiểm soát Thực tế như đã có từ trước ngày 15 tháng 4 năm 2013. Các cuộc họp chính đã được tổ chức để bàn luận về các thủ tục và sắp xếp.”

Các giới chức quân đội Ấn Ðộ nói đã diễn ra một cuộc triệt thoái đồng thời hồi tối qua, tiếp theo một cuộc họp giữa các vị chỉ huy của cả hai nước. Binh sĩ Trung Quốc đã hạ lều trong khi binh sĩ Ấn Ðộ, đã tiến tới 300 mét gần các binh sĩ Trung Quốc, cũng trở về các vị trí trước khi xảy ra tranh chấp.

Những vụ tranh chấp như vậy đã bùng nổ giữa hai đại cường Á châu trước đây, dọc theo đường biên giới không đuợc đánh dấu, nhưng Ần Ðộ coi vụ xâm nhập mới đây là vụ tệ hại nhất từ nhiều năm. Vụ này xảy ra trong một khu vực được coi là chiến lược và nằm gần một sân bay được quân đội Ấn Ðộ sử dụng.

Vụ triệt thoái diễn ra sau nhiều ngày thương thảo ngoại giao ráo riết giữa hai nước.

Một chuyên gia phân tích các vấn đề sách lược tại Trung tâm Khảo cứu Chính sách độc lập ở New Delhi, ông Bharat Karnad nói chính phủ Ấn Ðộ buộc phải có chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh sau khi dân chúng tỏ ý bất mãn ồ ạt.

Ông Karnad nói: “Đó là một quyết định của phía Trung Quốc nhằm thử thách quyết tâm của Ấn Ðộ. Phản ứng của quần chúng trước quyết định đó quá ồ ạt đến độ tôi nghĩ có thể thuyết phục Bắc Kinh phải mang một bộ mặt hoà giải hơn, và đó chính là điều đã xảy ra.”

Quân đội Trung Quốc cầm biểu ngữ với hàng chữ: "Bạn đã vượt qua biên giới, xin vui lòng quay trở lại" tại Ladakh, Ấn Độ, ngày 5/5/2013.
Quân đội Trung Quốc cầm biểu ngữ với hàng chữ: "Bạn đã vượt qua biên giới, xin vui lòng quay trở lại" tại Ladakh, Ấn Độ, ngày 5/5/2013.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói rằng vì quyền lợi lớn hơn của mối bang giao song phương, cả hai bên đã có một thái độ xây dựng.

Bà Hoa nói duy trì hòa bình và yên tĩnh phục vụ cho quyền lợi chung của cả hai bên. Theo bà, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Ấn Ðộ để mưu tìm một giải pháp công bằng và cả hai bên cùng chấp nhận cho vấn đề biên giới, vào một thời điểm sớm sủa.

Việc giải quyết vụ tranh chấp đã mở đường cho Ngoại trưởng Ấn Ðộ Salman Khurshid đi thăm Bắc Kinh vào thứ năm này. Một thông báo chính thức về chuyến đi của ông đã được Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ loan ra hôm nay, đánh tan những lời đồn đoán trong giới truyền thông địa phương rằng vị bộ trưởng đã tính tới việc hủy bỏ chuyến thăm nếu như vụ giằng co không được giải quyết.

Theo dự kiến, ông Khurshid sẽ đặt nền tảng cho một chuyến đi vào cuối tháng này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Ấn Ðộ. Ðây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý kể từ khi lên nhậm chức.

Bang giao giữa hai nước tiếp tục vấp phải sự nghi kỵ chung và Ấn Ðộ vẫn còn e ngại về các chính sách của Trung Quốc trong những vùng biên giới có sự hiện diện của binh sĩ và các cơ sở hạ tầng như đường sá. Vụ tranh chấp biên giới đã có từ thời xảy ra một cuộc chiến tranh giữa hi bên vào năm 1962, là lúc Trung Quốc đòi chủ quyền bang Arunachal Pradesh miền đông Ấn Ðộ, trong khi Ấn Ðộ nhận nhiều phần của cao nguyên Hy Mã Lạp Sơn ở Ladakh do Trung Quốc chiếm đóng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG