Dưới tựa đề "Tại sao một công ty đường của người Anh thành công tại Việt Nam trong lúc các công ty Việt Nam lại thua lỗ?" bài báo của tờ Tuần san Kinh tế Viễn đông số mới nhất cho hay ở trong tỉnh Nghệ An, công ty đường của Anh quốc có tên là Tate & Lyle đã dạy cho chính phủ Việt Nam một bài học quen thuộc của các chuyên viên mua bán nhà đất, đó là địa điểm.
Cách nay 10 năm, Việt Nam đã xây hàng chục nhà máy lọc đường mà không chú ý đến việc trồng mía ở đâu. Giờ đây, hầu hết 44 nhà máy lọc đường trên cả nước không có đủ nguyên liệu, trang thiết bị hư hỏng bất kỳ lúc nào, và tình hình tài chính rối tung.
Trong khi đó, công ty Tate & Lyle trong 5 năm vừa qua đã tiến một cách chắc chắn. Họ đã chọn một địa điểm có nhiều nhà cung cấp mía, tiền bạc được thanh toán nhanh chóng mỗi khi nhận mía. Và công ty này đã có lời trong 3 năm liên tục.
Họ đã giảm bớt nhân viên người nước ngoài phải trả nhiều lương, đào tạo các giám thị Việt Nam và sử dụng máy tính. Trong khi đó, Việt Nam đang phải tổ chức lại ngành đường mía của mình. Vài nhà máy được đem bán, một số phải di chuyển đi nơi khác và một số phải đóng cửa; ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 triệu người trồng mía, và 30 ngàn công nhân, mắc nợ khoản 546 triệu đôla và nhà nước phải bao cấp mỗi năm hơn 80 triệu đôla.
Công ty Tate & Lyle của Anh quốc được thành lập từ năm 1921 nhưng chỉ mới phát triển sang châu Á kể từ thập niên 1990. Trước khi đến Việt Nam họ đã có những liên doanh tại Trung Quốc và Thái Lan. Công ty rất mừng khi thấy chính phủ Việt Nam muốn đạt chỉ tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường mỗi năm để khỏi phải nhập khẩu đường từ Cuba, Thái Lan và Trung Quốc.
Trong khi công ty Bourbon của Pháp chọn tỉnh Tây Ninh cho gần với thành phố Hồ Chí Minh thì công ty của Anh lại chọn Nghệ An ở miền Trung. Thay vì dựa vào lao động rẻ, công ty đặt ưu tiên vào việc tự động hóa. Công ty có những phần mềm điện toán chỉ cho biết phải trồng mía chỗ nào, khi nào thì thêm phân bón hoặc gieo giống.
Công ty phải giao dịch với khoảng 28 ngàn nhà trồng mía, hàng được trả tiền trong vòng 48 tiếng sau khi giao, giá vào khoảng 200 ngàn đồng một tấn. Cuộc sống đã được cải thiện cho người dân trong vùng. Tại xã Nùng, phân nửa người dân đã thay thế căn nhà làm bằng mái tranh của mình bằng những căn nhà làm bằng xi măng, và một vài người đã có xe gắn máy.
Năm nay công ty dự báo sẽ thu nhập khoảng 29 triệu đôla so với 16 triệu cách nay 3 năm.