Người ưa đọc tiểu thuyết có giá trị văn chương ở Mỹ trong suốt năm 2009 là năm được mùa của tiểu thuyết, đã được dự một bữa tiệc văn chương thịnh soạn vào cuối năm với quyển tiểu thuyết được chờ đợi từ lâu, quyển A Gate At the Stairs/Một Cánh Cổng Lối Lên Cầu Thang của nhà văn nữ Loorie Moore.
Nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết được chờ đợi vì những người yêu thích đọc Loorie Moore qua những tuyển tập truyện ngắn xuất sắc bắt đầu với tập Self-Help/Tự Lực xuất bản năm 1985, Like Life/Giống Như Cuộc Đời năm 1990, Birds of America/Chim Chóc ở Mỹ năm 1998, tiểu thuyết Anagrams/Đảo Nghịch Chữ Cái xuất bản năm 1986, Who will Run the Frog Hospital/Ai Là Người Sẽ Điều Khiển Bệnh Viện Cóc năm 1994 coi Loorie Moore là một nhà văn có tài đáng được chú ý theo dõi và chờ đợi.
Nhìn vào thời điểm những năm xuất hiện của những quyển sách ta thấy lộ trình sáng tác của Loorie Moore tiến triển điều hòa chừng mực, thời gian hoàn tất một tác phẩm khoảng trên dưới 5 năm, và từ thể loại truyện ngắn đi dần sang truyện dài. Như vậy có thể nói Loorie Moore viết văn cẩn trọng, không chịu áp lực thị trường xuất bản hay danh vọng. Điều này được chứng tỏ ở sự kiện kể từ khi cho xuất bản cuốn Birds of America vào năm 1998, mãi 11 năm sau Loorie Moore mới cho ra mắt quyển tiểu thuyết mới A Gate At the Stairs.
Loorie Moore sinh năm 1957 ở Glenn Falls, New York, học cấp cử nhân ở đại học St. Laurence, được trao giải truyện ngắn của tạp chí Seventeen khi 19 tuổi, học xong cử nhân rời chỗ ở sang Manhattan và đi làm phụ tá pháp lý trong 2 năm. Năm 1980 ghi danh học lớp Cao Học Sáng Tác ở Cornell, khi tốt nghiệp được giáo sư hướng dẫn là nhà văn là Alison Lurie khuyến khích và giới thiệu tập truyện ngắn Self-Help/Tự Lực với nhà xuất bản Knopt và quyển này được in ra năm 1985. Hiện nay Loorie Moore dạy học tại đại học Wisconsin-Madison, năm 2006 được bầu vào Viện Nghệ Thuật và Văn Học Mỹ. Loorie Moore khái quát quan niện của mình về Đời sống và Văn chương trong câu nói “Cuộc đời là một ruộng bắp, nhưng văn chương lại là một hớp rượu mạnh đã được tinh lắng dưới sâu.”
Tựa đề quyển truyện A Gate At the Stairs/Một Cánh Cổng Lối Lên Cầu Thang lấy từ bài hát do nhân vật chính trong truyện Tassie Keltjin, một nữ sinh viên, viết như sau: Người đã bỏ lại trần gian tìm về Thiên đàng/ sao bỏ tôi ở lại?/ Người yêu ơi, tôi sẽ đi cùng/ nếu như người không phiền lòng/ Tôi sẽ leo lên cái cầu thang đó/ băng ngang qua những con sư tử những con gấu,/ nhưng khổ nỗi cái cầu thang bị khóa lại/ ở ngay dưới chân cầu thang.
Quyển truyện này kể lại những biến cố cũng như cảm nghĩ trước các biến cố của Tassie trong vòng khoảng một năm bắt đầu từ mùa Đông năm 2001, tức là sau biến cố 11 Tháng 9 ở Mỹ. Không gian truyện là một thành phố nhỏ thuộc miền Trung-Tây do tác giả hư cấu đặt tên là thành phố Troy. Tassie, một thiếu nữ mới ngoài 20 tuổi, thuộc gia đình nông dân gốc di dân ở vùng Dellacrosse thuộc tiểu bang Wisconsin. Cha của Tassie là người theo đạo Tin Lành chuyên trồng khoai tây giống đắt tiền còn mẹ cô là một người gốc Do Thái giáo làm nghề trồng hoa. Có thể nói họ là những người tầm thường, không đáng kể, nhân thân mờ nhạt trong vùng.
Tốt nghiệp trung học trong vùng xong Tassie bỏ vùng quê ra tỉnh Troy, cách quê nhà hơn 60 dặm, để theo đại học. Tuy tác giả hư cấu thành phố mang tên Troy nhưng người đọc cũng dễ đoán ra đó là thành phố Madison ở Wisconsin nơi Loorie Moore làm giáo sư từ năm 2006. Tuy là một thiếu nữ vùng quê học giỏi nhưng Tassie có một tính cách khá đặc biệt: nhạy cảm, có óc quan sát sắc bén, có óc khôi hài tinh tế, thái độ lửng lơ chênh vênh trước đời sống.
Từ quê ra tỉnh tất nhiên Tassie bị choáng ngập, nhất là về các sinh viên nơi trường cô học. Họ khác hẳn Tassie từ ngôn ngữ, kiến thức thời thượng lẫn thái độ trước cuộc sống. Đại học đã làm đầu óc Tassie quay mòng mòng với những tên tuổi văn chương lừng lẫy như Sylvia Plath, Simone de Beauvoir…, những tư tưởng cao xâu và những cách nói năng của giới trí thức đại học. Nhiều khi họ tranh luận về những đề tài rất tức cười chẳng hạn “quyền của súc vật,” và “lò thiêu gà,” tiêu biểu cho một thứ văn hóa da trắng và nữ quyền.
Để có thêm tiền ăn học Tassie phải kiếm một việc làm bán thời gian. Và cô được Sarah Brink, một phụ nữ trung niên, rất có cá tính, thông minh nhậm lẹ, tinh thần trách nhiệm cao, là chủ một tiệm ăn hạng sang có chồng là Edward Thornwood, một bác sĩ nghiên cứu bệnh ung thư mắt, tuyển chọn vào công việc giữ trẻ. Nhưng điều khác lạ ngay từ đầu là: khi được thuê làm “cô vú” thì Sarah chưa có con nhưng đang chuẩn bị đi nhận một đứa con nuôi.
Mối liên hệ giữa Sarah và Tassie ban đầu ngần ngại xa cách nhưng dần dần trở nên gắn bó. Sarah là một cá tính mạnh, có những hành động quái chiêu chẳng hạn bỗng nhiên chạy tuốt lên cầu thang như tên bắn chỉ vì thích làm vậy chứ không phải để đi lấy một cái gì ở trên lầu, hoặc đem sách trong thư viện vào lò nướng bánh để diệt trùng, đến nỗi Tassie phải đưa ra nhận xét : “Tôi đang sẽ phải biến thành một người khác về mặt sinh học chỉ để có thể làm việc chung với bà ấy.”
Sarah đã để Tassie can dự vào quyết định lựa chọn một đứa con nuôi nhiều hơn là hỏi ý kiến Edward. Sarah đã dăt Tassie theo để tham dự vào những cuộc phỏng vấn rất bất thường những người mẹ đem con cho làm con nuôi. Cuối cùng đứa bé Sarah chọn làm con nuối là một bé gái da đen hai tuổi tên là Mary-Emma vì theo Sarah “Sự đui mù về khác biệt chủng tộc giờ đây chỉ là một quan niệm của người da trắng.”
Diễn tiến đi nhận con nuôi không phải là thuận buồm xuôi gió, nhất là việc mẹ đẻ của bé Mary-Emma nhất quyết muốn con mình phải được nuôi dưỡng như một đứa bé theo Thiên-chúa-giáo. Và vì một biến cố tình cờ - có một đứa nhỏ trong xóm buột miệng lời lẽ kỳ thị chủng tộc đối với bé Mary-Emma nên Sarah đã tổ chức những buổi thảo gồm những gia đình đa chủng tộc trong nhà vào mỗi tối thứ Tư.
Những ý kiến tranh luận dưới sự quan sát của Tassie thực là vừa bi vừa hài. Về tôn giáo, Sarah là người có đầu óc tự do cởi mở, còn Tassie mang dấu ấn sự kiện mẹ mình là một người theo Do Thái giáo có nguồn gốc chủng tộc không rõ ràng nên quan niệm của cô về tôn giáo rất chênh vênh, cảm thấy cô đơn và tội lỗi trong một môi trường sống đa tôn giáo cho nên nhiều khi thấy cuộc đời như một thảm kịch, theo như cố nhận xét: “Chúng ta giống như những nhân vật đi ra từ một câu truyện thần thoại kinh dị và ác liệt khác. Chẳng ai trong chúng ta ở trong cùng một câu truyện cả. Tất cả chúng ta đều là những kẻ kỳ khôi, tự mình dính cứng vào, nhưng lại ở những câu chuyện tách biệt nhau, và vì vậy nên những tương giao của chúng ta có vẻ như kỳ quặc và hết sức vô nghĩa.”
Tuy Tassie đã từng coi Thánh Kinh như “một vở hài kịch Do Thái-Kytô chính thống,” nhưng những suy nghĩ của cô thấm đậm những ẩn dụ trong ngôn từ Thánh Kinh, ngay cả ca từ trong bài hát của Tassie nói về một cánh cổng có thể là đóng nhưng cũng có thể là mở dẫn lên Thiên Đường được lấy làm tựa đề quyển truyện.
Sống trong nhà Sarah dần dần Tassie chứng kiến và hiểu được cuộc hôn nhân giữa Sarah và Edward là một thất bại không thể cứu chữa dù cho Sarah rất yêu Edward, dù cho Edward luôn có thái độ lạnh nhạt và đầy đe dọa ngay cả đối với Tassie. Nhưng có một thứ tình yêu mới nảy nở giữa Tassie và bé Mary-Emma, và mối thương xót đồng cảm nữ giới với Sarah cũng nảy nở. Tassie cảm nhận dường như giữa Sarah và Edward có một sự bí mật cả hai người cùng muốn dấu kín.
Một biến cố quan trọng khác xảy đến với Tassie: Vào dịp lễ Giáng Sinh Tassie về thăm nhà vì thằng em trai Robert quyết định đăng lính và sắp sửa được gửi sang chiến trường Afghanistan. Những ngày về với gia đình Tassie hồi tưởng những kỷ niệm thời thơ ấu, nhất là với đứa em trai sắp ra chiến trường và rất có thể sẽ tử trận.
Trong khi Robert rất ngưỡng mộ Tassie, coi chị là một sinh viên đại học vững vàng thì chính Tassie lại coi mình như một sự mất mát, kẻ không có được những tham vọng của các bạn học về hôn nhân, con cái, nghành học chuyên môn theo đuổi và nội lực để thực hiện những kế hoạch cho tương lai. Vì vậy Tassie có cảm nghĩ có một hố ngăn cách, một sự khác biệt quá lớn lao giữa hai chị em.
Một biến cố quan trọng khác xảy đến với Tassie: lần đầu trong đời cô có một người bạn trai tên Reynaldo học cùng lớp “Nhập Môn Đạo Sufi”. Tuy anh ta nhận mình là người Brasil nhưng lại không biết nói tiếng Tây Ban Nha, không biết hát những bản nhạc của xứ anh, cũng chẳng hề đọc những tác phẩm văn chương Châu Mỹ La tinh.
Trong truyện Loorie Moore cho người đọc cảm nhận được những nhận vật như Sarah, Edward, Reynaldo cuối cùng hóa ra không phải là những người đúng như họ nói mình là như vậy. Những bài học Tassie học được trong khoảng thời gian một năm sống ở Troy không phải là về sự tin cậy hay phản bội mà là về những sự mất mát, về cái giá phải trả không lường trước được cho việc không lưu tâm đến những xúc cảm của người khác trong mối liên hệ con người.
Nhìn chung, quyển A Gate At the Stairs là một tiểu thuyết đáng đọc, người đọc sẽ rất thích thú với những câu nói vui đùa riễu cợt tuy nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa cũng như lối chơi chữ thông minh tác giả đưa vào trong sách.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.
A Gate At the Stairs kể lại cuộc sống trong vòng một năm của Tassie, một thiếu nữ vùng quê Trung Tây ra thành phố học đại học và làm công việc giữ trẻ cho một gia đình da trắng khá giả. Đời sống đại học cũng như kinh nghiệm về mối quan hệ với những người mới quen biết đã để lại những cảm nghĩ vui ít buồn nhiều trong tâm hồn cô.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận hợp tác với Việt Nam trở nên sâu sắc hơn
2Nguồn tin: Việt Nam, Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận đường sắt khi Thủ tướng Lý Cường đến Hà Nội
3Indonesia đề nghị Apple, Google chặn Temu của TQ để bảo vệ những nhà kinh doanh nhỏ lẻ
4Người lao động Việt đạt thu nhập trung bình 7,6 triệu đồng/tháng hay 306 đô la trong quý 3
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!