Đường dẫn truy cập

Ai Cập chuẩn bị hiến pháp thứ tư kể từ năm 2010


Một em bé sáu tháng tuổi với chữ Morsi bằng tiếng Ả rập viết trên trán
Một em bé sáu tháng tuổi với chữ Morsi bằng tiếng Ả rập viết trên trán
Ai Cập soạn thảo lại hiến pháp của họ với một nhóm nhỏ được chỉ định bởi chính phủ do quân đội hậu thuẫn, duyệt xét lại bản hiến pháp trước do Hồi giáo thúc đẩy.

Ai Cập đang chuẩn bị soạn thảo hiến pháp thứ tư của họ trong vòng chưa tới ba năm. Việc này có nghĩa là bước đầu tiên của một “lộ trình” để tái định hình cơ chế cai trị của Ai Cập sau vụ lật đổ tổng thống đầu tiên được bầu cử tự do của nước này hồi tháng Bảy, ông Mohamed Morsi, thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo.

Ông Morsi đã thúc đẩy hiến pháp hồi năm ngoái sử dụng quyền hành đặc biệt, một hành động bắt đầu gây bất ổn của quần chúng chống lại ông.

Đối với những người chống đối ông Morsi thì tiềm năng cho việc cải thiện hiến pháp trước là rất rộng rãi. Nhà phân tích chính trị Mustafa Labbad nói:

“Theo ý kiến của tôi, hiến pháp của phe Huynh đệ Hồi giáo vi phạm những quyền xã hội và quyền công dân của người Ai Cập. Họ đã tìm cách giáo dục và tái giáo dục người Ai Cập về phương cách hành xử.”

Quan trọng nhất là những gì mà người chỉ trích nói là một toan tính Hồi giáo hóa Ai Cập. Bản dự thảo hiến pháp mới được soạn thảo bởi một nhóm nhỏ người Hồi giáo, hứa là bãi bỏ những hạn chế đã có từ lâu nhắm vào giáo hội Cơ đốc giáo. Nhưng có vẻ như chắc sẽ giữ lại những giới hạn nói chung về niềm tin tôn giáo.

Nhà Xã hội học Chính trị Said Sadek ước mong rằng nước này có thể tiến tới việc vượt qua sự kiện chỉ công nhận một niềm tin tôn giáo cổ xưa. Ông nói:

“Lẽ ra phải đưa ra tín hiệu rằng Ai Cập là một quốc gia hiện đại, đang bước vào thế kỷ thứ 21, rằng Ai Cập không kỳ thị 51 phần trăm dân số thế giới không tin vào Hồi giáo, Cơ đốc giáo hay Do thái giáo.”

Các nhân viên của Ủy ban soạn thảo hiến pháp cũng đang tìm cách giải quyết một thế lực lớn khác trong nền chính trị Ai Cập hiện nay – đó là vấn đề vai trò của quân đội và sự quân bình quyền lực trong các chi nhánh của chính phủ.

Ít có thành viên nào nêu lên những câu hỏi về toan tính của quân đội đưa ra những bảo vệ cho chính họ trong hiến pháp mới. Nhà phân tích Labbad không ngạc nhiên trước hiện tượng này:

“Các định chế quân đội sẽ là sức mạnh bao trùm trong hệ thống chính trị sắp tới và chúng ta phải thú thật rằng kể từ ít nhất 200 năm nay, định chế quân đội Ai Cập đã kiểm soát đất nước này.”

Nhưng có những gợi ý rằng một số động năng có thể chuyển đổi. Nhóm soạn thảo hiến pháp này đã quyết định bãi bỏ Thượng viện Quốc hội.Và họ có vẻ như ưa chuộng sự phân chia lớn hơn về trách nhiệm giữa Tổng thống và Thủ tướng.

Nhưng, đối với một đất nước đã trải qua hết thay đổi sâu xa này sang thay đổi sâu xa khác trong những năm gần đây, một số người cảm thấy rằng một tài liệu không hoàn hảo, ngay cả khi được soạn thảo bởi một nhóm nhỏ không đại diện cho tất cả mọi thành phần trong xã hội có thể cũng đủ vào lúc này. Giáo sư Sadek nói:

“Chúng ta hy vọng rằng hiến pháp này chỉ là tạm thời, rằng nó sẽ không trở thành vĩnh viễn, nó sẽ tồn tại một khoảng thời gian cho tới khi mọi chuyện được cải thiện, cho tới khi tỷ lệ người mù chữ thấp hơn, tỷ lệ người nghèo khó cũng thấp hơn.”

Bản dự thảo hiến pháp cuối cùng hy vọng sẽ được đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới, mở đường cho các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG