Human Rights Watch nói rằng cảnh sát Việt Nam đã dùng roi điện, lựu đạn cay và vòi rồng xịt nước để giải tán đám đông gồm hàng ngàn người Thượng theo Cơ Đốc Giáo lúc đó đang biểu tình phản kháng chuyện bị ngược đãi vì lý do tôn giáo và chuyện đất đai của tổ tiên họ để lại bị tịch thâu.
Vụ phản kháng này trên vùng Tây Nguyên diễn ra trong hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật nhân dịp lễ Phục Sinh của người Cơ Đốc Giáo.
Tổ chức tranh đấu cho nhân quyền vừa kể, trụ sở đặt tại New York, nói rằng theo lời kể của những người được mục kích , một vài người phản kháng đã bị đánh chết trong lúc biểu tình. Một số người khác mất tích.
Hôm thứ Hai, chính phủ Việt Nam xác nhận là có những vụ rối ren lớn trên vùng Tây Nguyên, nhưng đổ lỗi cho những vụ này là bắt nguồn từ các phần tử cực đoan được những lực luợng bên ngoài xúi giục.
Một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ tin của Human Rights Watch, gọi đây là những tin bịa đặt và quá lố, được tung ra vì có ác ý.
Chính phủ Việt Nam đã không cho các quan sát viên quốc tế và các nhà ngoại giao tới vùng Tây Nguyên. Một số chính phủ nước ngoài đang tạo áp lực, đòi Việt Nam cho họ tới vùng này. Hôm thứ Bảy, một phái đoàn của đại sứ quán Mỹ tìm cách tới vùng Tây Nguyên đã bị buộc phải quay trở lại.
Đại sứ quán Mỹ đã yêu cầu Việt Nam cho phái đoàn của sứ quán được tới vùng này. Hôm thứ Tư, sứ quán Ý cũng yêu cầu Việt Nam cho báo chí được tới vùng này và đề nghị Việt Nam chớ nên dấu diếm, che đậy trước những chuyện đã xảy ra.
Ông Sunai Phasuk, chánh văn phòng của Human Rights Watch tại Bangkok, nói rằng tình trạng đàn áp quyền của người sắc dân thiểu số tại Việt Nam, nhất là quyền tự do tín ngưỡng và quyền sở hữu đất đai, đã là một vấn đề đối với Việt Nam từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên điều tệ hại là thay vì cho phép thực hiện cuộc điều tra độc lập về những qui chế dành cho người sắc dân thiểu số ở bên trong Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam lại áp dụng chính sách gạt bỏ những lời chỉ trích và những thái độ nghi ngờ của quốc tế, và sự kiện này không giúp giải quyết được vấn đề.
Ông Phasuk còn cho rằng khi không cho các nhà quan sát nước ngoài tới vùng tây nguyên, chính quyền Việt Nam đã khiến mọi người càng thêm nghi ngờ về đường lối đối xử của chính quyền đối với các sắc dân thiểu số.
Ông Phasuk cho rằng chính phủ Việt Nam nên mở cửa vùng Tây Nguyên để những cơ quan quốc tế khả tín, như Hội Chữ Thập Đỏ chẳng hạn, có thể tới để nhận định nhu cầu và tìm hiểu thân phận của người sắc dân thiểu số.
Năm 2001, cảnh sát Việt Nam đã đàn áp những vụ biểu tình tương tự, làm hàng ngàn người Thượng đã phải bỏ chạy qua biên giới Kampuchia. Việt Nam tố cáo tổ chức có tên là Hiệp Hội Người Thượng, một tổ chức tranh đấu cho quyền của người sắc dân thiểu số, là đã tổ chức các vụ biểu tình hôm lễ Phục Sinh và những vụ phản kháng năm 2001.
Tổ chức này, đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, được thành lập nhờ một nhóm người Thượng chống cộng, trước đây giúp Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hàng ngàn người Thượng đã tới định cư tại Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến tranh kết thúc 30 năm trước đây.