Đường dẫn truy cập

Hành tinh trẻ. - 2004-06-04


Viễn vọng kính không gian mới nhất của Cơ quan không gian Hoa kỳ, NASA, đã tìm ra được những dữ kiện mà các nhà thiên văn tin là những bằng chứng của một hành tinh trẻ nhất được nhìn thấy từ trước tới nay. Các nhà thiên văn rất ngạc nhiên về tốc độ hình thành của hành tinh này. Điều này gợi ý rằng những thái dương hệ giống như thái dương hệ của chúng ta có thể được thành lập một cách nhanh chóng, và thông thường hơn người ta tưởng. Câu chuyện không gian hôm nay sẽ được Nguyễn Lê đành để mang đền quý thính giả một số chi tiết liên quan đến sự kiện khoa học này.

Viễn vọng kính không gian Spitzer của Cơ quan Không gian Hoa kỳ đã dò tìm được những bằng chứng về sự hiện diện của hành tinh mới ra đời này qua những bức xạ hồng ngoại phát ra từ chòm sao Kim ngưu, cách Trái Đất độ 400 năm ánh sáng. Viễn vọng kính Spitzer được NASA phóng lên quỹ đạo trong tháng 8 năm ngoái, có độ nhạy đủ cao để ghi nhận được những bức xạ từ các vành đai khí và bụi chung quanh các vì sao sơ sinh giống như mặt trời này.

Hành tinh sơ sinh chỉ mới được 1 triệu năm tuổi đang gây ngạc nhiên cho các nhà vật lý thiên thể, vì theo hình mẫu tiêu chuẩn của việc hình thành các hành tinh, thiên thể này không thể có được vì nó quá trẻ.

Những bí ẩn về lịch sử tiến hóa của Trái Đất từ số bụi không gian mà thành đang bắt đầu được hé mở nhờ có 3 khám phá mới do Viễn vọng kính không gian Spitzer của Hoa Kỳ thực hiện. Viễn vọng kính này đã quan sát thấy sự tiến hóa của các vì sao và hành tinh tại những nơi khác của Ngân Hà của chúng ta, và những phát hiện này chứng minh sự đúng đắn của lý thuyết cho rằng có thể có sự sống trên những hành tinh khác bên ngoài thái dương hệ của chúng ta.

Một khám phá đã được thực hiện trong vụ quan sát một vùng tập trung các vì sao đang thành hình ở cách trái đất chúng ta 14 ngàn năm ánh sáng. Viễn vọng kính Spitzer quan sát sự ra đời của trên 300 vì sao, trong số này 2 vì sao có những vòng đai bụi tạo ra hành tinh bao quanh-đây cũng là loại bụi đang kết thành các vì sao. Những bằng chứng sơ khởi gợi ý rằng tất cả các vì sao đực bao quanh bằng những vành đai bụi tương tự.

Nhà thiên văn Ed Churchwell thuộc Đại học Wisconsin của Hoa Kỳ nói:

“Những phát hiện này vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi về số lượng các vì sao đang thành hình trong mọt khu vực riêng lẻ. Vì sao điều đó lại quan trọng như vậy? Vì rằng việc thành lập các vì sao cũng giống như mạch máu của một thiên hà. Nếu không có những hoạt động này, các thiên hà sẽ nhanh chóng bị tàn lụi và chúng ta không còn nhìn thấy chúng nữa.”

Viễn vọng kính Spitzer cũng thăm dò một nhóm sao trẻ khác trong Ngân Hà, và phát hiện được những bằng chứng cho thất một trong số những vì sao trẻ này--chỉ vào khoảng 1 triệu năm tuổi, có thể có một hành tinh còn trẻ hơn thế nữa. Tuổi của vì sao được tính theo màu xanh nhạt của nó. Những vì sao đã lớn có màu đỏ, màu cam, hay màu vàng. Hành tinh chạy quanh quỹ đạo của nó sẽ là thiên thể trẻ nhất quan sát được từ trước tới nay. So sánh với hành tinh này, thì Trái Đất và thái dương hệ của chúng ta có đến 4 tỷ rưỡi năm tuổi. Viễn vọng kính Spitzer nhìn thấy hành tinh sơ sinh này bên trong một cái lỗ của vành đai bụi bao quanh vì sao. Điều này có thể cho thấy rằng hành tinh này do bụi kết thành.

Nhà thiên văn Alan Boss thuộc Viện Carnegie nói rằng nếu đúng như vậy, thì điều này giải thích vì sao hành tinh này thành hình nhanh chóng đến mức đó. Ông Boss không tham gia vào các hoạt động quan sát, nhưng ông nói rằng quan điểm trước đây về việc hình thành các hành tinh cho rằng những thiên thể này được thành lập khi những khối đá lớn hay khối băng lớn trong không gain đâm vào nhau. Tuy nhiên ông nói rằng quá trình này phải mất nhiều triệu năm với hoàn tất, trong khi sự kết tụ của số bụi trong một vành đai bụi của một vì sao có thể diễn ra một cách hết sức nhanh, so với quá trình kết tụ của đá hay băng. Và cũng có thể việc bụi kết tụ thành hành tinh là phương cách tao ra hành tinh thông thường hơn. Nhà thiên văn Boss nói tiếp:

“Phần bằng khí của vành đai bụi này thực sự có thể kết hợp với nhau một cách khá nhanh chóng trong thời gian chỉ độ 1000 ngàn năm. với số hạt bụi lắng xuống ở bên trong để tạo nên một cái lõi, và trở thành 1 hành tinh hoàn chỉnh theo một thời biểu 1000 lần nhanh hơn lối thường.”

Một cuộc quan sát thứ 3 của Viễn vọng kính Spitzer có thể giải thích sự sống đã khởi đầu trên Trái Đất như thế nào, và vì sao nó có thể là một hiện tượng phổ biến ở các nơi khác bên ngoài Thái dương hệ của chúng ta. Trong tiến trình quan sát này, người ta thấy có những hạt băng với những hợp chất hữu cơ bên trong các vành đai bao quanh 5 vì sao trẻ trong chòm sao Kim ngưu, một chòm sao tương đối ở gần chúng ta- cách khoảng 420 năm ánh sáng. Ông Dan Watson, một nhà thiên văn tại Đại học Rochester trong bang New York, nói rằng điều này có thể giúp giải thích nguồn gốc các thiên thể băng giá như các sao chổi và thiên thạch chẳng hạn. Sau đây là lời của ông Watson:

“ Xin quý vị hãy nhớ rằng chúng ta thường tin rằng các thiên thạch và sao chổi trong thái dương hệ của chúng ta đã mang nước và các chất liệu kiến tạo sự sống khác xuống Trái Đất--như chúng ta có hiện nay, và lấp đầy các đại dương.”

Viễn vọng kính không gian Spitzer được trang bị những máy dò bằng tia hồng ngoại với độ nhạy trước nay chưa từng có. Nhờ các máy dò này, viễn vọng kính Spitzer có thể nhìn thấy những vật bị bụi bao phủ, vì bụi không ngăn chặn được sự bức xạ của tia hồng ngoại.

Đối với nhà thiên văn Alan Boss thuộc Viện Carnegie, ba phát hiện mới vừa kể của Viễn vọng kính không gian Spitzer có ý nghĩa sâu sắc đối với lý thuyết cho rằng có thể có nhiều hệ hành tinh khác giống thái dương hệ của chúng ta. Ông Boss nói rằng Ba kết quả quan sát này của Viễn vọng kính Spitzer-về hành tinh trẻ, về các hạt băng, và về khu vực tập trung các vì sao đanh hình thành, tất cả kết hợp với nhau tạo nên một hình ảnh cho thấy rằng rất có thể những thái dương hệ giống như thái dương hệ của chúng ta có lẽ không phải là hiếm có trong vũ trụ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG