Đường dẫn truy cập

Vùng Hạ Lưu Sông Mekong: Mực nước hạ, đe dọa kế sinh nhai của hàng triệu người. - 2004-03-15


Lời Dẫn: Thưa quý thính giả, hàng triệu cư dân sinh sống ở vùng hạ lưu Sông Mekong sẽ phải đương đầu với nguy cơ mất an ninh về lương thực, do tình trạng môi sinh bị thoái hóa và do sức ép của số dân cư đang gia tăng trong khu vực. Trong tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này, Hoài Hương xin gửi đến quý thính giả một số chi tiết trong phúc trình của Uûy Ban Sông Mekong về vấn đề này, và trình bày ý kiến của một số chuyên gia và quan điểm của người dân sinh sống ở vùng hạ nguồn sông Mekong. Mời quý vị theo dõi.

Sông Mekong xuất phát từ vùng cao nguyên Tây Tạng, chạy dài suốt 4880 kílômét, ngoằn ngoèo qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, tại đây Sông chia ra nhiều nhánh trước khi đổ ra biển Đông. Theo Uỷ Ban Sông Mekong, ước lượng có từ 55 đến 60 triệu người sinh sống tại hạ lưu Sông Mekong, dân số vùng này theo dự kiến sẽ tăng lên tới 90 triệu vào năm 2025. Đối với hàng triệu người ấy, Sông Mekong là mạch sống, là nguồn cung cấp lương thực và nước để canh tác, do đó con sông thường được ví von như một bà mẹ bởi vì sông đã nuôi dưỡng người dân lưu vực trải qua biết bao nhiêu thế hệ, khiến họ tưởng chừng như nguồn sống này sẽ mãi mãi dồi dào...

Thế nhưng mới đây, mực nước sông Mekong đã hạ xuống mức thấp chưa từng thấy vào mùa hạn, khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ cư dân vùng hạ lưu Sông Mekong có thể lâm vào tình trạng thiếu an ninh lương thực do tình trạng thoái hóa môi sinh, cũng như sức ép của dân số gia tăng, gây ra. Các quốc gia sẽ bị tác động nặng nề nhất là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Lên tiếng trong một cuộc họp báo ngày 10 tháng Ba vừa rồi, ông Đào Trọng Từ, phát ngôn viên của Uỷ Ban Sông Mekong, đã bày tỏ quan tâm của ủy ban. Ông nói:

“Nếu khuynh hướng hiện nay tiếp tục, thì hầu hết cư dân ở hạ lưu Sông Mekong sống nhờ nghề nông và đánh cá sẽ bị ảnh hưởng.”

Nguy cơ này càng thêm phần nghiêm trọng, xét sự kiện nông và ngư nghiệp là hai nghề sinh nhai chủ yếu của cư dân vùng này.

Ông Đào Trọng Từ lưu ý là có sự căng thẳng giữa nhu cầu cần nhiều nước hơn của ngành nông, với nhu cầu của ngành đánh cá, một ngành lệ thuộc nặng nề vào chu kỳ thiên nhiên lên xuống của thủy triều để cá có môi trường sinh sản.

Mực nước hạ thấp trong năm nay, được ghi nhận tại 3 điểm khác nhau: Chiang Saen ở Thái Lan, Vientiane ở Lào, và Tonle Sap bên Campuchia, đã gây quan ngại trong giới chuyên gia khu vực, nhất là tại Vientiane, nơi mực nước xuống thấp tới mức kỷ lục từ xưa tới nay.

Giới truyền thông Thái Lan cũng đề cập đến những vùng khô cạn tại khúc sông Mekong phân chia biên giới giữa Thái Lan với nước Lào. Báo chí Thái Lan cho hay là tại một vài điểm, mực nước đã xuống tới mức thấp nhất tính từ 20 năm qua, có chỗ chỉ lên tới 2 mét 6, so với mực nước thông thường vào mùa khô là từ 4 đến 5 mét.

Mạng Lưới Quốc Tế Sông Ngòi Đông Nam Á, gọi tắt là SEARIN, một tổ chức bảo vệ môi sinh, đã góp tiếng với một số cư dân vùng hạ lưu Sông Mekong, quy lỗi cho các đập thủy điện mà Trung Quốc cho xây ở thượng nguồn là nguyên do gây ra tình trạng này. Tờ Bangkok Post, số ra ngày 10 tháng Ba, 2004, đã thuật lại lời than phiền của giới ngư phủ ở Chiang Rai, liên kết tình trạng lượng cá Sông Mekong giảm sút rõ rệt với quyết định của chính phủ Trung Quốc cho xây các đập nước ở đầu nguồn.

Tại một buổi hội thảo dành cho Hội Nhà Báo Môi Sinh Thái Lan, một ngư phủ từ huyện Chiang Khong, ông Jeerasak Intayos, nói rằng các ngư phủ Thái đã nhận xét thấy số lượng cá Sông Mekong bắt đầu giảm sút sau khi Trung Quốc hoàn tất công trình xây cất đập Manwan hồi năm 1996. Đây là đập nước đầu tiên mà Trung Quốc xây trên Sông Mekong. Ông Jeerasak nói rằng lợi tức của ngư phủ vùng Chiang Rai trung bình vào khoảng 40,000 baht một năm, bây giờ chỉ còn 10,000 baht, bởi vì nguồn cá ở Sông Mekong đã bắt đầu cạn kiệt.

Ông Jeerasak cho biết là vì không xoay sở được với mức lợi tức nhỏ nhoi đó, và không còn đánh được cá để ăn, ngư dân trong vùng đã xoay sang làm thợ trong các ngành xây dựng. Người ngư phủ này nói rằng những gì xảy ra cho Sông Mekong, và cho dân làng, là một thảm họa lớn. Dân làng muốn chính phủ Thái Lan cứu xét vấn đề này, và tăng sức ép để buộc Trung Quốc phải giảm thiểu tác động của các đập thủy điện đối với môi trường sinh thái vùng hạ lưu Sông Mekong.

Ông Chai-narong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Quốc Tế Sông Ngòi Đông Nam Á, nói rằng lượng cá đánh bắt được từ Sông Mekong đã hạ phân nửa, so với cách đây 3 năm về trước.

Ông Chainarong liên kết hiện tượng này với lượng nước lên xuống thất thường trên Sông do việc xây cất đập và do hoạt động của các đập thủy điện Trung Quốc, cũng như do việc tu bổ các khúc sông chảy xiết để tạo điều kiện cho tàu bè đi lại ở thượng nguồn.

Tuy nhiên, ông Suphot Tovichak-chaikul, giám đốc Trung Tâm ngăn chận Khủng Hoảng thuộc Bộ Tài Nguyên Thủy Lợi Thái Lan, khuyến cáo chớ nên quy lỗi hoàn toàn cho các đập nước ở Trung Quốc. Ông Suphot nói rằng việc Trung Quốc xây đập chỉ là một yếu tố đưa đến mực nước thấp ở hạ nguồn, song theo ông, nguyên do chủ yếu là nạn hạn hán xảy ra trên khắp khu vực.

Trong khi cuộc tranh luận về phần trách nhiệm của Trung Quốc trong vụ việc này vẫn chưa ngã ngũ, một tổ chức nghiên cứu quốc tế đã tập trung vào nỗ lực ngăn chận mực nước Sông Mekong xuống thấp hơn nữa. Hôm thứ Năm trong tuần, Chương Trình đối phó với thử thách về Nước và Lương Thực do Nhóm Tham Vấn Nghiên Cứu Nông Nghiệp Quốc Tế, gọi tắt là CGIAR, thực hiện, đã trình bày kế hoạch mở một loạt các cuộc nghiên cứu nhằm mục đích tiết kiệm nước và cùng lúc tăng gia mức sản xuất lương thực. Chương trình này đang tài trợ cho 8 dự án tâp trung vào mục tiêu tăng năng xuất nông nghiệp, và dùng nước hữu hiệu hơn trong lưu vực Sông Mekong, trong các dự án này có dự án thiết kế các hệ thống nông nghiệp đa dụng, cải thiện công nghệ để tăng sản lượng lúa thu hoạch mà không dùng nhiều nước hơn, và dự án tìm cách đối phó với vấn đề nước mặn tại Việt Nam.

Chương trình gọi chung là Dự Án vùng Hạ Lưu Sông Mekong sẽ tốn kém 10 triệu mỹ kim, và là một phần của một chương trình toàn cầu của CGIAR tập trung vào việc phát triển 9 vùng lưu vực lớn trên thế giới, kể cả lưu vực sông Nile bên Ai Cập, và sông Hoàng Hà ở Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG