Đường dẫn truy cập

Vụ kiện các công ty sản xuất thuốc khai quang. - 2004-07-12


Các luật sư Mỹ đại diện cho các nạn nhân người Việt của hóa chất mầu da cam đang thầm lặng tin tưởng là các công ty sản xuất ra loại thuốc khai quang mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ.

Hôm 30 tháng Giêng vừa rồi, Hiệp Hội Nạn Nhân của Hóa Chất Màu Da Cam, trụ sở đặt tại Hà Nội, đã nạp đơn lên tòa liên bang tại Brooklyn ở New York, kiện hơn 30 công ty Mỹ.

Đơn kiện này đại diện cho 3 người tại Việt Nam và những người Việt khác bị nhiễm hóa chất khai quang trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nguyên đơn đòi bồi thường và đòi tòa trừng phạt các công ty vừa kể về những thiệt hại đã gây ra.

Luật sư Konstantine Kokkoris, người cầm đầu phe biện hộ cho bên nguyên đơn, và các luật sư của ông đã tới Việt Nam hôm 29 tháng 6 trong chuyến đi 2 tuần lễ để gặp các nạn nhân của hóa chất màu da cam và các chuyên viên y tế. Theo ông, danh sách người đứng kiện có thể có thêm nhiều người khác nữa. Vấn đề hóa chất màu da cam vẫn còn là mối bất hòa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Từ năm 1961 tới năm 1971, quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã phun hàng triệu lít thuộc khai quang, phần lớn chứa hóa chất màu da cam, trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam để phá hủy những rừng cây rậm rạp nơi lực luợng cộng sản thường ẩn trú. Hà Nội nói rằng hóa chất này gây ra những vấn đề cho sức khỏe của hơn 1 triệu người Việt và hiện vẫn tiếp tục gây ra những hậu quả tai hại.

Một cuộc nghiên cứu do các khoa học gia Hoa Kỳ, Đức và Việt Nam thực hiện hồi năm ngoái, cho thấy con người vẫn bị nhiễm hóa chất màu da cam qua đường thực phẩm. Các chuyên gia y tế nói rằng Đai-Ốc-Xin, chất chính trong hóa chất màu da cam, có thể gây ra ung thư, dị tật bẩm sinh, các bệnh về não bộ v.v..

Việt Nam nói là Hoa Kỳ có trách vụ tinh thần và nhân đạo để hàn gắn vết thương chiến tranh, nhưng chưa bao giờ chính thức đòi bồi thường cho nạn nhân của hóa chất này.

Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ cho hay chưa có bằng chứng trực tiếp nào giữa chất Đai-ốc-xin và các chứng bệnh. Năm 2002, chính phủ hai nước thỏa thuận nghiên cứu thêm về hậu quả của hóa chất này. Luật sư phía nguyên đơn cho biết thời điểm hiện nay thuận lợi cho việc kiện tụng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG