Đường dẫn truy cập

Lịch sử công trình xây đắp hệ thống đường thủy và đường bộ của Hoa Kỳ - Phần 2. - 2004-05-24


Chẳng bao lâu sau khi hệ thống hỏa xa cho toàn quốc và các tàu điện xuất hiện giúp cho việc di chuyển của dân chúng trong thành phố được dễ dàng thì xe hơi bắt đầu được mọi người xử dụng. Nelson Jackson và người bạn đồng hành Sewall Crocker, được nhận vinh dự là hai người đầu tiên băng ngang nước Mỹ bằng xe hơi. Chuyến băng ngang nước Mỹ bằng xe hơi lần đầu tiên năm 1903 mất 63 ngày. Chuyến đi rất gian nan bởi lẽ ngày ấy đường sá cho xe hơi chạy được đâu có bao nhiêu.

Nhưng không phải chỉ có thế, hai ông còn gặp khó khăn vì xe bị trục trặc giữa đường và thời tiết xấu. Nhưng cuối cùng họ đã chứng minh được rằng di chuyển đường trường bằng xe hơi băng ngang nước Mỹ là điều có thể thực hiện được. Và chuyến đi đã giúp ngành công nghệ xe hơi thu hút được sự chú ý của công chúng.

Cho tới năm 1930 thì hơn một nửa các gia đình tại Hoa Kỳ sở hữu được một chiếc xe hơi. Đối vơiù nhiều người thì xe hơi là một nhu cầu chứ không chỉ là một món đồ chơi đắt giá nữa. Để đáp ứng với những thay đổi này, các nhà làm luật phải thông qua những luật lệ giao thông mới và tân trang đường xá. Và xe hơi lại cần phải có những dịch vụ đi kèm. Thế là các trạm xăng được mở ra, các cửa tiệm bán vỏ lốp xe và các nơi sửa xe xuất hiện.

Nhiều ngườøi sử dụng xe hơi để di chuyển, để du lịch, và để di kiếm việc làm. Rồi hệ thống xa lộ được xây dựng và trở thành biểu tượng cho sự tự do và độc lập, người có xe không còn bị lệ thuộc vào những hệ thống di chuyển công cộng nữa. Họ có thể đi bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào mà họ muốn.

Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945. Tan chiến tranh, những ngừơi lính trẻ được giải ngũ trở về và bắt đầu lập tổ ấm. Những cơ sở kinh doanh, các cửa hàng bắt đầu di dời ra đến ngoài rìa thành phố và các khu ngoại ô bắt đầu phát triển. Hầu hết những gia đình trong các cộng đồng ngoại ô này đều có xe hơi, xe đạp hay xe gắn máy để di chuyển. Xe buýt cũng trở thành một phương tiện di chuyển phổ thông.

Nhiều khu trung tâm thành phố giờ đây bị xuống dốc về mặt kinh tế.do cư dân dọn ra ngoại ô sinh sống. Giới lãnh đạo các thành phố đã đối phó bằng các đề ra những dự án giao thông hỗ trợ cho công cuộc phát triển các khu vực trung tâm thành phố.

Đến thập niên 1950 xe điện ngầm là một phương tiện di chuyển rất phổ thông. Cũng vào thời điểm này một số những người khá giả đã có thể sử dụng phương tiện đi lại tân kỳ nhất, là máy bay.

Nhưng đối với hầu hết những người lái xe hơi, di chuyển đường trường vẫn còn là một trở ngại. Lúc đó chưa có hệ thống xa lộ xuyên bang. Vào năm 1956 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật gọi là Xa Lộ Được Liên Bang Trợ Giúp. Các kỹ sư công chánh đã thiết kế một hệ thống đường sá dài 65 ngàn kilomét. Họ đã hoạch định thế nào để mỗi thành phố với 100 ngàn dân trở lên sẽ được nối với hệ thống đường giao thông này.

Phần chính của mạng lưới xa lộ xuyên bang đã được hoàn tất vào khoảng năm 1990 và chính phủ đã phải tiêu tốn hơn 100 ngàn triệu Ðô la. Mạng lưới đường xa lộ xuyên bang đã giúp cho việc đi lại của dân chúng trên toàn quốc tiện lợi hơn, hàng hóa vận chuyển dễ dàng và nó cũng là nguyên nhân làm gia tăng ngành vận chuyển hàng hóa bằng loại xe tải container.

Hệ thống giao thông của Hoa Kỳ đã bắt đầu bằng ngựa và thuyền, giờ đây bao gồm đủ mọi thứ từ máy bay, xe tải container cho đến xe lửa, xe hơi, xe gắn máy. Thế nhưng về một khía cạnh nào đó thì hệ thống giao thông của Hoa Kỳ lại trở thành nạn nhân của sự thành công của chính nó.

Rất nhiều nơi đã gặp nạn kẹt xe khi ngày càng có thêm nhiều xe hơi chen chúc khắp các ngả đường. Và có rất nhiều người giờ đây không những chỉ lái xe du lịch mà còn lái loại xe thể thao đa dụng dềnh dàng và xe van cỡ nhỏ và các xe tải nhỏ.

Đối với một số người khác thì loại xe lai sử dụng vừa xăng vừa điện là giải pháp tốt cho họ. Loại xe này tiết kiệm được xăng và giảm được ô nhiễm. Nhưng ô nhiễm không phải là quan ngại duy nhất trong vấn đề giao thông vận tải. Việc đi lại dễ dàng có nghĩa là các khu gia cư có thể lan rộng ra khắp nơi, như thế cảnh quan thiên nhiên hoang dã ngày càng bị mất dần đi.

Thế nhưng ngày nọ qua ngày kia, người Mỹ vẫn phải nhờ cậy vào hệ thống giao thông của họ để đi lại và giúp vận hành một nền kinh tế to lớn vào bậc nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG