Một phái đoàn dệt may của Mỹ đang có mặt tại Hà Nội trong tuần này để đánh giá hiệp định song phương áp dụng từ tháng 5 năm 2003 và để xác định xem liệu các mặt hàng may mặc dán nhãn hiệu sản xuất tại Việt Nam có được đưa lậu từ Trung Quốc qua để tăng thêm khối lượng hàng của Việt Nam hay không.
Theo hiệp định này, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt, như giảm bớt côta nhập khẩu, nếu có sự gian lận như thế. Các cuộc đàm phán được gọi là "hội ý" kéo dài trong 2 ngày kết thúc hôm thứ Năm.
Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cho biết chính phủ đã thi hành một số biện pháp để ngăn chặn những vụ gửi hàng bất hợp pháp. Ông cho biết một cuộc thanh tra của hải quan Mỹ tại khoảng 100 xưởng may Việt Nam hồi năm ngoái phát hiện chừng 6 đến 10 xưởng có vấn đề.
Nhưng một người kỳ cựu trong công nghiệp may mặc của Hoa Kỳ tỏ ý không tin là có hiện tượng gian lận tràn lan vì lập luận rằng việc này không đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, một trong các địa điểm sản xuất nhanh, hữu hiệu và rẻ tiền nhất trên thế giới.
Sau dầu thô, dệt may là mặt hàng đem lại ngoại tệ nhiều nhất cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã dự kiến kim ngạch xuất hàng dệt may lên tới 4 tỷ 250 triệu đôla trong năm 2004. Năm ngoái con số xuất sang Mỹ là 2 tỷ 400 triệu, so với 900 triệu năm 2002, và 50 triệu năm 2001.
Việc giảm côta sẽ gây tai hại nặng nề cho các xưởng may tại Việt Nam hiện đang lo lắng tìm cách cung cấp hàng cho các cửa tiệm của Mỹ theo một thỏa thuận hạn chế mức tăng số xuất ở tỷ lệ 2 đến 7% mỗi năm. Mức hạn chế này được quy định theo lời yêu cầu của khu vực dệt may Hoa Kỳ báo động trước sự tăng vọt của lượng hàng nhập từ Việt Nam.