Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Ấn Độ vẫn hợp tác với VN, bất chấp hành động gây hấn của TQ


Tư liệu: Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi, trái, và Thủ Tướng VN Nguyễn Xuân Phúc, duyệt hàng quân danh dự tại Hà Nội, ngày 3/9/2016. (AP Photo/Hau Dinh)
Tư liệu: Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi, trái, và Thủ Tướng VN Nguyễn Xuân Phúc, duyệt hàng quân danh dự tại Hà Nội, ngày 3/9/2016. (AP Photo/Hau Dinh)

Các chuyên gia tin rằng Ấn Độ đặt nặng vấn đề hợp tác hàng hải với Việt Nam và sẽ không để cho bất cứ nước nào cản trở họ. Phát biểu bên lề Hội thảo quốc tế "Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới" tổ chức tại Hà nội hôm thứ Ba 22/10, bà Geeta Kochhhar thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru, nói Ấn Độ sẽ không xét lại kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, và sẽ không để Bắc Kinh cản trở mối quan hệ hợp tác Ấn-Việt.

VNExpress dẫn lời bà Kochhhar trích dẫn Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi, khẳng định New Dehli sẽ “không chấp nhận bất cứ hành động khống chế hoặc kiểm soát của bất cứ thế lực nào trong khu vực.”

Bà Kochhar nói không nên biến những sự cạnh tranh trong việc khai thác dầu khí thành bất cứ cuộc đối đầu nào, và thật ‘không công bằng’ khi Trung Quốc chống đối sự hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, trong khi chính nước này hợp tác với Việt Nam và các nước khác, như Nepal.

Giải thích chính sách nhất quán của Ấn Độ, hợp tác với Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ om Prakash Dahiya thuộc Trường Zakir Husain, Đại học Dehli, nhận định vì vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông, “Việt Nam đóng một vai trò quyết định trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ”.

New Dehli đã hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu khí trong Biển Đông từ năm 1988 tới nay. Sự hợp tác này không chỉ mang kích thước kinh tế, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh và quân sự, theo Giáo sư Tien-sze Fang, Phó Giám Đốc Trung tâm Ấn Độ học thuộc Đại học Quốc gia Thanh Hoa của Đài Loan.

Bản đồ Biển Đông
Bản đồ Biển Đông


Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với thế giới. Giáo sư Tien nói điều thiết yếu là Ấn Độ phải cổ vũ cho quyền tự do hàng hải trong khu vực, là nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch thiết yếu cho giao thương toàn cầu.

Trong quá khứ truyền thông nhà nước Trung Quốc thường xuyên phản đối việc Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngay cả khi khu vực đó nằm trong lãnh hải của Việt Nam.

Theo báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, buổi hội thảo do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VIISAS) tổ chức có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn của Việt Nam và Ấn Độ, và các chuyên gia từ một số nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc...

Một trong những chủ đề của hội thảo là những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng.

Ấn Độ là “đối tác tự nhiên và hợp lý” của Việt Nam, trong bối cảnh các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm.
Ông Josh Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông


Trong một cuộc phỏng vấn qua email, một chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông, ông Josh Kurlantzick, nói với VOA rằng Ấn Độ là một thế lực đang lên trong khu vực, nhận thức rõ vai trò của mình là một lực có thể đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng khó kiềm hãm của Trung Quốc, tự cho là có trách nhiệm duy trì ổn định và hòa bình.

Ông nói Ấn Độ là “đối tác tự nhiên và hợp lý” của Việt Nam, trong bối cảnh các lợi ích an ninh của hai nước đang hội tụ về một điểm.

Một bài báo đăng trên tờ Tribune India hôm 21/10 nói Trung Quốc đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài, không những cho Ấn Độ mà còn cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tác giả bài báo, cựu Giám Đốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến sự trên Bộ của Ấn Độ (CLAWS), nói bất chấp mối quan hệ tương đối ổn định giữa hai nước, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khó chịu với New Dehli vì những lý do dễ hiểu. Trung Quốc tự coi là một nước lớn, và trong chiến lược nước lớn của mình, muốn thâu tóm quyền kiểm soát Biển Đông, và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng tự coi mình là một cường quốc ngang hàng, không thua kém Trung Quốc, và trong tư cách đó, tìm cách xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG