Đường dẫn truy cập

Án lệ về luật phỉ báng và truyền thông xã hội tại Úc


Các chuyên gia luật nói rằng “ngôn từ là vũ khí”, có khả năng “hủy hoại” đời sống người vô tội.
Các chuyên gia luật nói rằng “ngôn từ là vũ khí”, có khả năng “hủy hoại” đời sống người vô tội.

Kết quả vụ kiện phỉ báng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên cung cách hành xử của những người đang sống ở Úc. Bao nhiêu người hiện không biết rằng họ phải có trách nhiệm về mặt pháp lý cho những gì họ viết trên mạng truyền thông xã hội, như Facebook.

Ngày 23 tháng Sáu, Tòa Quận Queensland (District Court of Queensland), Úc châu, đã ra phán quyết rằng bà Zoe Anne Gooding phải bồi thường tổng cộng 280 ngàn đô Úc (chính xác là $279,179.32) vì tội phỉ báng ông bà Michael Usher và Mianka Rodgers trên Facebook [1].

Sự kiện có thể tóm tắt như sau.

  • Vào ngày 10 tháng 9 năm 2021, khoảng 8:54g tối, bà Gooding đã viết một post trên nhóm có tên The Bushland Beach Crime Alert group, với nội dung vu khống họ là kẻ ấu dâm (paedophile), kèm theo sau là địa chỉ của họ.
  • Khi được người trong nhóm hỏi, bà Gooding trả lời rằng “Khi con quý vị bị sờ mó thì quý vị sẽ không nói đó là một lời buộc tội hoang đường.”
  • Khi được hỏi, đại khái là, làm sao bà biết, thì bà Gooding trả lời: “Chúng tôi biết vì họ đã cố gắng muốn đứa con 6 tuổi của chúng tôi đi cùng với họ nhiều lần.”
  • Vì phổ biến trên diễn đàn công cộng, được biết có khoảng 5000 thành viên, nhiều người đã đọc, đã phản ứng, đã đặt vấn đề, và đã có còm như “Thật là kinh tởm. Làm ơn báo cảnh sát ngay”. V.v… [2]
  • 90 phút sau đó, bà Gooding đã viết một post khác nói rằng Facebook của bà bị tấn công (hacked), và bà xin lỗi.
  • Mặc dầu ông Usher và và Rodgers không biết về hai post này, bạn họ đã đọc, đã chụp hình lại và gửi cho họ xem. Sau này nó là phần của bằng chứng.
  • Hai ông bà cho biết cuộc đời của họ từ đó thay đổi sâu sắc, khiến họ sợ hãi khi rời khỏi nhà hoặc giao tiếp với hàng xóm. Họ phải đi chợ thật xa để tránh gặp người quen. Họ cảm thấy xấu hổ và nhục nhã. Họ cũng bỏ hẳn ý định nhận con nuôi mà trước đó đã có.
  • Vào tháng Sáu năm 2022, hai người mướn luật sư kiện bà Gooding vì “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các bước để cố gắng khôi phục uy tín của mình một cách tốt nhất có thể trong hoàn cảnh”.
  • Kể từ khi đưa ra tòa vụ kiện này, bà Gooding đã lái xe đụng vào ông Usher hai lần trên đường Holbourne Street.
  • Hai người cho biết mặc dầu họ không bao giờ là kẻ ấu dâm, những lời phỉ báng này đã để lại vết nhơ cho uy tín của họ mà chắc sẽ không bao giờ xóa bỏ hoàn toàn được.
  • Cân nhắc tất cả thông tin, dữ kiện từ bên bị cáo Gooding, và bên nguyên đơn Uhser và Rodgers, cũng như các vụ án trước đây liên quan đến phỉ báng, đặc biệt khi lên án một người nào đó là ấu dâm, chánh án Coker DCJ ghi nhận sự thiệt hại về uy tín đã gây ra cho nguyên đơn; sự tổn thương, đau khổ và xấu hổ họ phải gánh chịu; và mối quan hệ giữa họ cũng bị sức mẻ, tổn thương sau khi phỉ báng xảy ra.

Kết quả vụ kiện phỉ báng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên cung cách hành xử của những người đang sống ở Úc. Bao nhiêu người hiện không biết rằng họ phải có trách nhiệm về mặt pháp lý cho những gì họ viết trên mạng truyền thông xã hội, như Facebook.

Các chuyên gia luật nói rằng “ngôn từ là vũ khí”, có khả năng “hủy hoại” đời sống người vô tội [3]. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân đều cho rằng các trường hợp phỉ báng chỉ liên quan đến những người nổi tiếng và các tổ chức truyền thông. Đó là sai lầm và ngộ nhận lớn.

Ông Bill Potts, một thành viên cao cấp và từng là Chủ tịch Hội Luật gia Queensland, cho biết phán quyết của tòa là dấu chỉ của thời gian. Ông nói: “Ngôn từ là vũ khí và cách thức mà những vũ khí hủy diệt hàng loạt này [tấn công] – hủy hoại đối với hạnh phúc của con người, sinh kế của họ, chính uy tín của họ – thông qua internet”. Potts nhận thấy rằng trong 42 năm hành nghề luật, những vụ kiện phỉ báng trên mạng như vậy đã gia tăng, và ông nhận định sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.

Một giáo sư cao cấp dạy luật tại University of Technology Sydney, tiến sĩ Sacha Molitorisz, cũng đồng ý với nhận định này. Molitorisz cho rằng “Quý vị có khả năng khiến mình dễ bị kiện vì tội phỉ báng đối với bất kỳ thứ gì quý vị đưa lên mạng, bất kỳ thứ gì trên Facebook, trên Tik Tok, trên bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào, hoặc thậm chí là email.” Molitorisz cho biết người ta không ý thức được trách nhiệm pháp lý của mình trên mạng, mà cứ nghĩ nó chỉ xảy ra cho người nổi tiếng, hay với các cơ quan truyền thông. Nhưng thực tế là những gì xảy ra cho thấy càng ngày nó càng xảy ra với người dân bình thường [4].

Giáo sư John Flood từ Griffith University's School of Law and Society nhận định mạng xã hội đã khiến mọi người dễ dàng bôi nhọ người khác hơn và điều đó xảy ra thường xuyên hơn. Flood nói: “Nhưng với mạng xã hội… điều đó trở nên thật dễ dàng, bạn có thể chỉ cần đăng bài mà không cần phải động não, và mọi người nghĩ rằng vì đó là mạng xã hội nên không có hậu quả gì đối với nó.” Bây giờ thì chúng ta thấy rõ rằng nó cũng có thể là một hậu quả rất đắt giá.

Được biết Tòa án Tối cao Úc châu (High Court of Australia) đã ra phán quyết (liên quan đến trường hợp của một người tên Dylan Voller) vào năm 2021. Phán quyết này có hệ luỵ sâu sắc: những ai được xem là nhà xuất bản (publisher) cũng phải chịu trách nhiệm cho các còm của người khác trên trang mạng xã hội của họ [5].

Giáo sư Flood nhận định “Nếu quý vị bị bôi nhọ, quý vị có thể kiện người đã phỉ báng hoặc nhà xuất bản mà đã để hành vi phỉ báng xảy ra." Flood nói: “Điều đó có nghĩa là người điều hành các nhóm cộng đồng [trên các trang như Facebook và Reddit] sẽ phải rất cẩn thận về những gì họ cho phép cập nhật trên trang của họ."

Cộng đồng luật tại Úc ghi nhận rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Úc châu vào ngày 8 tháng Chín năm 2021 đã tác động sâu xa. Giáo sư Luật David Rolph thuộc Trường Luật Đại học Sydney nhận định rằng “… nếu quý vị đăng nội dung trên trang mạng xã hội của mình và khuyến khích hoặc mời bình luận - và mọi người đăng bình luận phỉ báng ở đó - thì quý vị là “nhà xuất bản” hợp pháp của những bình luận đó và có thể bị kiện, qua phán quyết này.” [6]

Sau phán quyết của Tòa án Tối cao Úc châu, các Bộ Tư pháp Liên bang Úc đã thảo luận với Bộ Tư pháp của các tiểu bang và lãnh thổ để có cái nhìn đồng bộ, xuyên suốt, về luật phỉ báng, nhất là "trung gian internet", bao gồm quản trị viên (Administrator, Moderator) trang truyền thông xã hội cũng như các công cụ tìm kiếm, như Google [7].

Trong thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân Việt dường như vẫn chưa biết thông tin này. Vẫn còn những diễn đàn hiện nay, với tính cách tập thể hay cá nhân tạo ra, đã để cho những người tham gia chụp mũ vu khống hay phỉ báng người khác mà không biết rằng nếu để cho những còm như thế diễn ra, dù mình không viết gì, mình vẫn có thể bị kiện ra tòa. Ngay cả khi không có tiền, như trường hợp của bà Gooding, nói trên, cho biết thu nhập của bà chỉ $300 cho hai tuần, mà tiền nhà và thức ăn đã tốn hết $175, District Court of Queensland vẫn phạt bà đến 280 ngàn đô. Không biết đến khi nào bà Gooding mới trả xong.

Ngôn từ là vũ khí, và có khả năng hủy hoại thanh danh và đời sống người khác. Là công dân của một xã hội Úc hay chỉ tạm cư tại Úc, trong vai trò điều hợp các trang mạng, hay chỉ sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, mỗi chúng ta cần phải rất cẩn trọng khi thể hiện quan điểm của mình trên mạng, như Facebook, để không gây tổn hại cho nhau. Điều quan trọng là không chụp mũ, vu khống, phỉ báng một cách vô tội vạ, lại không dựa trên bằng cớ gì, để phải rơi vào tình trạng bị thưa kiện bởi những luật lệ và thủ tục phức tạp. Đến khi ra tòa thì đã quá muộn màn.

(Viết chung cùng luật sư Trần Kiều Ngọc)

Úc châu, 08/07/2023

Tài liệu tham khảo:

  1. Judge Coker DCJ, “Rodgers & Anor v Gooding [2023] QDC 115 (23 June 2023)”, District Court Of Queensland, 28 June 2023.
  2. Frank Chung, “Townsville woman ordered to pay $280,000 for defamatory Facebook post about neighbours”, News.com.au, 27 June 2023.
  3. Jason Katsaras and Tobi Loftus, “Facebook defamation ruling highlights costly legal dangers of social media posts, say lawyers”, ABC News, 27 June 2023.
  4. Stephen Smiley and Angela Lavoipierre, “Why dozens of Australians are suing over emails and posts on Facebook or Twitter”, ABC News, 7 November 2018.
  5. Kiefel Cj, Gageler, Keane, Gordon, Edelman, Steward And Gleeson Jj “S236/2020, S237/2020, S238/2020”, High Court of Australia, 8 September 2021.
  6. David Rolph, “High Court rules media liable for Facebook comments on their stories”, The University of Sydney Law School, 13 September 2021.

7.“Australian law chief wants defamation rules fixed for digital age”, Al Jazeera, 7 October 2021; “What new defamation ruling means for your social media”, Arts and Law, 27 September 2021; Michaela Whitbourn, “States strike national agreement on social media defamation laws”, The Sydney Morning Herald, 12 December 2022.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG